(Tổ Quốc) - Sự trở lại của Shark Tank mùa 4 đã gây chú ý ngay từ tập đầu tiên. Bên cạnh hai cái tên sáng giá đã nhận được vốn đầu tư là Coolmate và Vua Cua, startup duy nhất bị lắc đầu với nhiều ý kiến trái chiều là WeeHours – một thương hiệu kính mắt thiết kế tại Việt Nam.
Gây được sự chú ý trong năm 2020 bằng cách dùng công nghệ đặt các mẫu kính lên mặt khách hàng ngay trên nền tảng website và mạng xã hội, Shark Tank mùa 4 chứng kiến WeeHours tự tin tham gia vào "bể cá mập" với mức định giá 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Sự sáng tạo và mới lạ đến từ công nghệ chính là nền tảng để thương hiệu phát triển nhanh chóng với doanh thu trung bình một tháng được WeeHours tiết lộ lên tới con số 900 triệu chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động.
Tuy nhiên, mức kêu gọi của WeeHours đã bị các Shark từ chối đầu tư vì cảm thấy chưa đủ thuyết phục, công nghệ chỉ mang tính "màu mè", sự nổi trội của sản phẩm chưa rõ ràng hay tính đột phá và cạnh tranh của startup chưa tương xứng với tham vọng… Nhưng ở một góc nhìn khác, liệu đánh giá của các Shark về một mô hình như WeeHours đã đủ khách quan với tiềm năng phát triển của những startup trẻ trên thị trường?
"Khác biệt hay là chết" có còn là một quan niệm luôn đúng?
Trên thực tế, luận điểm "Sản phẩm không có gì khác biệt thì khó thành công" của các Shark chính là một trong những lối mòn dẫn đến sự ra đi nhanh chóng của nhiều startup trước đây, khi quá tập trung nguồn lực vào việc phát triển những sản phẩm mới lạ mà bỏ quên chất lượng dịch vụ hay biết cách tối ưu những công nghệ đã có. Với phân khúc khách hàng đầy tiềm năng là những người trẻ với phong cách smart-casual – đời thường nhưng chỉn chu và thông minh, thì những gì mà nhóm đối tượng này tìm kiếm đôi khi không hẳn là sự khác biệt. Trái lại, sự tiện lợi, hiện đại và hữu ích cho cuộc sống mới là những điểm chạm quan trọng để chinh phục những người tiêu dung thuộc tầng lớp tri thức trẻ. Không phải ai cũng muốn trở thành tâm điểm với những lựa chọn quá khác biệt, với minh chứng rõ rệt nhất chính là sự thành công của Uniqlo – thương hiệu thời trang luôn đề cao việc xây dựng hình ảnh thương hiệu đề cao tính tiện lợi, thông minh, dễ dàng giúp khách hàng có được sự tự tin cần thiết mỗi ngày từ chính những điều đơn giản và tinh gọn nhất.
Bàn về sự "màu mè" mà Shark Bình nêu ra khi đánh giá công nghệ được WeeHours áp dụng, rõ ràng thử kính online không phải là một công nghệ quá mới mẻ nếu so với thế giới. Nhưng việc một startup trẻ tiên phong nghiên cứu và ứng dụng nó để giải quyết vấn đề thực tế mà các thương hiệu khác trên thị trường còn bỏ ngỏ là một điểm cộng lớn cho startup. Nên nhìn nhận lại vấn đề từ chính luận điểm được đưa ra bởi các Shark: Những gì bạn làm tốt, sẽ luôn có thể có người sao chép nó ngay hôm sau. Đó là lý do mà phương pháp xây dựng giá trị thương hiệu (Branding) dựa trên hình ảnh hiện đại và năng động, cùng với điểm chạm quan trọng là nền tảng công nghệ để giải quyết "nỗi đau" lớn nhất của thị trường kính mắt online đang là những điểm mà WeeHours làm khá tốt, tạo ra được sự khác biệt nhất định với nhóm đối thủ cạnh tranh.
Thật đáng tiếc, có lẽ thay vì trình bày về công nghệ như một lợi thế cạnh tranh mũi nhọn, WeeHours nên đưa yếu tố này lên Shark Tank như một luận điểm bổ sung khi nói về tầm nhìn của mình để không làm các Shark cảm thấy thiếu thuyết phục như đã xảy ra trên chương trình.
Sự chuyển dịch của thị trường kính mắt và những cơ hội phát triển
Làm nên dấu ấn ngay chính từ thời điểm kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc có được 2 cửa hàng tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam cùng mức độ tăng trưởng 12%/tháng là một thành công đáng ghi nhận của WeeHours. Theo như chia sẻ của co-founder Đinh Ngọc Nam Anh, mỗi cửa hàng của WeeHours đều có thể đạt điểm hòa vốn sau 5 - 7 tháng – tối ưu hơn rất nhiều so với chuỗi bán lẻ truyền thống phải là từ 1 - 2 năm. Có thể thấy, trải nghiệm không thật sự hoàn hảo trên Shark Tank sẽ không làm chùn bước startup đầy tiềm năng này trên chặng đường sắp tới khi đã lọt vào tầm ngắm của một số quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Tập 1 của Shark Tank đã khép lại, sự băn khoăn của các nhà đầu tư dành cho WeeHours là có thể hiểu được với một phần thuyết trình chưa đủ tính thuyết phục để có được mức định giá 50 tỷ trên một thị trường ngách như kinh doanh kính mắt. Tuy để lại nhiều ý kiến trái chiều khi cách hiểu đại ý định giá "gấp 50 lần" mà Shark Liên nhắc đến theo vốn điều lệ có phần dễ gây hiểu nhầm trong việc định giá doanh nghiệp, nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận những giá trị tích cực mà WeeHours đã mang lại cho thị trường. Chắc chắn rằng, sự phát triển nhanh chóng trong tương lai của WeeHours nói riêng và thị trường mắt kính cho người trẻ nói chung là hoàn toàn khả thi.
Ánh Dương