(Tổ Quốc) - Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trong khi mua bất động sản buộc phải đi xem. Bất động sản không giống những sản phẩm khác, không có sự tương đồng mà mỗi bất động sản lại có sự khác nhau và giá trị lớn. Do đó, người mua buộc phải đi xem.
Đó là khẳng định của chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang tại tọa đàm BĐS do báo Dân Trí tổ chức mới đây.
Theo vị chuyên gia này, nhu cầu đầu tư tại Việt Nam rất lớn, trong đó 2 kênh được yêu thích nhất là chứng khoán và bất động sản. Hiện nay chúng ta ở nhà cũng 3-4 tháng rồi, thậm chí có người bị ở nhà cả năm cứ đi loanh quanh trong nhà. Bây giờ rất muốn đi ra ngoài, mà đi ra ngoài là đi đâu? Thường là ngắm nghía mua cái gì đó. Bất động sản trở thành một lựa chọn.
Tuy nhiên, theo ông Quang, người ta thèm đi xem thôi, chứ chưa chắc đã mua ngay. Bất động sản khó ở chỗ, giữa ý thích và hiện thực khá xa nhau. Nếu khảo sát bạn có thích căn hộ hay không, tôi đảm bảo 100% đồng ý mua căn hộ. Nhưng đến lúc hỏi bây giờ có quyết định mua hay không thì không mua. Vì bất động sản có giá trị lớn, không phải muốn mua là mua được, nhưng tâm lý thì ai cũng thích sở hữu bất động sản. Do đó, sau dịch sẽ có làn sóng đi xem bất động sản nhiều hơn đi mua bất động sản.
Đó là mặt tích cực của thị trường BĐS. Còn theo ông Quanh, về tiêu cực thì suốt 3 tháng (tháng 6-7-8), nhiều nhà đầu tư phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng chưa nói đến nhiều chi phí khác. Do đó, bên cạnh nhóm 80% nhà đầu tư có nhu cầu đi xem bất động sản để tìm sản phẩm mua vào thì vẫn có 10-20% nhà đầu tư có nhu cầu bán ra bất động sản để giải quyết vấn đề trước mắt.
Nghĩa là, một bên thì đợi mở cửa để bán ra, thậm chí bán giảm giá 5-10%, còn một số lượng khác thì đi xem và mua bất động sản. Nhưng mà người muốn bán chắc chắn sẽ bán, còn người muốn mua chưa chắc gì đã mua. Sau dịch là một thị trường rất là thú vị, nhiều người muốn mua nhưng quyết định còn dè dặt.
Theo ông Quang, sau dịch sẽ có làn sóng đi xem bất động sản nhiều hơn đi mua bất động sản
Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trong khi mua bất động sản buộc phải đi xem. Bất động sản không giống những sản phẩm khác, nó không có sự tương đồng mà mỗi bất động sản lại có sự khác nhau và giá trị lớn. Do đó, người mua buộc phải đi xem.
Vì thế, theo ông Quang, trong bối cảnh dịch như này mà nói booking BĐS đạt 100% hoặc bán hết, chỉ mang tính PR nhiều hơn. "Hiện nay, cũng có một số đơn vị triển khai việc bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, tôi đánh giá nó chỉ đạt hiệu quả khoảng 30-40% so với thời điểm trước dịch. Và nó mang tính là đặt cọc, đặt chỗ với khoản tiền rất nhỏ. Kèm theo đó, chủ đầu phải có những chính sách khuyến mãi hoặc giảm giá kỹ thuật, nghĩa là ưu đãi, tặng thưởng hoặc giãn cách thời gian thanh toán… Tôi đếm trên thị trường, chỉ 1-2 dự án đạt được việc này, chứ không mang tính phổ biến. Nhìn chung trên thị trường, việc booking 100% là gần như không có, chỉ diễn ra ở 1-2 dự án thôi do chủ đầu tư có nhiều ưu đãi dành cho người mua", ông Quang khẳng định.
Ở loại hình căn hộ, theo vị chuyên gia này, 80% nhu cầu là về tiêu dùng, tức là nhu cầu ở thực dành cho vợ chồng mới cưới hay người mua nhà đầu tiên. Đối với giới đầu tư, chỉ khoảng 30-35% lựa chọn căn hộ.
Chia sẻ trước đó, vị chuyên gia này dành lời khuyên, nhà đầu tư quan sát tìm hiểu những chủ đất kẹt tiền, bán giá tốt là có thể mua vào ngay. Thị trường BĐS cũng đang xuất hiện nhiều chính sách ưu đãi cực kì tốt, hiếm thấy cho khách hàng. Việc chiết khấu cũng là biểu hiện ngầm của việc hỗ trợ về giá (3-5%) là cơ hội để chọn mua trong mùa dịch này. Khoảng 70% nhu cầu của nhà đầu tư hướng đến phân khúc đất nền. Đây là phân khúc dễ sốt, và tăng giá mạnh nhất. Hiện dịch kéo dài nên thị trường BĐS cũng trầm lắng lại, định vị lại sản phẩm. Tuy vậy, cơ hội cho thị trường đất nền vùng ven vẫn còn lớn.
"Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần như thị trường BĐS đứng giao dịch, lại là cơ hội để những người muốn mua BĐS "xuống tiền". Những NĐT này có thể chọn một BĐS mà mình yêu thích, ngắm sẵn và đi thương lượng với chủ, nếu giảm được 5-10% là mua được", ông Quang nhấn mạnh.
Hạ Vy