(Tổ Quốc) - Mới đây, phiên đấu giá 46 lô đất tại Yên Dũng (Bắc Giang) đã diễn ra sôi động thu hút được nhiều nhà đầu tư từ các nơi. Đáng chú ý, lô đất cao nhất trong phiên đã lên tới 4,3 tỷ đồng và tổng thu gần gấp 2 lần so với khởi điểm.
Sôi động đấu giá đất đầu năm
Phiên đấu giá đất đầu tiên của năm 2022 tại Bắc Giang với 46 lô đất thuộc hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư xã Nội Hoàng, Tiến Dũng và thị trấn Nham Biền với tổng diện tích 4.800m2. Tổng giá khởi điểm của các lô đất này là hơn 48 tỷ đồng, diện tích mỗi lô đất dao động từ 72 - 300 m2.
Cụ thể, tại xã Nội Hoàng có 5 lô đất thuộc khu dân cư thôn Tiên Phong và khu đất ở, kinh doanh dịch vụ, giá khởi điểm từ 25 - 30 triệu đồng/m2. Tại xã Tiến Dũng có 21 lô đất thuộc khu dân cư thôn Huyện có mức giá khởi điểm từ 3,5 - 5,5 triệu đồng/m2. Còn tại thị trấn Nham Biền có 20 lô đất thuộc khu dân cư mới tổ dân phố Kem có giá khởi điểm từ 10 - 18 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá đã thu hút được 204 nhà đầu tư với 731 hồ sơ. Theo đó, khách hàng phải đặt cọc từ 70 - 150 triệu đồng/lô đất.
Kết quả cuối cùng, tất cả các lô đất cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, tổng giá trúng lên tới 91 tỷ đồng, gần gấp 2 lần so với khởi điểm.
Đáng chú ý, lô đất cao nhất tại phiên đấu giá lên tới 4,3 tỷ đồng thuộc khu dân cư tổ dân phố Kem, thị trấn Nham Biền. Được biết, lô đất này chênh lệch so với giá khởi điểm gần 1,9 tỷ đồng.
Đấu giá đất cao rồi bỏ cọc
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng, toàn huyện có 477 lô đất thuộc thị trấn Nham Biền, các xã: Nội Hoàng, Xuân Phú, Tiến Dũng, Đồng Phúc và Quỳnh Sơn từ đầu năm tới nay được đấu giá thành công. Tổng giá trị theo giá trúng đấu giá là gần 954 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 363 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm 12/2021 đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Trong số này, khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú có 38/66 lô; khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng có 21/42 lô; khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có 18/88 lô bỏ cọc.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc khách hàng trả giá quá cao. Đơn cử, 88 lô đất của khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có giá trúng đấu giá hơn 318 tỷ đồng, tăng tới hơn 138 tỷ đồng (khoảng 77% so với khởi điểm).
“Có rất nhiều lô đất tăng gần gấp đôi mức giá huyện đưa ra. Việc trả giá quá cao khiến cho người trúng gặp khó khăn trong việc thu xếp tiền nộp ngân sách. Điều này cũng không không phản ánh đúng giá trị thực của các lô đất trên thị trường”, lãnh đạo cho biết.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay Hà Nội và một số địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền, tạo ra rào cản rất lớn trong việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng. Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.
Cũng theo ông Đính, với ưu điểm của đất đấu giá là thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá thị trường, pháp lý ổn định do là đất công nên thị trường này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư.
Ví dụ ở Hà Nội hay TP. HCM, giá khởi điểm của đất đấu giá theo quy định cao nhất chỉ khoảng hơn trăm triệu đồng trong khi thị trường đã rao bán cả tỷ đồng, như vậy, dù giá khởi điểm của đất đấu giá có cao hơn một chút so với giá quy định nhưng vẫn nằm ở mức rất thấp so với giá thị trường.
"Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi có yếu tố "xanh – chín", "5 ăn – 5 thua". Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư "ôm" phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc", ông Đính cho biết.
Về rủi ro trong đấu giá đất, vị chuyên gia cảnh báo, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất đấu giá cần thẩm định, so sánh giá với các địa điểm tương đồng. Điều này sẽ tránh bị cuốn theo dòng thổi giá và phải "bỏ của chạy lấy người".
"Nhiều nhà đầu tư "ôm" là khi giá đất đang "sốt" nên cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bị "bong bóng". Minh chứng là tình huống nhà đầu tư phải bỏ cọc đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang ở thời điểm sốt đất đầu năm", ông Đính dẫn chứng.
Tuấn Minh