Số hoá ngành giặt là: Cơ hội cho những startup thị trường ngách

(Tổ Quốc) - Số hoá các ngành truyền thống là xu hướng chung không thể tránh khỏi trong thời đại 4.0. Ngành giặt là truyền thống cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Tiềm năng lớn từ thị trường giặt là

Lịch sử của dịch vụ giặt là được bắt nguồn từ thời Đế chế La Mã. Người La Mã rất coi trọng vấn đề vệ sinh và ngoại hình vì vậy đã chính thức hóa một hệ thống công cộng quy mô lớn về giặt và sấy quần áo thông qua amoniac và nước. Những người thợ giặt vải được gọi là fullones, họ đã thu thập quần áo từ các hộ gia đình La Mã và giặt chúng tại các tiệm giặt là. Do tính chất công việc đòi hỏi nhiều lao động nên nam giới chịu trách nhiệm giặt giũ ở La Mã cổ đại - một điều hoàn toàn trái ngược với các nền văn hóa khác, nơi mà công việc giặt là thường thuộc về phụ nữ.

Mãi cho đến thế kỷ 18 và 19, máy giặt hiện đại mới xuất hiện sau cuộc Cách mạng Công nghiệp. Quá trình giặt là được cơ giới hóa thông qua các mái chèo hoặc thanh khuấy vận hành bằng tay để đảo quần áo trong lồng giặt. Khoảng năm 1900 mới bắt đầu xuất máy giặt quần áo chạy điện, trong đó có một động cơ quay lồng giặt. Ngay sau đó, các tiệm giặt là công nghiệp bắt đầu mọc lên khắp các thành phố tại Mỹ. Người ta ước tính rằng có 3.550 nhà cung cấp dịch vụ giặt là công nghiệp ở thành phố New York vào giai đoạn này.

Ngày nay, một cuộc khảo sát của Neilsen cho khi thu nhập cá nhân gia tăng thì ngày càng có nhiều hộ gia đình thuê dịch vụ giặt là bên ngoài. Và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.

Ngành giặt là tại Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá đầy tiềm năng bởi cơ cấu dân số trẻ có tỷ trọng người trong độ tuổi lao động cao và thu nhập bình quân đầu người đang trong đà tăng đều đặn. Một yếu tố khác hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành này là tốc độ đô thị hoá. Theo thống kê của Bộ xây dựng, năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt khoảng 40,4%.  Một thống kê cho thấy tăng trưởng của ngành giặt Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì ở con số CAGR 6% trong giai đoạn 2015-2020, cao hơn mức CAGR của Châu Á là 3,09%. Dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ hơn nữa trong những năm tới khi xu hướng thế giới càng ngày càng nghiêm ngặt hơn trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày.

Tuy đầy tiềm năng nhưng hiện ngành giặt là truyền thống gặp phải một số rào cản để mở rộng quy mô. Một trong những rào cản đó là trải nghiệm người dùng. Hiện phần lớn khách hàng muốn giặt là đều phải tự mình đưa đồ đến các cửa tiệm. Không những vậy, họ cũng không biết được tiến trình xử lý đơn hàng diễn ra như thế nào. Cuối cùng sau khi giặt là xong, họ thường mất thêm thời gian và công sức để tới cửa hàng nhận đồ về. Điều này gây ra sự lãng phí về thời gian, chi phí cho người dùng dịch vụ giặt là công nghiệp.

Số hoá ngành giặt là: Cơ hội cho những startup thị trường ngách - Ảnh 1.

Công nghệ hoá ngành dịch vụ truyền thống

Số hoá các ngành truyền thống là xu hướng chung không thể tránh khỏi trong thời đại 4.0. Hãy thử nhìn lại ngành vận tải truyền thống trong vài năm gần đây.

Năm 2014, Grab và Uber lần lượt xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2014. Đây là loại dịch vụ mới cung cấp vận chuyển trực tuyến thông qua việc sử dụng công nghệ dịch vụ dựa trên vị trí (LPS), GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) và lái xe thông qua thiết bị di động. Tiêu chí hoạt động của Uber và Grab là tận dụng các phương tiện cá nhân có sẵn (ô tô, xe máy) của người dân trong thời gian rảnh để tham gia vận chuyển hành khách.

Sự xuất hiện của taxi công nghệ đã khiến các hãng taxi truyền thống chao đảo. Tình hình kinh doanh tụt dốc, nhiều hãng phải cắt giảm nhân viên để bù trừ chi phí, điển hình như hãng taxi Mai Linh đã cắt giảm gần 6.000 nhân viên. Trước đó, một hãng taxi lớn tại thị trường phía nam là Vinasun cũng đã phải giảm gần 8.000 nhân sự chỉ trong sáu tháng vì kết quả kinh doanh không hiệu quả.

Taxi công nghệ nhanh chóng ghi dấu trong lòng người dùng bởi trải nghiệm về sự tiện lợi cũng như chi phí. Ngoài ra công nghệ cũng mang đến điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn so taxi truyền thống, bởi không cần bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục... với người có xe sẵn.

Tương tự ngành vận tải, ngành giặt là truyền thống cũng không nằm ngoài xu hướng số hoá. Từ năm 2018, tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, một startup có tên HERAMO đã xuất hiện nhằm công nghệ hoá ngành giặt là. Đây là thương hiệu tiên phong có các dịch vụ giặt sấy, giặt hấp, vệ sinh giày, vệ sinh túi xách, balo, vệ sinh sofa, nệm, rèm, thảm, máy lạnh trên 1 ứng dụng duy nhất

Đến nay sau hơn 4 năm hoạt động, startup này là một trong những thương hiệu dẫn đầu ngành giặt ủi, vệ sinh tại HCM, phục vụ hơn 40,000 khách hàng. Ông Lê Phước Phúc, nhà sáng lập startup HERAMO đánh giá thị trường giặt là hiện rất tiềm năng, trị giá 296 triệu USD, tốc độ tăng trưởng mỗi năm từ 10 - 30% tùy dịch vụ.

Nhà sáng lập HERAMO tự tin công ty đang ở thời điểm thuận lợi để thay đổi bộ mặt ngành dịch vụ lâu đời thông qua chuyển đổi số bởi ưu thế về trải nghiệm người dùng cũng như việc tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tối ưu hoá nguồn lực cho đơn vị giặt là.

Ánh Dương

Tin mới