(Tổ Quốc) - Sự phục hồi của ngành hàng không, chiến lược mở cửa và nối lại các đường bay được đánh giá sẽ thúc đẩy Saigon Cargo Services bứt phá hậu đại dịch nhờ khả năng tăng công suất hoạt động một cách nhanh chóng.
Đại dịch Covid-19 dần qua đi đem đến cơ hội hồi phục cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề và hàng không là một trong số đó. Thực tế, hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Services – mã SCS) là một trong số ít doanh nghiệp hàng không vẫn "sống khỏe".
Hoạt động trong lĩnh vực khai thác ga hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, kết quả kinh doanh của SCS vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp nhiều khó khăn do những đợt giãn cách trong 2 năm qua.
Theo báo cáo KQKD năm 2021, doanh thu thuần SCS đạt 839 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 564 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 21% và 22% dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa SCS đạt 227.940 tấn tăng 8,5% so với 2020. Trong đó quý 3 dù chịu nhiều ảnh hưởng của đợt giãn cách diện rộng khiến hàng hóa trong nước sụt giảm, tuy nhiên sản lượng hàng hóa quốc tế đã tăng bù đắp.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng SCS tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lên 45.809 tấn hàng hóa, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này có được nhờ sự mở cửa hoạt động sản xuất, XNK được trở lại, hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tăng cao nhất cả năm. Bên cạnh đó, sự tắc nghẽn trong vận chuyển đường biển do thiếu tàu, thiếu container dẫn đến việc lựa chọn vận tải hàng không đặt lên ưu tiên, một phần do hưởng lợi từ việc gia tăng giá cước vận tải. Giá cước dịch vụ tăng cao giúp doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng 21,1% cao hơn mức tăng sản lượng.
Ngành hàng không đã "tạo đáy"?
Ngành hàng không trong nước sau giao đoạn ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đang có dấu hiệu dần hồi phục. Sau khi "tạo đáy" với vỏn vẹn 5.522 chuyến bay trong Q3/2021, số lượng chuyến bay được khai thác tăng lên 19.790 chuyến vào cuối năm 2021. Sang đến năm nay, xu hướng hồi phục dần trở nên rõ nét hơn. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, số lượng chuyến bay khai thác lên tới 29.550, gấp hơn 5 lần so với thời điểm thấp nhất vào Q3/2021.
Kể từ ngày 15/2/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay và mở cửa hoàn toàn cả đường bay trong nước lẫn quốc tế từ 15/3.
Việc khôi phục lại đường bay thương mại quốc tế góp phần hiệu quả khôi phục du lịch, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt giúp doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn trong giai đoạn giãn cách năm 2021.
Khả năng tăng công suất hoạt động một cách nhanh chóng
Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhờ sở hữu 15.000 m2 đất chưa sử dụng (tương ứng với 72% công suất tăng thêm), SCS có thể nhanh chóng đạt 55% thị phần tại Tân Sơn Nhất. Như vậy sau năm 2021 phục hồi cả về doanh thu và lợi nhuận, triển vọng 2022 của SCS được nhận định rất khả quan.
Hơn nữa, tỷ lệ tiêm chủng vacxin cao gần như sẽ không có đợt giãn cách xã hội trên diện rộng như năm trước. Bên cạnh đó, việc tái mở cửa hàng không, du lịch gần như hoàn toàn từ tháng 3 này sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hoá và du khách đến nhiều hơn, phục hồi cả về hàng hoá lưu thông qua các cảng từ hàng hoá nội địa cho đến quốc tế.
Trong khi đó, VCSC đánh giá có nhiều yếu tố thúc đẩy cho triển vọng kinh doanh SCS năm 2022 đến từ hoạt động mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế, tăng số lượng chuyến bay chở khách quốc tế có hiệu lực từ quý 1/2022.
Ngoài ra, SCS có thể sẽ hưởng lợi từ chi phí vận chuyển hàng hải cao trong năm 2022 khi phí vận chuyển hàng không trên mỗi kg hiện chỉ cao gấp 2-3 lần so với phí vận chuyển container đường biển, thấp hơn đáng kể so với mức trước dịch COVID-19 là khoảng 12 lần.
Triển vọng mở rộng địa bàn kinh doanh khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động
Về dài hạn là triển vọng mở rộng địa bàn kinh doanh khi sân bay Long Thành được đi vào hoạt động. Hiện nay, hàng hoá ở sân bay Tân Sơn Nhất đã "full" tăng trưởng và không còn nhiều dư địa. Chính phủ đang đẩy mạnh vào sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến đưa vào hoạt động GĐ 1 năm 2025, công suất sự kiến khoảng 5 triệu tấn hàng hoá.
Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam ACV là chủ đầu tư của dự án, hiện cũng là cổ đông lớn của SCS. Đây sẽ là lợi thế để SCS tiếp tục phát triển dịch vụ cảng hàng hoá tại sân bay quốc tế Long Thành.
Đặc biệt, SCS là một trong những số ít doanh nghiệp có hệ thống quản trị, kinh nghiệm thực tiễn và mạng lưới khách hàng sẵn có dồi dào. Khi triển khai, SCS có thể ngay lập tức phát triển thêm lượng lớn khách hàng, gia tăng sản lượng hàng hoá.
Ngoài ra, SCS cũng từng có kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động ra Nội Bài với kế hoạch M&A một doanh nghiệp cùng ngành. Nếu thành công, đây sẽ là cú huých lớn cho hoạt động kinh doanh của SCS.
Trên thị trường, cổ phiếu SCS đang dừng tại mức 162.400 đồng/ cổ phiếu, tương ứng vốn hoá hơn 8.100 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thời điểm cách đây 1 năm. SCS cũng là một trong số ít cổ phiếu hàng không ngược dòng tăng trưởng trong năm qua.
Kiều My