(Tổ Quốc) - Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2020, theo khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch. Vốn vẫn ghi nhận vào ròng vào thị trường cổ phiếu, tuy nhiên tổng giá trị giảm mạnh (49,9 tỷ USD, giảm 52,8% so với tháng 1).
Tỷ trọng tiền mặt câc quỹ đầu tư tăng cao nhất kể từ tháng 5/2020
SSI Research vừa có báo cáo cập nhập dòng vốn toàn cầu tháng 2/2022, trong đó nhấn mạnh dòng tiền vào tài sản tài chính giảm mạnh do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Cụ thể, dòng tiền vào các tài sản tài chính giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục. Trong tháng 2, các thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện, bao gồm kỳ vọng về tốc độ tăng lãi suất của Fed (trong nửa đầu tháng) và xung đột Nga – Ukraine (trong nửa cuối tháng) khiến tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2020, theo khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch. Vốn vẫn ghi nhận vào ròng vào thị trường cổ phiếu, tuy nhiên tổng giá trị giảm mạnh (49,9 tỷ USD, giảm 52,8% so với tháng 1).
Dòng tiền này tiếp tục có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiểu tăng trưởng (công nghệ) sang nhóm cổ phiếu giá trị (năng lượng). Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu ghi nhận mức giảm mạnh tháng thứ 2 liên tiếp, khi bán ròng 36,2 tỷ USD đến từ áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Dòng vốn cổ phiếu toàn cầu mặc dù ghi nhận vào ròng nhưng giá trị giảm rõ rệt so với tháng trước, với mức giảm nhanh hơn ở thị trường phát triển. Cụ thể, tại thị trường phát triển, tổng giá trị mua ròng ghi nhận là 37,1 tỷ USD, giảm 54% so với tháng 1 và 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với lượng mua ròng là 39,3 tỷ USD. Thị trường mới nổi ghi nhận mức mua ròng 12,9 tỷ USD, với đóng góp chủ yếu từ Trung Quốc (4,1 tỷ USD), Đài Loan (1,5 tỷ USD) và Hàn Quốc (553 triệu USD).
Dòng tiền cổ phiểu mua ròng tại các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu hàng nguyên vật liệu thô. Xung đột giữa Nga và Ukraine giúp dòng vốn chuyển hướng tới các quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu nguyên vật liệu thô, đặc biệt là khu vực ASEAN như Indonesia hay Malaysia. Cả Indonesia, Malaysia, Phillipines hay Thái Lan ghi nhận bơm ròng từ các quỹ ETF trong tháng 2.
Nhìn chung, phân bổ dòng vốn trong thời gian tới vẫn tập trung vào thị trường cổ phiếu. Theo khảo sát từ Bank of American Merill Lynch, phần lớn các nhà quản lý quỹ đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đã qua giai đoạn đỉnh và bắt đầu chuyển sang "chu kỳ muộn", tuy nhiên chỉ 30% nhà quản lý cho rằng thị trường cổ phiếu sẽ vào trạng thái thị trường gấu trong năm 2022. Dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị và hưởng lợi từ việc tăng lãi suất và môi trường lạm phát cao như ngân hàng, năng lượng thay vì vào nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong tháng 3, dòng tiền vào thị trường trái phiếu có thể được cải thiện do nhu cầu phân bổ tỷ trọng vào các tài sản ít rủi ro tăng trong bối cảnh khó lường của thị trường toàn cầu. Biến động của giá hàng hóa, bao gồm giá năng lượng do ảnh hưởng của các biện pháp cấm vận và phản ứng của NHTW là yếu tố quan trọng cần được theo dõi và sẽ ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền vào thị trường cổ phiếu.
"Kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam"
Về dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, SSI Research cho biết, căng thẳng địa chính trị khiến dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu vào Việt Nam chững lại. Giao dịch ETF quay trở lại rút ròng nhẹ trong tháng 2. Trong đó, quỹ VFM VN30 ETF ghi nhận mức rút vốn mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây, đẩy mạnh rút vốn lên -744 tỷ đồng trong tháng 2, bên cạnh FTSE Vietnam ETF cũng rút nhẹ -27 tỷ đồng và tạo áp lực lên dòng vốn. Ngược lại, hầu hết các quỹ còn lại ghi nhận dòng vốn dương trong tháng, bao gồm VFM VNDiamond ( 400 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead ( 80 tỷ) và quỹ Global X MSCI Vietnam ETF ( 75 tỷ đồng). Nhìn chung, các quỹ ETF vẫn rút ròng nhẹ -190 tỷ đồng trong tháng 2, chủ yếu do áp lực rút vốn trong nửa cuối tháng với mức rút ròng lên đến -350 tỷ đồng.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động ghi nhận mức rút vốn mạnh trong 2 tuần giữa tháng 2 và hồi phục phần nào trong tuần cuối tháng. Xu hướng của các quỹ chủ động có phần nào tiêu cực hơn, khi ghi nhận mức bán ròng gần 970 tỷ đồng trong tháng. Mức rút ròng này đã phần nào được cải thiện trong tuần giao dịch cuối tháng, khi tâm lý thị trường đã ổn định hơn về xung đột giữa Nga và Ukraine. Giao dịch khối ngoại bán ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán, với tổng giá trị là -243 tỷ đồng. Khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân vào dòng cổ phiếu liên quan đến hàng hóa và cảng biển.
"Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm về việc kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá. Một thông tin tích cực khác là trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Thái Lan, có tên gọi là là quỹ SCBRMVIET, thuộc Tập đoàn SCBAM đến từ Thái Lan. Quỹ sẽ bắt đầu gọi vốn lần đầu từ ngày 1/3 đến ngày 7/3", SSI Research nhận định.
Các quỹ chủ động vào thị trường chứng khoán Việt bị rút ròng vốn trong tháng 2
Bạch Huệ