Dù bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhưng với sự hợp sức của tất cả các bên, dự báo nhu cầu tiêu dùng cuối năm nay vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng 20-30%, góp phần thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng, qua đó có thể tạo nên ‘sóng’ của ngành như các năm trước.
Cổ phiếu tiêu dùng bán lẻ sẽ ‘dậy sóng’ cuối năm?
Sau khi tạo đáy vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 ở mức 1.028 điểm, VN-Index đã có cú bật tăng mạnh mẽ trở lại ngay trong tháng 11. Chỉ sau nửa đầu tháng, chỉ số này đã tăng trở lại gần 100 điểm, đạt mốc 1.125 điểm sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 16/11.
Thanh khoản đã trở lại với thị trường, thể hiện qua giá trị giao dịch được cải thiện rõ rệt so với tháng 10. Dòng tiền đã lan tỏa qua nhiều nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, vận tải biển, ngân hàng.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong nửa cuối của quý 4/2023 và quý 1/2024, các cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ được nhà đầu tư chú ý, bởi đây là nhóm ngành có yếu tố mùa vụ và giai đoạn sắp tới là khoảng thời gian cao điểm sản xuất, đem về doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho các doanh nghiệp.
Thống kê quá khứ cũng chỉ ra rằng, giai đoạn cuối năm là lúc mà cổ phiếu bán lẻ tiêu dùng bứt tốc. Ví dụ như tại Masan Group, cổ phiếu MSN trong quý 4/2020 đã tăng giá tới 63% và quý 4/2021 tăng trưởng 20%. Tại Thế Giới Di Động, mức tăng giá cổ phiếu quý 4 của 2 năm trước lần lượt là 14% và 6%, Digiworld là 57% và 4,4%, FPT Retail là 33% và 111%.
Theo báo cáo của J.P Morgan, định giá cổ phiếu MSN của Masan ở mức 102.000 đồng/cổ phiếu. J.P Morgan cho rằng, với lực lượng lao động đang di chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới. Sự hình thành tầng lớp trung lưu mới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và theo quan điểm của J.P Morgan, điều này sẽ tiếp tục trong vòng 5 - 10 năm tới.
Ngoài ra, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng gia tăng định giá trong nhiều năm tới.
Thêm một mùa cuối năm bội thu cho các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng
Nhận định về nhu cầu cuối năm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cuối năm có xu hướng tăng cao so với bình thường, nên hầu hết các trung tâm thương mại, doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa Tết từ rất sớm. Sở cũng phối hợp Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh quảng bá, kết nối du khách trong và ngoài nước đến Thành phố vui chơi, mua sắm dịp cuối năm.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như: Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,… phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia. Dự kiến cuối tháng 12/2023, Sở Công Thương sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất - cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân Thành phố.
Trong khi đó, tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết.
Theo dự báo của đại diện WinCommerce, cuối năm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 20%. Do đó, ngay từ đầu tháng 11, đơn vị này đã chuẩn bị nguồn hàng hóa tăng 20-30% để cung ứng ra thị trường.
Phần lớn các đơn vị sản xuất khác cũng khẳng định đang tập trung cho việc sản xuất hàng Tết, phổ biến với mức tăng 20-30% sản lượng. Đồng thời, cũng chú trọng dự trữ hàng hóa đề phòng cho các trường hợp thiếu hụt sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Ở góc độ nhà bán lẻ, các đơn vị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart… đều đã sẵn sàng đón mùa mua sắm cuối năm, với việc thực hiện nhiều chương trình kích cầu, giảm giá. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ưa chuộng những sản phẩm chất lượng hơn với giá phải chăng hơn, WinCommerce với quy điểm bán mô lớn nhất tại Việt Nam gồm hơn 3600 siêu thị, cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN trên toàn quốc, đã tung chiến lược "giá tốt" trên toàn chuỗi. Doanh nghiệp này cam kết đồng hành cùng người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Nền tảng của chiến lược "giá tốt" được thúc đẩy bởi các sản phẩm "cây nhà lá vườn" được sản xuất bởi Masan Consumer (Công ty thành viên thuộc Masan Group) và được phân phối trên hệ thống WinCommerce. Bên cạnh đó, WinCommerce còn sở hữu Supra, công ty chuyên về logistics ra mắt đầu năm 2022 với mục tiêu phục vụ hệ sinh thái của Masan Group, giúp người tiêu dùng và đối tác tiết kiệm chi phí nhất có thể.
Không những vậy, để đón sóng tiêu dùng cuối năm, thì từ giữa năm WinCommerce đã lên kế hoạch cải tạo các cửa hàng WinMart+ hiện có ở khu vực thành thị và nông thôn. Các cửa hàng này sẽ được cải tạo lại theo mô hình WIN "All That You Need" mới ở khu vực thành thị và WinMart+ Rural ở khu vực nông thôn. Đáng chú ý, hoạt động cải tạo này hoàn thành vượt tiến độ, đạt được ~45% và ~95% kế hoạch cải tạo 6 tháng cuối năm lần lượt cho cửa hàng WIN và WinMart+ Rural. Các cửa hàng được cải tạo mang lại doanh thu tăng như dự kiến.
Bên cạnh đó, nhóm siêu thị mini Like For Like (nhóm siêu thị mini được mở trước năm 2022) của WCM – chiếm 70% trên tổng số các siêu thị mini, ghi nhận biên lợi nhuận sau thuế đạt 2,2% trong quý 3/2023, quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận sau thuế dương. Đây là cột mốc quan trọng mang lại niềm tin cho ban lãnh đạo về lộ trình tiến đến điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế của toàn bộ mạng lưới trong năm 2024.