(Tổ Quốc) - Tại diễn đàn “BĐS công nghiệp Việt Nam năm 2020”, đại diện Samsung cho biết, Samsung đang phát triển như vũ bão trong những năm gần đây, và để phát triển như vậy, công ty cần sự hỗ trợ rất lớn của chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Chia sẻ về câu chuyện 20 năm xây dựng chuỗi cung ứng điện tử tiêu dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Samsung đang phát triển như vũ bão trong những năm gần đây, và để phát triển như vậy, công ty cần sự hỗ trợ rất lớn của chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Cụ thể, Samsung đã đầu từ vào Việt Nam từ năm 1995 thông qua việc sản xuất tivi màu, nhưng những hoạt động chính bắt đầu năm năm 2008, khi đầu tư tổ hợp tại miền Bắc. Những dự án hiện nay của Samsung đang được đầu tư rất bài bản, nhiều khu nhà được xây dựng từ đầu đến cuối. Đến cuối năm 2014, Samsung tiếp tục đầu tư tại Thái Nguyên và TP.HCM.
Bên cạnh những nhà máy của mình, Samsung còn đầu tư phát triển nghiên cứu phần mềm. Hiện nay, Samsung quyết định đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam, đơn cử như dự án mới đây được triển khai tại Hà Nội. Cụ thể là Trung tâm R&D tại Tây Hồ Tây.
Ngoài ra, Samsung có nhiều công ty con khác nhau, chuyên sản xuất màn hình điện thoại, pin điện thoại…
Chia sẻ lý do tòa nhà Trung tâm R&D được đặt tại Hà Nội mà không phải nơi khác, ông Tuấn cho biết, với yêu cầu của trung tâm là phải sử dụng nguồn lao động, kỹ sư lớn, chuyên môn cao, và phải kết nối tốt với các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành lân cận... nên trung tâm được lựa chọn đặt tại Hà Nội.
Lý giải thêm về việc Samsung lựa chọn các tỉnh miền Bắc để đặt các nhà máy như Bắc Ninh hay Thái Nguyên, ông Tuấn cho biết, việc vận chuyển, lắp ráp thiết bị từ nhà máy ở Trung Quốc về mất rất nhiều thời gian, bởi vậy sau khi xem xét các địa phương này phù hợp về vị trí địa lý, và tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Đối với nhà máy tại Tp.HCM thì có tính đặc thù khác, những sản phẩm tiêu dùng như tivi, tủ lạnh, máy giặt… lại rất khác so với các nhà máy miền Bắc. Đây là nhà máy có vị trí rất gần với sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng lân cận.
Nói về chuỗi cung ứng Samsung, ông Tuấn cho biết: Bên trong một chiếc điện thoại có rất nhiều thiết kế khác nhau, do vậy, để tham gia chuỗi cung ứng với Samsung là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, không phải là không làm được, mà doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đã có những bước tiến nhất định.
Từ năm 2014, Samsung có 4 nhà cung ứng cấp 1, đến năm 2020 thì con số này đã tăng lên gấp 10 lần. Nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng lên nhanh chóng.
Hiện nay, Samsung có 42 doanh nghiệp cung ứng cấp 1, 172 doanh nghiệp cung ứng cấp 2.. và dự kiến trong năm 2020, số doanh nghiệp cung ứng cấp 1 sẽ được tăng lên 50 doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, Samsung luôn sẵn sàng hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ. Bởi Samsung không thể phụ thuộc vào 1-2 công ty cung ứng, mà phải là một chuỗi để tránh tình trạng khi xảy ra sự cố thì sẽ gây ra sự đứt gãy, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty và cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết thêm, tính đến tháng 10/2020 đã có 250 doanh nghiệp Việt Nam được Samsung hỗ trợ trong việc cải tiến, nâng cấp; từ năm 2018 - 2019 có khoảng 2007 tư vấn viên tại Việt Nam được đào tạo. Chương trình tư vấn, đào tạo tư vấn viên của Samsung được đầu tư rất công phu và luôn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, Samsung cũng luôn hỗ trợ đào tạo về việc sản xuất khuôn mẫu, bởi đây là ngành sản xuất rất quan trọng.
Phương Nga