Shark Louis Nguyễn tiết lộ 3 lĩnh vực phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng, khẳng định Việt Nam là một trong những nước phát triển mạnh nhất thế giới

(Tổ Quốc) - Với kinh nghiệm "chinh chiến" ở cả thị trường trong nước và quốc tế, ông Louis Nguyễn khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển mạnh nhất thế giới và có môi trường đầu tư hấp dẫn.

Ông Louis Nguyễn (Nguyễn Thế Lữ) hiện là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM). Năm 2005, ông về Việt Nam sau nhiều năm phát triển sự nghiệp tại Thung lũng Sillicon, Mỹ. Ông là một nhà đầu tư "Cá Mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả với phong cách quyết đoán, mạnh mẽ.


Khác biệt giữa thị trường quốc tế và Việt Nam

Với kinh nghiệm "chinh chiến" ở cả 2 thị trường Việt Nam và quốc tế, ông Louis cho rằng, điểm mạnh của hệ thống tài chính ở các nước tiên tiến là đã phát triển ổn định nhiều năm, do đó độ minh bạch về pháp lý, dòng tiền… cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà tiềm năng phát triển không còn mạnh nữa.

Ngược lại, thị trường trong nước chưa thể so về độ tin cậy nhưng tiềm năng phát triển cao, có nguồn nhân lực trẻ. Giới trẻ Việt hiện cũng sẵn sàng chi tiêu mạnh với nhịp sống sôi động. Do đó, đây là nơi rất thu hút các nhà đầu tư.

"GDP ở Việt Nam tăng trưởng tới 6 – 7% qua mỗi năm, còn ở Mỹ chỉ tăng khoảng 2 – 3% là họ đã vui lắm rồi. Khi tôi được mời về làm giám đốc quỹ VinaCapital vào năm 2005, quỹ chỉ mới có 37 triệu USD mà giờ đã lên tới hơn 3 tỉ USD. Các bạn hiện đang sống ở một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất thế giới!", shark Louis khẳng định tại sự kiện Đầu tư tài chính dưới góc nhìn Cá Mập do XTB tổ chức

Đối với các cá nhân, cơ hội việc làm và phát triển bản thân tại Việt Nam cũng phong phú hơn. Vị doanh nhân chia sẻ, cuộc sống tại Mỹ tuy ổn định với mức lương tốt nhưng đời sống tinh thần của anh có phần buồn và cô đơn do văn hoá tại đây.

Shark Louis Nguyễn tiết lộ 3 lĩnh vực phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng, khẳng định Việt Nam là một trong những nước phát triển mạnh nhất thế giới - Ảnh 1.

Bài học từ Thung lũng Sillicon

Theo ông Louis, bài học lớn nhất mà ông có được sau nhiều năm làm việc tại Sillicon Valley đó là sự cần thiết của những kiến thức về tài chính. Đây là chiếc chìa khoá giúp mỗi người giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống, không chỉ về đầu tư hay khởi nghiệp.

Bên cạnh đó là tính chuyên nghiệp khi làm việc. Tính chuyên nghiệp tại Thung lũng Sillcon không được thể hiện qua các yếu tố hình thức mà qua thái độ. Cụ thể là luôn giữ sự tập trung, không để cuộc sống cá nhân ảnh hưởng đến công việc, không nói xấu người khác…

Ông chia sẻ: "Lúc còn làm việc ở Mỹ, tôi vốn đã quen với việc mặc áo thun quần short đi làm nhưng giữ thái độ rất chuyên nghiệp. Dù mệt mỏi, buồn phiền trong cuộc sống riêng cũng phải làm việc thật tốt. Về Việt Nam phải mất một thời gian mới quen với văn hoá sơ mi, cà vạt, vest đen…

Điều còn lại là sự cống hiến và trung thành, làm mọi thứ vì sự phát triển của công ty. Ông lý giải: "Không bao giờ tồn tại chiều ngược lại, công ty không bao giờ trung thành với bạn. Cho nhân viên không làm được việc nghỉ việc là chuyện vẫn thường xảy ra. Trái lại, những người đam mê công việc mình làm, làm việc hết mình rồi sẽ gặt hái quả ngọt, có khi ‘đổi đời’ sau khi công ty phát triển và lên sàn".


Chiến lược đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro

Một nguyên tắc phân bổ đầu tư khá phổ biến và được nhiều người áp dụng là đầu tư 5-10% tổng tài sản. Tuy nhiên với shark Louis, không có một con số chuẩn nào mà tỉ lệ đầu tư sẽ phụ thuộc vào độ chấp nhận rủi ro của từng người.

Ví dụ, các bạn trẻ thường sẵn sàng mạo hiểm vì trong trường hợp thất bại vẫn có nhiều thời gian làm lại từ đầu. Ngược lại, với những người từng trải, độ tuổi lớn và có nhiều vấn đề khác phải lo thì đề cao độ an toàn.

"Nếu bạn không thích rủi ro thì cứ bỏ tiền vào ngân hàng lấy lãi suất, lãi 6 – 8% là con số không tệ. Con số này ở Mỹ gần như bằng 0", vị doanh nhân tiết lộ.

Trong các lĩnh vực đầu tư, Shark Louis cho rằng chứng khoán vẫn là an toàn hơn cả vì được nhà nước hỗ trợ về mặt luật pháp, mọi thứ minh bạch, thanh khoản dễ dàng… Hơn nữa, các nhà đầu tư có thể nghiên cứu quy luật trước khi đưa ra quyết định. Trong khi lĩnh vực khác như bất động sản, công ty tư,… thì mạo hiểm hơn vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khả biến. Tuy nhiên, quy luật trong đầu tư vẫn thường được nhắc đến chính là "rủi ro càng nhiều, lợi nhuận càng cao".

Nói về xu hướng đầu tư ngược chiều, ông cho rằng đây là chiến lược hay nhưng không phải lúc nào cũng đúng, khẳng định chỉ những ai nghiên cứu chưa đủ sâu mới tin tưởng hoàn toàn vào cách thức đầu tư này.

"Trước khi xuống tiền, chúng ta cần nắm chắc giá trị của những gì mình đầu tư vào, thông qua nghiên cứu kỹ báo cáo tài chính, mức độ phù hợp, các đối thủ trong ngành… Đầu tư chứng khoán đòi hỏi sự tích luỹ kinh nghiệm và học hỏi khoa học. Đừng mang suy nghĩ ‘may nhờ rủi chịu’", cá mập nhắc nhở.

Shark Louis Nguyễn tiết lộ 3 lĩnh vực phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng, khẳng định Việt Nam là một trong những nước phát triển mạnh nhất thế giới - Ảnh 2.

Đáng chú ý, ông Louis bày tỏ sự e ngại với các loại hình đầu tư chưa được pháp luật công nhận, thiếu chính sách hỗ trợ từ nhà nước như tiền điện tử, ngoại hối… Do vậy trước khi đầu tư cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng để giảm thiểu rủi ro. Cá nhân ông cho biết bản thân không để tâm nhiều đến các hình thức thiếu chính thống này.

Ông cũng nhấn mạnh: "Một kinh nghiệm nữa tôi muốn chia sẻ là nên cẩn trọng với những lời mời gọi quá hấp dẫn. Nếu được rủ đầu tư vào một thương vụ nào đó mà họ chỉ bày ra trước mắt những điều tốt thì nên nghi ngờ. Bản chất của đầu tư phải có những rủi ro nhất định, và miếng bánh ngon không dễ đến tay, trừ khi thật sự nó không ngon. Bên cạnh đó, phải nghĩ đến chuyện ‘li dị’ ngay cả khi đang hạnh phúc, tức bàn thảo rõ các điều khoản trong hợp đồng cho mọi trường hợp rủi ro"


Các lĩnh vực đầu tư tiềm năng

Ông Louis cho biết bản thân bị hấp dẫn bởi các ngành công nghệ, y tế, giáo dục, tiêu dùng và bất động sản vì tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam. Riêng về y tế, trung bình mỗi năm người Việt tiêu tới 2 – 3 triệu USD. Do vậy, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lấn sân sang thị trường Việt Nam để mở bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ, spa chăm sóc sắc đẹp…

Một lĩnh vực tiềm năng lớn khác tại Việt Nam là giáo dục. Vị doanh nhân thấy rất ngạc nhiên khi biết rằng, các bậc phụ huynh trong nước sẵn sàng đầu tư tới 50% thu nhập cho việc giáo dục con cái. Ngoài ra, với thị trường dân số trẻ và sẵn sàng chi tiêu, các lĩnh vực như tiêu dùng, ăn uống, mua sắm sẽ luôn có thế mạnh. Song song đó là lĩnh vực công nghệ sẽ ngày càng lên ngôi, các công ty công nghệ luôn được định giá cao hơn các công ty khác.

Về xu hướng chung của thế giới, ông Louis nhắc đến đầu tư cho xã hội, môi trường như thực phẩm sạch, năng lượng tái tạo, làm sạch môi trường… Ông cho biết, 3 yếu tố của ESG – Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp ngày càng được chú ý và sẽ trở thành xu hướng đầu tư trong tương lai gần.

"Tại tiểu bang Cali nơi mẹ tôi sống liên tục xảy ra cháy, thế giới đang thay đổi, ô nhiễm quá nhiều,… rất nhiều người đang quan tâm đến các vấn đề môi trường. Có nhiều nhà đầu tư tìm đến với các quỹ và bỏ ra rất nhiều tiền, yêu cầu được đầu tư cho môi trường và xã hội".

Theo ông Louis, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào khoảng quý II – III năm 2021. Ba ngành cốt lõi sẽ phục hồi và phát triển tốt nhất là: Ngân hàng, Bất động sản và Tiêu dùng; hướng vào đối tượng người tiêu dùng thuộc nhóm 20 – 30 tuổi với điều kiện kinh tế đang phát triển, sẵn sàng chi tiêu phục vụ nhu cầu cá nhân.

DA

Tin mới