(Tổ Quốc) - “Đầu tư 50 triệu đồng, thu về 15 triệu đồng”. “Chỉ cần công ty hô “Điện thoại” và nhà đầu tư bình chọn “điện thoại””… là những hứa hẹn và hướng dẫn của một app lấy tên và logo Mekong Capital. “Họ sử dụng tên, logo chúng tôi để kêu gọi đầu tư, và hẹn nhà đầu tư đến văn phòng chúng tôi để trả tiền”, Tổng Giám đốc Nhân tài và Văn hóa của Mekong Capital cho biết.
"Chúng tôi bắt đầu nhận được cuộc gọi hỏi về Apps giao dịch gọi vốn của Mekong Capital vào ngày 6/7. Phía chúng tôi đã trả lời rõ mình không kêu gọi vốn và cũng không có Apps nào", đại diện Mekong Capital cho biết.
Ra đời năm 2001, Mekong Capital là công ty tư vấn quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập trung đầu tư duy nhất vào các công ty tư nhân Việt Nam.
Câu chuyện "kêu gọi vốn" kể trên không dừng lại ở một cuộc điện thoại.
2 ngày sau đó, Mekong Capital cho biết họ tiếp tục nhận được cuộc gọi nhờ nối máy với "anh Hùng" hoặc "chị Ngọc Bích", "Hồng Anh" trong cùng vụ việc.
Cùng ngày, một nhà đầu tư tên Trang (*) cùng một nhóm 5 nhà đầu tư lên văn phòng Mekong Capital gặp "chị Ngọc Bích" để đòi số tiền 500 triệu đồng đã đầu tư thông qua Apps EC*. Theo lời kể của các nhà đầu tư cá nhân, họ biết đến chương trình đầu tư thông qua Facebook Ads, sau khi click vào thì được tư vấn qua zalo, giới thiệu về Mekong Capital và gửi cả link Website chính thức của Mekong Capital.
Theo lời kêu gọi đó, các cá nhân đầu tư theo từng đơn 1 triệu – 50 triệu đồng, làm theo nhiệm vụ và thu lời 30%. Nhiệm vụ được mô tả khá đơn giản là bình chọn một mặt hàng để tăng tương tác, ví như phía công ty hô "Điện thoại" thì chỉ cần bình chọn và nhập điểm bình chọn theo hướng dẫn.
"Mọi thông tin đều được trao đổi qua group chat, và các thành viên trong group chat cũng không thể liên lạc riêng với nhau. Fanpage Facebook đó nhà đầu tư này không nhớ chính xác, và cũng không tìm lại được", phía Mekong Capital chia sẻ từ tư liệu họ nhận được trong vụ việc.
Trong ảnh chụp tin nhắn nhà đầu tư gửi lại, chị được "Mekong Capital" kia hẹn đến địa chỉ của Mekong Capital "xịn", gặp "chị Ngọc Bích" (kèm cả hình người này) để nhận lại tiền. Một trong các nhóm trên Viber của họ gồm 132 thành viên, chưa kể các hội nhóm trên các nền tảng khác.
"Chúng tôi khẳng định Mekong Capital không liên quan đến bất kỳ tổ chức nào, cũng như không có bất kỳ hoạt động gây quỹ nào từ trong nước như vậy. Chúng tôi cũng không có nhân viên nào tên Hùng, Ngọc Bích …", bà Nguyễn Thị Minh Giang - Tổng Giám đốc Nhân tài và Văn hóa của Mekong Capital cho biết.
Bà Giang cũng khẳng định bất kỳ thông tin nào, các dự án nào lấy danh nghĩa Mekong Capital để gây quỹ thông qua tất cả các kênh như Facebook, Zalo, LinkedIn… đều là thông tin sai sự thật.
"Đây là trường hợp giả mạo, cố ý sử dụng hình ảnh và thương hiệu Mekong Capital để lừa đảo. Nếu các bạn nhận được những tin nhắn quảng cáo, lời mời đầu tư từ các ứng dụng sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh, Website hay văn phòng của Mekong Capital, xin hãy tránh xa hoặc nhanh chóng báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh mình", bà Giang khuyến nghị.
Trước đó, một số ngân hàng và tổ chức khác từng lên tiếng vì bị "mượn tên" lừa đảo như HSBC - đối tượng lập công ty lấy tên CTCP Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam lừa đảo 1,5 tỷ đồng, một công ty lấy tên OCB huy động đầu tư tiền ảo OCB coin... Hồi năm ngoái, T&T Group của bầu Hiển đã phải có thông báo khẩn về việc một số sàn giao dịch tiền ảo giả mạo logo và thương hiệu của đơn vị này.
(*) Tên nhà đầu tư đã được thay đổi theo nguyện vọng cá nhân.
Bảo Bảo