Từ Hà Giang, Hà Nội tới TP. HCM và các địa phương khác, đội ngũ FMN Media đã di chuyển liên tục, quay ở cả những bối cảnh đặc thù như bên trong sân đỗ và sửa chữa máy bay, để tạo ra sản phẩm chất lượng nhất cho Vietnam Airlines. Đây chỉ là một trong nhiều dự án giúp tạo nên tiếng vang cho startup này.
Câu chuyện về quá trình sản xuất video ca nhạc (MV) "Nhanh lên nhé!" cho thương hiệu Vietnam Airlines vào năm 2022 là một ví dụ về sự kỳ công, sức sáng tạo, nhiệt huyết, nỗ lực của cả một đội ngũ đằng sau những video chỉ dài hơn 4 phút. MV "Nhanh lên nhé!" từng lọt Top 9 Trending Music trên YouTube và hiện đã thu về gần 6 triệu lượt xem chỉ tính riêng nền tảng này.
Đúng ngày 1/1/2024 – MV "Nơi pháo hoa rực rỡ" thuộc series "Đi để trở về" - "signature" của nhãn hàng Biti’s Hunter mỗi dịp Tết - đã ra lò. Đơn vị được "chọn mặt gửi vàng" cũng chính là FMN Media. Sau 1 tuần phát hành, MV này đạt tổng cộng 80 triệu view trên mọi nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, FMN Media còn từng sản xuất những viral video cho các nhãn hàng lớn như Samsung, Maybelline, Free Fire… Tổng số dự án hiện đã lên con số hàng trăm. Song, điều bất ngờ là đơn vị sản xuất này có tuổi đời khá trẻ, khi được thành lập vào tháng 9/2020. FMN Media đặt mục tiêu trở thành Production House hàng đầu thị trường với những sản phẩm mang dấu ấn riêng, ấn tượng về thị giác và màu sắc hiện đại.
Không đơn thuần chỉ tập trung chủ yếu vào mặt thương mại hay giải trí, FMN Media quan niệm rằng mọi sản phẩm dù là quảng cáo, nghệ thuật hay phim ảnh đều cần sự đầu tư, mới mẻ và thu hút với đối tượng khán giả mục tiêu, thấu hiểu khách hàng. Mong muốn của công ty là góp phần đưa nền công nghiệp sản xuất hình ảnh tại Việt Nam ngày càng trở nên tiên tiến và hiện đại.
Đây cũng chính là ước mơ mà chị Linh Kiều Nguyễn - Founder & CEO của FMN Media ấp ủ ngay từ thuở ban đầu vào nghề. Sau khi đỗ khoa Đạo diễn truyền hình Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh dù gia đình không có ai theo ngành này, chị ngày càng được thôi thúc đóng góp cho sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất hình ảnh tại Việt Nam, đồng thời mong muốn công chúng hiểu hơn về sự cống hiến của đội ngũ ở hậu trường.
Trước khi thành lập FMN Media và trở thành đối tác của các thương hiệu, nghệ sĩ, công ty quảng cáo, chị bước vào ngành sản xuất hình ảnh như thế nào?
Xuất phát điểm của tôi là một cô bé với ước mơ được làm trong môi trường phát thanh truyền hình. Quyết định thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh khoa Đạo diễn truyền hình là để cố gắng thực hiện giấc mơ đó. Song khi ấy, tôi khá "shock" khi mình thi đỗ dù chỉ là một "kẻ ngoại đạo". Xung quanh tôi lúc ấy đều là các sinh viên đến từ gia đình có truyền thống theo ngành điện ảnh, truyền hình.
Với cá tính của tôi, một khi đã đam mê là sẽ theo đuổi quyết liệt tới cùng. Từ đó tới nay, tôi cũng chưa từng bỏ cuộc. Theo thời gian, giấc mơ từ thuở đầu ngày một lớn dần, thôi thúc trong tôi mong muốn đóng góp cho nền công nghiệp sản xuất hình ảnh để đưa ngành này phát triển ngày càng sôi động, mới mẻ hơn.
Chị đã trải qua những khó khăn, áp lực gì trong hành trình làm nghề?
Khi còn trên ghế nhà trường, sau những bài tập vất vả ở vị trí đạo diễn, tôi nhận ra nữ giới trong ngành này cần đáp ứng nhiều điều kiện. Đó là sự sáng tạo, bay bổng và cả kĩ thuật về máy móc, phần mềm. Đặc biệt cần kể đến sức khoẻ để có thể theo đuổi nghề.
Hiểu được điều đó, tôi quyết định lựa chọn con đường trở thành một nhà sản xuất sau khi tốt nghiệp. May mắn là tôi thuận lợi trên con đường này và có vẻ "mát tay" với những sản phẩm mình làm. Đó là cơ sở để tôi thành lập FMN Media.
Được biết FMN Media chưa đầy 4 năm tuổi nhưng đã có nhiều dự án viral. Đâu là những yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và làm ra nhiều video chất lượng như vậy, thưa chị?
Không thể không nhắc tới yếu tố đầu tiên chính là may mắn khi chúng tôi luôn nhận được những đề bài, dự án thú vị. Điều đó thúc đẩy niềm tin mãnh liệt trong chúng tôi rằng mình có thể đáp ứng yêu cầu, chinh phục những thử thách cơ bản của khách nhưng đồng thời chạm đến khao khát, lý tưởng mang tới những thành quả vượt qua kỳ vọng đôi bên.
Yếu tố thứ hai tôi nghĩ rằng đến từ tinh thần làm việc chuyên nghiệp, khả năng chịu áp lực và sức chiến đấu bền bỉ của một start-up thuần Việt. Như bạn cũng biết, dư địa phát triển cho những người đến sau trong lĩnh vực sản xuất luôn bị thu hẹp từng ngày, từng giờ bởi nhiều tác động. Thay vì bị động chịu sự điều phối của guồng quay vận hành, chúng tôi luôn ý thức trau dồi năng lực sản xuất của từng thành viên nói riêng lẫn đội ngũ nói chung để hiện thực hoá kỳ vọng của khách hàng nhưng vẫn tạo kết nối sâu sắc với nhu cầu thưởng thức và thẩm mỹ ngày một cao của khán giả hay người tiêu dùng.
Xin chị cho biết quy trình sản xuất một sản phẩm video của FMN Media diễn ra như thế nào?
Quy trình sản xuất video về cơ bản gồm 3 khâu là tiền kỳ, giai đoạn quay và hậu kỳ. Tại FMN Media, chúng tôi luôn tâm niệm làm thế nào để tìm ra giải pháp tốt nhất, tối ưu được thời gian và kinh phí cho khách hàng. Cách mà tôi thường dùng là "sản xuất thông minh", được hiểu là dành ngân sách cho những hạng mục cần đầu tư để đem lại hiệu quả tối đa về hình ảnh, hoặc sản xuất với cỗ máy tinh gọn nhưng tính chuyên nghiệp cao.
Lấy ví dụ về dự án "Nhanh lên nhé!" của Vietnam Airlines, chúng tôi tập trung vào tính chất đặc thù của nhãn hàng là vận chuyển hàng không tới các điểm đến trên cả nước.
Thay vì sử dụng một quy trình với rất nhiều nhân sự, tôi lựa chọn linh hoạt ở từng địa điểm quay. Với những nơi xa như Hà Giang, tôi huy động ít nhân sự, cơ động, tinh gọn, giàu sức bền, tinh thần chiến đấu cao. Với địa điểm lần đầu ghi hình như sân bay Nội Bài, tôi ưu tiên tính hoành tráng trong mỗi khung hình nên yêu cầu đối với mỗi thành phần sản xuất đều phải hoàn hảo.
Cách sản xuất như vậy không những tối ưu chi phí và tiết kiệm thời gian cho khách hàng, mà còn mang lại hiệu quả cao về mặt hình ảnh cho khán giả, tăng giá trị sản xuất cho dự án.
USP (Unique Selling Point – lợi điểm bán hàng độc nhất) của FMN Media so với các đối thủ cùng ngành là gì, thưa chị?
Đó chính là đội ngũ sản xuất. Yêu cầu của tôi với các thành viên là phải cung cấp những giải pháp, quy trình, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trong điều kiện mình đang có tại thời điểm đấy. Mỗi khi nhận đề bài hoặc dự án nào đó, chúng tôi luôn mong muốn làm hay hơn so với những gì khách hàng yêu cầu.
Riêng về quy trình sản xuất, tôi luôn muốn linh hoạt để trải nghiệm dịch vụ của khách hàng được mềm mại hơn. Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong quy trình mà tôi thường xuyên ứng dụng trong năm 2023 là đưa team hậu kỳ vào ngay từ khi dự án bắt đầu. Với việc các biên tập viên, dựng phim được tham gia lên ý tưởng cùng đạo diễn, những cuộc họp triền miên không đi đến tiếng nói chung được rút bớt, hình thành nên cách làm việc hiệu quả để đạt được kỳ vọng từ những trang giấy đầu tiên đến thành phẩm cuối cùng.
Đội ngũ hậu kỳ đóng vai trò quan trọng như thế nào, có phải nhân tố tạo nên khác biệt giữa FMN Media với các công ty cùng ngành hay không?
Tôi nghĩ đó là điểm khác biệt. Mỗi Production House sẽ có một màu sắc riêng. Màu sắc của chúng tôi đến nhiều từ phần hậu kỳ, ví dụ như hình ảnh, nước phim, hoặc kỹ thuật dựng từng hình ảnh với nhau ra sao.
Team hậu kỳ là nòng cốt của FMN Media với các tiêu chí sáng tạo và kĩ thuật thuần thục. Các thành viên là những editor, artist dày dặn kinh nghiệm, cũng có nhân sự là đạo diễn trẻ từ nước ngoài. Tất cả đều đã có các sản phẩm mà họ giữ vai trò đạo diễn.
Vậy nên, khi đưa team kết hợp với các đạo diễn được thuê, họ luôn có những đóng góp tuyệt vời để sản phẩm tốt hơn về góc nhìn nghệ thuật. Trải qua nhiều dự án, họ hiểu và thấm nhuần quan điểm làm nghề của FMN Media.
Một vài keyword thể hiện cá tính của FMN Media trong sản phẩm là gì, thưa chị?
Độc đáo, sáng tạo, chuyên nghiệp, hội nhập thế giới.
Một trong những dự án gây tiếng vang gần đây của FMN Media là MV "Nơi pháo hoa rực rỡ" thuộc series "Đi để trở về" của Biti’s Hunter. Xin chị chia sẻ thêm về dự án này.
Series "Đi để trở về" đã được thực hiện xuyên suốt 8 năm, đi vào văn hoá đại chúng mỗi dịp Tết đến, nên đề bài nhãn hàng đưa ra là làm thế nào để series này có màn trở lại thật thành công sau một năm vắng bóng trên thị trường quảng cáo. Sản phẩm cần chạm tới những người trẻ xa nhà, đang cô đơn lạc lõng giữa chốn thành thị lấp lánh.
Chúng tôi không được giao dự án luôn mà phải pitching cùng các Production House khác. Thực ra tôi chưa từng làm cho nhãn hàng Biti’s Hunter trước đó, nhưng khi nhận đề bài này tôi rất thích, cũng gần gũi với những sản phẩm mà tôi đã làm trên thị trường.
Áp lực ở đây là phải làm thế nào để sản phẩm hay, phù hợp với tiêu chí của khách hàng, đồng thời đáp ứng được timeline (thời hạn). Khối lượng công việc rất nhiều, nhưng thời gian lại gấp gáp. Về mặt timeline, chất lượng và ngân sách đều phải được đảm bảo.
Tuy nhiên, ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn trở thành một thử thách, đi kèm sức ép về mặt thời gian với ekip sản xuất. Vì vậy một lần nữa tôi muốn nêu bật cụm từ "sản xuất thông minh".
Ban đầu, ngân sách của dự án chỉ đủ để chúng tôi thực hiện trong 2 ngày với 90% cảnh quay được thực hiện ban đêm, rong ruổi hết các ngõ ngách ở TP HCM. Nhưng để đạt chất lượng tốt nhất, chúng tôi nhận thấy kịch bản này phải sản xuất trong vòng 3 ngày.
Để xử lý tình huống, chúng tôi đã lên lại kế hoạch về ngân sách, sắp xếp nhân sự tinh gọn và phù hợp, phân tích và phân loại mức độ ưu tiên cho các hạng mục. Nhờ vậy, chúng tôi đã biến một dự án chỉ có ngân sách quay trong 2 ngày thành 3 ngày, tăng thêm 35% giá trị sản xuất cho sản phẩm.
Chị có thể tiết lộ đâu là dự án ngân sách lớn nhất mà FMN Media từng thực hiện hay không?
Dự án dài hơi, sản xuất công phu, cầu kỳ, tốn nhiều chi phí nhất mà chúng tôi từng làm là MV "Nhanh lên nhé!" cho Vietnam Airlines, với nhóm nghệ sĩ thể hiện là SpaceSpeakers.
Sản phẩm này phải quay ở rất nhiều địa điểm với những kỹ thuật, công tác hậu cần vô cùng phức tạp. Chẳng hạn như tại địa điểm sân bay Nội Bài với bối cảnh là hangar (sân đỗ và sửa chữa máy bay), có vô vàn yêu cầu và quy định nghiêm ngặt phải tuân thủ khiến quá trình sản xuất trở nên khó khăn.
Khi làm xong dự án này, tôi nghĩ mình chẳng còn sợ sản phẩm nào khác. Mặc dù dự án chỉ kéo dài một tháng rưỡi nhưng phải đi quay tại 5-6 địa điểm, từ Hà Giang đến Hà Nội, TP. HCM, rồi lại đưa ekip đến Phan Thiết. Đó là một chuỗi thử thách.
FMN Media được Vietnam Airlines tin tưởng tuyệt đối trong dự án này, bởi trước đó chúng tôi từng làm việc rất nhiều với SpaceSpeakers. Tôi gần như cũng không có quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm niềm tin của khách hàng.
Trong quá trình làm nghề, đâu là những trăn trở của chị, cũng như "nỗi niềm" chung của những người làm ngành sản xuất video?
Trăn trở của tôi chỉ gói ghém trong ước mơ thuở ban đầu khi mới vào nghề, cũng như tham vọng hiện tại. Đó là cùng góp sức với các nhân sự khác trong ngành để đưa nền công nghiệp sản xuất hình ảnh - phim ảnh nói chung và quảng cáo, MV nói riêng lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn nữa.
Ngành sáng tạo hay sản xuất nói chung hiện nay tại Việt Nam ít được công chúng quan tâm. Các câu chuyện hậu trường ít được khai thác nên khán giả đâu đó chưa hiểu hết được tính chất của ngành nghề. Mọi người thường nhìn vào một cá nhân như giám đốc sáng tạo hoặc đạo diễn để có cái nhìn tổng quan về nghề.
Tuy nhiên, những nhân sự kỹ thuật làm chuyên môn cũng đáng được tôn vinh. Tôi muốn đem đến hình ảnh thật khác về ngành nghề này, thay vì những mường tượng phổ biến hiện nay rằng họ chỉ là người làm kỹ thuật.
Chị đánh giá ra sao về tình hình ngành sản xuất video tại Việt Nam hiện nay?
Tôi nghĩ sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất hình ảnh phát triển, theo nhiều hình thức khác nhau.
Trước đây vào những năm 2000, các Production House rất hiếm, chi phí sản xuất cũng rất cao. Tới giai đoạn 2010 – 2020, nhiều Production House ra đời với mục đích phát triển các kênh mạng xã hội như YouTube, Facebook. Đến thời kỳ hiện nay lại xuất hiện rất nhiều Production House hoặc ekip nhỏ lẻ chỉ để phục vụ kênh TikTok.
Nhận định của chị về sự cạnh tranh trên thị trường này?
Tôi nghĩ tất nhiên có cạnh tranh quyết liệt, nhưng sự cạnh tranh ấy sẽ giúp cho toàn ngành nói chung tốt lên. Bởi vì so với Hàn Quốc hay các thị trường khác, Việt Nam còn hạn chế về năng lực chuyên môn, nguồn nhân lực, thiếu sự đào tạo bài bản và thiếu cả về kinh phí. Một dự án được đầu tư ngân sách đủ sẽ có chất lượng khác hẳn so với sản phẩm không đủ kinh phí. Tuy nhiên, phải cân đối làm sao để cho ra sản phẩm đủ tốt với mức ngân sách nhận được.
Xin chị chia sẻ thêm về những kế hoạch sắp tới của FMN Media
Tôi có kế hoạch mở rộng quy mô công ty, thích ứng hơn với một số nhu cầu của thời cuộc. Nhìn chung, các kế hoạch sẽ tùy theo từng giai đoạn.
Trước mắt, tôi đang muốn xác định lại một số vấn đề về định vị nhằm làm rõ "vibe" của FMN Media hơn. Việc đi làm quảng cáo và nghệ thuật là hai phạm trù với ranh giới rất dễ bị nhầm lẫn, nên tôi muốn phân loại lại một chút, để xác định rõ đâu là sản phẩm làm cho khách hàng và và đâu là sản phẩm của chính FMN Media.
Nếu được gửi gắm thông điệp đến những bạn trẻ mới vào nghề, chị muốn nói điều gì?
Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng hãy cứ kiên trì với đam mê của mình, giữ ngọn lửa nhiệt huyết để chiến đấu đến khi giành được thành tựu nào đó. Ai cũng đều phải bắt đầu từ đâu đó nên đừng sợ. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, cơ hội sẽ đến với mỗi cá nhân.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!