(Tổ Quốc) - Thời điểm đỉnh cao có đến 3 CTCK (VND, SSI, VCI) lọt vào câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa nhưng đến nay chỉ còn lại duy nhất một đại diện là VND và cũng đang có nguy cơ “rớt đài”.
Thị trường chứng khoán vừa trải quả thêm một phiên có nhiều biến động mạnh. VN-Index có thời điểm đã xuống dưới mốc 1.200 trước khi hồi lại cuối phiên. Tuy nhiên, nhóm chứng khoán vẫn là tâm điểm hứng chịu áp lực bán mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu như SSI, VND, HCM, FTS, AGR, BSI, CTS,... giảm sàn.
Đáng chú ý, SSI với phiên giảm thứ 5 liên tiếp trong đó có 2 phiên sàn, đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Tại mức thị giá 22.650 đồng/cổ phiếu, vốn hóa CTCK này hiện còn chỉ xấp xỉ 22.500 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 60% so với đỉnh và chính thức rớt khỏi nhóm tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu SSI rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm
Câu chuyện của SSI có thể coi như một điển hình của ngành chứng khoán. Khi thị trường bùng nổ trong giai đoạn cuối năm ngoái đến đầu năm nay, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán cũng lập đỉnh.
Thời điểm đỉnh cao có đến 3 CTCK lọt vào câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa là VND, SSI, VCI cùng nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng. Riêng bộ đôi VND và SSI có thời điểm còn chạm, thậm chí vượt ngưỡng 2 tỷ USD vốn hóa. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại cái tên duy nhất còn trụ lại là VND cũng đang "ngấp nghé" nguy cơ bị rớt. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, rất có thể trong thời gian tới sẽ có thời điểm không còn CTCK nào có vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Một trong những yếu tố chính khiến cổ phiếu ngành chứng khoán gặp khó đến từ sự sụt giảm của thanh khoản thị trường. Lãi suất có xu hướng tăng sau thời gian dài duy trì ở mức thấp đã có tác động không nhỏ đến dòng tiền vào thị trường. Bên cạnh đó, những biến cố trên trái phiếu cũng ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản thị trường cổ phiếu.
Theo thống kê, thanh khoản bình quân phiên trên HoSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các CTCK, thanh khoản thấp cũng khiến cổ phiếu ngành chứng khoán khó hấp thụ được lượng cung lớn từ các đợt phát hành tăng vốn trước đó.
Thanh khoản có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái
Về ngắn hạn, đội ngũ phân tích của Vnstockmarket cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục điều chỉnh đi ngang trong khoảng 1.200 đến 1.400 điểm. Về dài hạn, sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ đầu tư, chính sách và định hướng của nhà nước đối với thị trường chứng khoán hay mức độ cạnh tranh của các công ty trong ngành.
ACBS nhận định mảng môi giới chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao khi có tới 74 CTCK trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt giữa các công ty. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý 2/2022 do thị trường diễn biến kém thuận lợi. Đây là 2 mảng hoạt động chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của các CTCK bên cạnh cho vay ký quỹ (margin).
Mặt khác, ACBS đánh giá chứng khoán của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp. Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước vào cuối tháng 5 mới đạt 5,6 triệu, chiếm gần 5,7% dân số. Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới đang tăng chóng mặt với gần nửa triệu tài khoản mở mới trong tháng 5, gần gấp đôi kỷ lục cũ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nội mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Hà Linh