(Tổ Quốc) - Cả doanh thu và lợi nhuận của SSI dự kiến đều sẽ tăng, trong đó doanh thu là 10.330 tỷ đồng và lợi nhuận là 4.370 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI, năm 2022 SSI đặt mục tiêu doanh thu 10.330 tỷ đồng, tăng trưởng 30,7% so với năm trước và đánh dấu lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ.
Trước đó, SSI đã tăng trưởng doanh thu gần 40% trong năm 2020 và tiếp tục tăng trưởng hơn 70% trong năm 2021. Đây là 2 năm mà thị trường chứng khoán bùng nổ thanh khoản, với số nhà đầu tư tham gia thị trường tăng đột biến.
Đến thời điểm hiện tại, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tới 5 triệu tài khoản, tương đương khoảng 5% dân số.
Về lợi nhuận, SSI dự kiến lãi trước thuế 4.370 tỷ đồng, cũng tăng trưởng 30% so với năm 2021 và nếu đạt sẽ lập kỷ lục mới.
Trong năm 2021 vừa qua, hơn một nửa lợi nhuận của SSI đến từ mảng môi giới và dịch vụ khách hàng, chiếm 1.870 tỷ đồng trên tổng số 3.365 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. SSI năm ngoái nắm 11,05% thị phần giá trị môi giới trên sàn HOSE và 6,77% thị phần môi giới trên HNX.
Đáng chú ý, SSI lãi tới gần 1.000 tỷ đồng từ mảng tự doanh trong bối cảnh VN-Index tăng gần 36% trong năm qua, từ 1.100 điểm lên sát 1.500 điểm.
Các khoản lợi nhuận còn lại của SSI đến từ kinh doanh nguồn vốn, quản lý danh mục đầu tư, ngân hàng đầu tư và các bộ phận khác.
Tại thời điểm 31/12/2021, quy mô tài sản của SSI là 50.793 tỷ đồng, tăng tới 15.000 tỷ đồng (tăng 42%) so với cuối năm 2020
Mới đây, SSI đã ký thành công và hoàn tất giải ngân hợp đồng vay vốn tín chấp từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài trị giá 148 triệu USD. Đây cũng là hợp đồng tín chấp nước ngoài lớn nhất mà một công ty chứng khoán Việt Nam tiếp cận được đến thời điểm này.
Đại diện SSI cho biết, cũng giống như các đợt huy động vốn nước ngoài khác, mục đích huy động vốn đợt này nhằm tăng cường mở rộng kinh doanh của SSI thông qua việc cung cấp tới khách hàng/nhà đầu tư các sản phẩm dịch vụ tài chính có khối lượng lớn và chi phí thấp nhất.
Trong năm 2021, SSI đang là công ty chứng khoán tiếp cận được nguồn vốn tín chấp nước ngoài lớn nhất trong ngành chứng khoán – lên tới 267,5 triệu USD, bao gồm khoản vay 118 triệu USD - đứng đầu là Fubon và UBOT.
Hà My