(Tổ Quốc) - Cuộc chiến tỷ ‘đô’ giữa Amazon và Shopify đang ngày càng nóng lên.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và Shopify đang nỗ lực tung ra tính năng mới để thu hút người mua và người bán.
"Buy With Prime" là tính năng được Amazon công bố vào cuối tháng trước, cho phép người bán trực tuyến cung cấp cấp các dịch vụ liên quan đến Prime như giao hàng nhanh, giao hàng miễn phí. Đối với người mua, quyền lợi của họ khi sử dụng tính năng này là trả hàng miễn phí trên các trang web ngoài Amazon.com.
Về phần mình, tuần này, Shopify đã công bố tính năng mới tên là "Shop Promise", cho phép người mua hàng biết ngày giao hàng dự kiến. Công ty cũng cung cấp tính năng theo dõi đơn hàng thông qua ứng dụng mang tên "Shop".
Theo Business Insider, "Shop Promise" sẽ chỉ khả dụng với những người bán ở Mỹ sử dụng SFN – dịch vụ tăng cường khả năng quản lý hàng hóa của người bán của Shopify. Ngày 12/5 vừa qua, Shopify xác nhận rằng họ có kế hoạch mua lại startup về thương mại điện tử - Deliverr với giá 2,1 tỷ USD.
Thương vụ trên là động thái cạnh tranh mới nhất trong cuộc chiến tỷ "đô" giữa Shopify và Amazon.
"Amazon chắc chắn đang chú ý đến Shopify. ‘Buy With Prime’ là tính năng mới nhất trong một loạt các động thái nhằm cải thiện vị thế cạnh tranh của Amazon", Dan Romanoff - nhà phân tích cấp cao tại Morningstar, nhận định.
Trong cuộc gọi thu nhập ngày 12/5, một nhà phân tích đã hỏi CEO của Shopify - Tobi Lütke rằng liệu "Buy With Prime"có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Shopify hay không.
Tobi đáp: "Chúng tôi thực sự vui mừng khi Amazon đưa ra quyết định sử dụng cơ sở hạ tầng tuyệt vời mà họ đã xây dựng để chia sẻ rộng rãi với các thương gia nhỏ trên Internet".
Shopify là giải pháp cho phép người bán tạo website để bán hàng trực tuyến với đầy đủ tính năng giỏ hàng, thanh toán, xử lý đơn hàng, bán hàng đa kênh và quảng cáo mà không cần có kiến thức về website hay hosting. Sứ mệnh của Shopify là giúp người bán nhỏ lẻ kinh doanh dễ dàng hơn.
Báo chí Mỹ cho biết sự ra mắt của "Buy With Prime" đã dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi tại Shopify. Các thành viên nhóm sản phẩm của công ty đang băn khoăn về việc có nên phát triển công cụ cho phép người bán sử dụng "Buy With Prime" trên nền tảng của Shopify hay không.
Và có khả năng "Buy With Prime" sẽ không phải tính năng cuối cùng mà Amazon đưa ra để tăng tính cạnh tranh với Shopify. Trên thực tế, Amazon đã thành lập một nhóm bí mật có tên "Project Santos" (Dự án Santos) để chống lại mối đe dọa của Shopify với sự thống mại trong ngành thương mại điện tử của Amazon.
Jeff Bezos liệu có lo ngại về sự phát triển của Shopify? (Ảnh: Internet).
Theo Business Insider, "đội đặc nhiệm" này có nhiệm vụ chuyên nghiên cứu và sao chép các mô hình kinh doanh của Shopify. Peter Larsen – phó Chủ tịch phụ trách "Buy With Prime", là người lãnh đạo "Project Santos". Được biết, tháng 10 năm ngoái, nhóm này đã trình bày những phát hiện của mình về Shopify với Jeff Bezos để có biện pháp ngăn chặn tình trạng người bán bỏ sang Shopify.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không lo ngại sự phát triển và coi Shopify là đối thủ đáng gờm, có lẽ Amazon đã không tốn công sức như vậy.
Báo cáo của Shopify cho thấy doanh thu của họ đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị hàng hóa được mua thông qua nền tảng của Shopify, đã tăng 16% lên 43,2 tỷ USD.
Nếu xét về mặt khách hàng là người bán hàng, dường như Amazon đang mất dần vị thế trước Shopify. Lý do là vì Amazon luôn chú ý đến những người bán thành công nhất và giới thiệu những sản phẩm tương tự mang thương hiệu Amazon với giá thấp hơn nhiều để cạnh tranh với họ. Các sản phẩm này có thể là một món hời đối với người tiêu dùng nhưng lại gây tổn hại cho người bán.
Trong khi đó, khách hàng duy nhất của Shopify là người bán. Theo New York Times, họ đang rời Amazon để chuyển sang sử dụng Shopify ngày càng nhiều. Trong năm ngoái, Shopify đã giành được nhiều khách hàng thương gia hơn Amazon. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là Amazon bị tố "hút máu" người bán bằng tỷ lệ hoa hồng ngày một tăng.
Có thể nói, khách hàng mà Amazon coi trọng nhất là người tiêu dùng trong khi đối tượng này của Shopify là người bán. Vì thế, nếu Amazon tiếp tục đối xử bất công với người bán bên thứ ba, Shopify sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc người bán rời bỏ Amazon.
Thời điểm năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát, Shopify được coi là "vị cứu tinh" đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhiều người thậm chí chưa từng sử dụng ứng dụng mua bán trực tuyến cho đến khi đây là cách duy nhất để họ có thể tồn tại.
Lúc này, Shopify mới chỉ có khoảng 1 triệu người bán. Nhưng khi các doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới phải tạm đóng cửa để thực hiện biện pháp phòng dịch, Shopify đã phát triển nhanh chóng nhờ cung cấp cho họ công cụ để bán hàng trực tuyến tức thì.
Vốn hóa thị trường của Shopify từ 46 tỷ USD vào đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 170 tỷ USD vào tháng 2 năm nay. Trong sự kiện Black Friday năm ngoái, các thương gia trên Shopify đã đem về doanh số 6,3 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020.
Shopify hiện là doanh nghiệp có giá trị nhất của Canada, chiếm 8,6% doanh số thương mại điện tử của Mỹ vào năm 2020 (vượt qua Walmart, Ebay và chỉ đứng sau Amazon). Có thể nói, Shopify – từ chỗ là một công ty công nghệ khiêm tốn đã thực sự trở thành ông lớn trong ngành thương mại điện tử toàn cầu, là đối thủ khiến gã khổng lồ như Amazon phải dè chừng.
Nguồn: BI, WSJ
Gia Vũ