(Tổ Quốc) - Đây là chân lý đối với những nhà lãnh đạo, bỏi chỉ có như vậy mới có thể tránh được việc dùng người một cách mù quáng. Cho nên, trong các công ty ngày nay rất phổ biến câu câu nói: "Hiểu người mới dùng được người".
Như thế nào là "hiểu người"? Điều kiện tiên quyết là phải đánh giá công minh, công bằng, vô tư, không thiên lệch. Lãnh đạo phải có tấm lòng như vậy mới có thể "khai quật" được nhân tài thực sự. Nhân tài giống như tảng băng trôi, 10% nổi còn 90% chìm.
Hiểu được một người vô cùng khó, nguyên nhân trước hết chính là những chướng ngại khách quan:
1. Con người không thể dùng phương pháp khoa học để tiến hành xét nghiệm, phân tích được. Người ta vẫn nói "biết người, biết mặt nhưng không biết lòng". Biểu hiện bên ngoài tuy giống, nhưng lòng dạ thì lại khác. Vẻ ngoài của con người chưa hẳn đã giống nhau, bởi tư tưởng và tình cảm của mỗi người giống như khuôn mặt của họ, không ai giống ai. Thế giới nội tâm của mỗi người khác nhau, cho nên không thể nhìn mặt và bắt hình dong, những biểu hiện bên ngoài chưa hẳn là bản chất bên trong. Vì thế, Khổng Tử từng nói: "Dĩ mạo thủ nhân, thất chi Tử Vũ; dĩ ngôn thủ nhân, thất chi Tể Dữ", tức là qua tiếng nói chọn người thì mất Tể Dữ, lấy tướng mạo mà chọn người thì mất Tử Vũ.
2. Con đường học vấn của con người thay đổi theo thời gian, dài ngắn khác nhau, ấn hiện không giống nhau. Sự biến đổi đó do thời gian, do khu vực địa lý, thậm chí cùng một người trong một ngày thì tâm trạng cũng thay đổi, lên xuống thất thường.
Thứ hai là những chướng ngại chủ quan:
1. Yêu ghét bị ràng buộc bởi thành kiến cá nhân. Người đánh giá có ấn tượng tốt đối với một hai phẩm chất nào đó của người được đánh giá, thì sẽ đánh giá cao đối với toàn bộ những phẩm chất còn lại. Ngược lại, nếu người đánh giá có ấn tượng xấu thì chỉ thấy toàn điều xấu. Mạnh Tử nói: "Con người không bao giờ nhìn thấy cái xấu của con mình, cũng không bao giờ thấy lúa nhà mình là tươi tốt". Tư Mã Quang cũng nói: "Tâm nếu thiên lệch thì sự việc cũng theo đó mà thiên lệch theo, cho nên thì không thấy cái gì đáng giận, giận thì không thấy điều vui, yêu thì không thấy được cái đáng ghét, ghét thì không thấy được điều hay."
Yêu hay ghét đều phải thận trọng suy xét. Yêu nhưng vẫn biết cái xấu của họ, ghét nhưng vẫn nhìn thấy cái đẹp của họ, thì người đó có thể loại bỏ kẻ gian tà, dùng được người hiền tài. Nhiều khi, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp thiếu năng lực đánh giá người khác hoặc tự cho mình là đúng, tư lợi, đố kỵ với người tài, thích kẻ nịnh bợ để mưu cầu củng cố quyền lợi cá nhân, vì thế mà tìm mọi cách dập vùi nhân tài.
2. Nhân tài dễ bị chôn vùi do chịu sự hạn chế bởi những nhân tố như kinh nghiệm, thâm niên, tư cách và các vấn đề hiện thực khác. Lãnh đạo khi nhận biết người tài, nếu nhầm gian thần trung thân, nhầm ác thành thiện, nhầm ngu si thành thông thái, thì việc tất sẽ thất bại. Ngược lại thì kết quả cũng tương tự như vậy. Cho nên, muốn biết người và khéo dùng người thì phải loại bỏ những chướng ngại nói trên mới đạt được hiệu quả.
Tính cách của mỗi người mỗi khác là bởi họ chịu ảnh hưởng của môi trường sống, kinh nghiệm sống và thụ hưởng nền học vấn khác nhau. Cụ thể hơn, có rất nhiều nhân tố quyết định tính cách con người, bao gồm xuất thân, hoàn cảnh gia đình, thói quen, bạn bè, giai tầng xã hội, nghề nghiệp, tâm lý, động cơ, mong muốn… Vì thế, người làm lãnh đạo phải biết được tính cách của cấp dưới, phải khách quan tìm hiểu những đặc điểm tướng mạo, thân thể, đạo đức, tính cách, tu dưỡng, trình độ,… đồng thời phải đặt mình vào vị trí của cấp dưới để hiểu hơn về bản thân và hoàn cảnh của họ, từ đó có được những đánh giá hợp tình hợp lý, chứ không được dựa vào ấn tượng chủ quan ban đầu.
Muốn trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa thì phải hiểu được những tính cách và đặc trưng riêng của cấp dưới mới có thể quản lý tốt được. Người xưa đã nói rằng: "Dùng ngựa tốt bắt chuột không bằng dùng mèo; kẻ đói nhận được vàng bạc châu báu, không bằng có được một bát cháo". Dùng vật, dùng người phải hợp lý, nếu không sẽ không những chôn vùi bảo vật, mai một nhân tài, mà còn không thu được kết quả gì. Về phương diện này, có rất nhiều lời khuyên cũng như bài học, dưới đây là tám điều cơ bản cần chú ý:
- Người có đức không quá coi trọng tiền bạc, không thể dùng lịch ích vật chất để mê hoặc họ, có thể để họ quản lý tài chính.
- Người dũng cảm không sợ khó khăn, gian khổ cũng không đánh gục được họ, có thể để họ giải quyết những công việc cấp bách.
- Người tài trí, nhìn xa trông rộng, lễ độ, hiểu lý lẽ, không thể giả vờ chân thành, tin tưởng mà lừa họ, có thể để họ phụ trách những công việc quan trọng.
- Người ngu ngốc, dễ bị lừa phỉnh, không thể làm công việc đàm phán hay nhận xét đánh giá.
- Người bất trung, dễ dao động, không nên để họ biết về cơ hội kinh doanh.
- Người ham muốn tiền tài, dễ bị dụ dỗ, mê hoặc, không nên để phụ trác quản lý tài chính.
- Người nặng về tình cảm, dễ thay đổi ý kiến, không nên để họ phụ trách công việc phải ra quyết sách.
- Người tùy tiện, dễ khiến sự việc rối loạn, không thể phụ trách công việc có tính lâu dài hoặc đòi hỏi trật tự, ngăn nắp.
(Tham khảo sách: Tứ thư lãnh đạo- Hòa nhân)
Thảo Nguyên