(Tổ Quốc) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HN, các đơn vị có liên quan đến lên kế hoạch dự trữ, phân phối hàng hoá qua nhiều kênh, nhiều phương án để đảm bảm cung cấp hàng hoá thiết yếu cho người dân Hà Nội.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP. Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%-50% trong thời gian 3 tháng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, cập nhật phương án của ngành, đơn vị, địa phương và phương án của Thành phố trong việc đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố trong các tình huống dịch bệnh Covid- 19 xảy ra, đồng thời tập trung triển khai, thực hiện các nội dung như sau:
Sở Công Thương: Thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án đảm bảo hàng hóa để tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với đại diện Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.
Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại,…
Ohối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, thổi giá…; kiểm tra công tác an toàn thực phẩm theo phân cấp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm nông sản (rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản,…) trên địa bàn Thành phố, gửi Sở Công Thương, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm,… phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu phòng, chống dịch.
Cung cấp thông tin về các hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm thuộc quản lý của ngành Nông nghiệp (điểm bán, kho hàng,… theo nội dung biểu đính kèm) về Sở Công Thương để thông tin điểm bán đến người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa thông suốt.
Các sở, ngành: Giao thông vận tải, Công an Thành phố:Sở Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu, ban hành nội dung hướng dẫn các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh, thành phố hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố (theo đề xuất của doanh nghiệp và danh sách Sở Công Thương gửi) được cấp "luồng xanh" để lưu thông thuận lợi trên địa bàn Thành phố, qua các chốt, trạm kiểm soát.
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.
UBND các quận, huyện, thị xã: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, giám sát việc sắp xếp các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; chỉ đạo các ban, đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn xây dựng phương án cụ thể quản lý số lượng người ra, vào trong chợ cùng một thời điểm.
Các doanh nghiệp phân phối, siêu thị: Tăng cường các biện pháp khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, tìm kiếm nguồn hàng thay thế, bổ sung từ các tỉnh, thành phố; Đẩy mạnh thực hiện bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại….
Bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 459 chợ, 28 TTTM, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Thành phố cũng bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Sở Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Đức Nam