(Tổ Quốc) - Lo sợ về một cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng lớn ở Sri Lanka, quốc đảo phía nam Ấn Độ.
Đối với ông R. Daranagama, một nông dân trồng lúa 70 tuổi ở Sri Lanka, 2022 là một trong những năm khó khăn nhất. Cũng bởi quốc đảo này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Chia sẻ với tờ Bloomberg, ông Daranagama cho biết mình gần như không thể trông mong gì vào cánh đồng lúa rộng 1,6 ha. Năng suất được dự báo sẽ giảm mạnh do nông dân không thể mua phân bón, và điều này sẽ trở thành mối đe dọa trong bối cảnh nguồn cung lương thực Sri Lanka thiếu hụt trầm trọng.
"Tôi không biết vụ mùa này sẽ ra sao nữa. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì tồi tệ như thế này”, ông R. Daranagama tâm sự.
NẠN ĐÓI
Lo sợ về một cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng lớn ở Sri Lanka, quốc đảo phía nam Ấn Độ. Tình trạng thiếu hụt một loạt các mặt hàng, từ bột mì đến sữa bột đang diễn ra, trong khi lạm phát lương thực luôn duy trì ở mức cao 60%. Chi phí phi mã khiến nhiều nông dân, trong đó có ông Daranagama, từ bỏ hoàn toàn việc trồng lúa trong mùa vụ. Đây được cho là sự thay đổi vô cùng đáng sợ đối với một quốc gia có thu nhập trung bình nhưng chưa từng gặp khó khăn trong việc nuôi sống 22 triệu dân,
Khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1948, đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp. Sản lượng lúa trong vụ thu hoạch vừa qua giảm từ 40% đến 50%. Sự khan hiếm phân bón có thể làm giảm sản lượng cây trồng tới 50% trong năm nay, theo Mahinda Amaraweera, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này.
Nông dân Sri Lanka ngừng cấy lúa
Trong khi đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đưa ra lời cảnh báo, rằng kiềm chế nạn đói sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của Sri Lanka trong vài tháng tới đây. Mọi người bắt đầu tích trữ dần lương thực. Gần ¼ dân số yêu cầu được hỗ trợ, theo Liên hợp quốc.
Tờ Bloomberg dẫn câu chuyện của chị Jayavardhana Pridarshani, một bà mẹ 4 con đang sống ở Hambantota làm ví dụ. Chị cho biết trước đây, gia đình thường ăn cá hoặc trứng, song giờ đây chỉ có thể mua chúng mỗi tháng một lần. Các trường học ngừng phục vụ bữa ăn cho học sinh, còn ngư dân hiếm khi ra khơi vì thiếu nhiên liệu.
“Trẻ em ở đây, trong đó có cả tôi, đang bị mệt mỏi và suy nhược”, Jayavardhana nói, đồng thời nhắc thêm rằng một bác sĩ đã cảnh báo chị về nguy cơ cơ thể thiếu hụt protein.
Vấn đề đang lan rộng khắp Sri Lanka. Một lãnh đạo ước tính khoảng 15% trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng nhẹ cân, hệ miễn dịch kém, chậm phát triển, ốm yếu và thậm chí là dễ tử vong. Bệnh viện Lady Ridgeway ở Colombo, bệnh viện lớn nhất cả nước dành cho trẻ em, đã ghi nhận khoảng 20% bệnh nhân suy dinh dưỡng kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu. Điều này tạo ra áp lực kinh tế vô cùng lớn đối với các hộ gia đình có con nhỏ.
NÔNG NGHIỆP KHỐN ĐỐN
Theo các chuyên gia, tai ương của Sri Lanka một phần đến từ lượng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, chính sách cắt giảm thuế không đúng lúc cũng như sự gián đoạn trong ngành công nghiệp du lịch do đại dịch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, những sai lầm về chính sách cũng có sức ảnh hưởng nhất định.
Tháng 4/2021, Sri Lanka cấm nhập khẩu phân bón tổng hợp để thúc đẩy đất nước phát triển theo hướng canh tác hữu cơ
Tháng 4/2021, Sri Lanka cấm nhập khẩu phân bón tổng hợp để thúc đẩy đất nước phát triển theo hướng canh tác hữu cơ. Theo Tổng thống Rajapaksa, lệnh cấm phân bón tổng hợp được thực thi với mục đích tăng thu nhập cho nông dân và cho họ thêm nhiều sự lựa chọn thay thế mang tính bền vững và rẻ hơn.
Tuy nhiên, do không có sự chuẩn bị kỹ càng, kế hoạch này đã thất bại. Toàn bộ chuỗi nông nghiệp, vốn chiếm khoảng 30% lực lượng lao động và 8% tổng sản phẩm quốc nội, theo đó phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng. Thu nhập từ hoạt động xuất khẩu từ chè, một trong những nguồn thu chính, cũng dần cạn kiệt. Trước sự phản đối của đa số nông dân, chính phủ đã buộc phải đảo ngược lệnh cấm vào tháng 11.
Nếu không có sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nhiều chuyên gia lo ngại rằng Sri Lanka có thể đi vào “vết xe đổ” của Venezuela, quốc gia có đồng nội tệ gần như là vô giá trị. Trong nhiều tuần, làn sóng biểu tình phản đối lệnh cấm phân bón tiếp tục dâng cao. Những nông dân nghèo dường như là đối tượng tuyệt vọng và bất lực hơn cả.
Mới đây Bộ trưởng Nông nghiệp Amaraweera đã kêu gọi mọi người chuyển dần sang trồng trọt tại nhà, đồng thời nhấn mạnh đây là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Trong 3 tháng tiếp theo, chính phủ cũng sẽ cho phép nhân viên nhà nước nghỉ làm mỗi thứ Sáu hàng tuần để chăm sóc mảnh vườn nhỏ tại gia. Ngoài ra, để hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt, Sri Lanka cần chi hơn 200 triệu USD để nhập khẩu phân bón trong năm nay.
Một cuộc biều tình phản đối sự gia tăng giá cả
Cho đến nay, quốc đảo này sắp nhận được 150 triệu USD tiền hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ cũng đã gia hạn khoản vay 55 triệu USD cho Sri Lanka để người dân mua urê, một dạng phân bón nitơ tổng hợp. Phía Trung Quốc cũng đã gửi đi các lô hàng gạo để nguồn cung Sri Lanka bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, với lượng dự trữ lương thực ngày càng cạn kiệt, trong khi giá ngũ cốc và phân bón toàn cầu tăng cao kỷ lục do căng thẳng Nga-Ukraine, Sri Lanka đang dần không có nhiều sự lựa chọn. Chương trình Lương thực Thế giới đã bắt đầu phải phát phiếu cung cấp thực phẩm cho một số phụ nữ mang thai như một phần của nỗ lực ứng phó khẩn cấp, nhằm hỗ trợ 3 triệu người dân Sri Lanka dễ bị tổn thương. Dẫu vậy, nạn đói trên diện rộng vẫn có thể xảy ra nếu nhiều nông dân không thể trồng hoặc thu hoạch hoa màu.
K. Sugath, nông dân 52 tuổi, là một trong những nạn nhân điển hình. Ông cho biết những khó khăn cứ chồng chất lên nhau vì thiếu urê. Nhiều nông dân trong khu ông sống thậm chí còn dừng canh tác vì cho rằng nguồn phân hữu cơ có sẵn sẽ làm giảm sản lượng cây trồng. Giá nhiên liệu cao cũng đồng nghĩa với việc chi phí cho một chiếc máy kéo không còn rẻ như trước. Sugath không lạc quan về vụ thu hoạch này, song cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác để nuôi sống gia đình.
Theo: Bloomberg
Huệ Anh