Startup làm tinh bột kháng, khách hàng mục tiêu là người táo bón, được Shark Hưng và Shark Liên rót vốn 4 tỷ đồng

(Tổ Quốc) - Nhà sáng lập mang đến các sản phẩm tinh bột kháng tự nhiên với giá trung bình 200.000 đồng, giúp giải quyết từ gốc phần lớn các vấn đề sức khỏe của người dân Việt. Startup hướng tới 30 triệu người Việt Nam đang bị táo bón, 20 triệu người bị các bệnh về đại tràng, 9 triệu người đang bị tiểu đường và tiền tiểu đường tuýp II, 25 triệu người có nguy cơ huyết áp thừa cân béo phì.

Mang theo chiếc hộp mô phỏng lại phân người là cách mà Nguyễn Tuấn Dương - nhà sáng lập và điều hành của Công ty Cổ phần Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Anh đề nghị chia sẻ 20% cổ phần để đổi lấy 4 tỷ đồng tiền đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm tinh bột kháng tự nhiên, giúp giải quyết từ gốc phần lớn các vấn đề sức khỏe của người dân Việt.

Hỗ trợ thoát khỏi táo bón, đại tràng

Theo anh Dương, 70 – 80% hệ miễn dịch hay sức đề kháng của chúng ta nằm ở đường ruột và do hệ vi khuẩn đường ruột quyết định. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ biết nên cho vi khuẩn ăn gì để đa dạng về số loài và đủ về số lượng, đem lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe. Vào năm 1982, hai nhà khoa học người Anh đã phát hiện ra rằng, trong khi phần lớn các loại tinh bột mà con người dùng làm thực phẩm ăn uống hằng ngày đều bị tiêu hóa, thì vẫn có một lượng rất nhỏ tinh bột có khả năng kháng lại sự tiêu hóa của cơ thể, di chuyển xuống đại tràng và trở thành thức ăn tốt nhất giúp hệ vi khuẩn đường ruột phát triển. Người ta gọi đó là tinh bột kháng.

Tuy nhiên, tinh bột kháng lại có đặc tính rất khó bảo tồn. Công ty của Nguyễn Tuấn Dương đã tạo ra một sản phẩm tiêu dùng trực tiếp có hàm lượng tinh bột kháng cao từ đậu xanh. Sản phẩm đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia của Bộ Y tế công nhận là 14% tinh bột kháng trong 100g sản phẩm.

"Sản phẩm tinh bột kháng trong thời gian qua đã giúp hàng nghìn người thoát khỏi táo bón, đại tràng co thắt mãn tính lâu năm và trở về cuộc sống đời thường. Đặc biệt từ đầu năm 2022, Công ty Cổ phần chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam đã phối hợp với Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam hỗ trợ cho gần 100 trẻ thoát khỏi bệnh lý táo bón do phải dùng thuốc quá nhiều", founder Tuấn Dương tự tin chia sẻ.

Startup làm tinh bột kháng, khách hàng mục tiêu là người táo bón, được Shark Hưng và Shark Liên rót vốn 4 tỷ đồng - Ảnh 1.

Startup hướng tới 30 triệu người Việt Nam đang bị táo bón, 20 triệu người bị các bệnh về đại tràng, 9 triệu người đang bị tiểu đường và tiền tiểu đường tuýp II, 25 triệu người có nguy cơ huyết áp thừa cân béo phì. "Vì sức khỏe và tuổi thọ của người Việt, chúng tôi mong muốn rằng một ngày chúng ta ăn 3 bữa, thì hãy dành 1 bữa cho vi khuẩn bằng tinh bột kháng", Tuấn Dương nhắn nhủ.

Đến đây, Shark Liên hỏi thêm về quy trình chiết xuất. Tuấn Dương giải thích sản phẩm làm từ 100% từ đậu xanh của Việt Nam. Trong đậu xanh, hàm lượng tinh bột kháng chỉ là 0,14% nhưng qua 12 công đoạn chế biến, tinh bột kháng trong đậu xanh tăng lên 100 lần và đạt mức độ 14%. Ngoài ra, tinh bột kháng trong sản phẩm này có thể chịu được mức nhiệt trên 100 độ C, trong khi các sản phẩm tương tự trên thị trường chỉ chịu được khoảng 60 độ C.

Trả lời câu hỏi của Shark Hùng Anh về tình hình tài chính, nhà sáng lập cho biết thêm, startup đang có 3 dòng sản phẩm với mức giá bình quân trên dưới 200.000 đồng/hộp, gồm 6 bữa ăn có tinh bột kháng.

Doanh thu năm 2021 là 2,9 tỷ đồng, tuy nhiên lãi chỉ có 2%, tương đương 62 triệu đồng vì phần lớn tiền lãi đã được sử dụng cho việc hoàn thiện sản phẩm.

Startup làm tinh bột kháng, khách hàng mục tiêu là người táo bón, được Shark Hưng và Shark Liên rót vốn 4 tỷ đồng - Ảnh 2.

Hiện sản phẩm đang có 3 kênh phân phối là bán hàng trực tiếp cho khách, chiếm 70%; những người tập Gym để giảm cân, hoặc những đơn vị có thể làm sản phẩm sữa, bánh kẹo tinh bột kháng; kinh doanh online.

Khi được shark Hưng hỏi khó khăn lớn nhất startup đang gặp phải, Tuấn Dương cho rằng tinh bột kháng là khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam, trong khi Chính phủ Úc, Mỹ đã khuyến cáo người dân nên dùng sản phẩm này hằng ngày.

Năm 2023, công ty dự kiến sản xuất với 100% công suất với doanh thu 26 tỷ đồng, lãi 4 tỷ. Kết thúc năm 2025, doanh thu là 64 tỷ đồng, lợi nhuận 15%. Với sự tham gia của các "cá mập", nhà sáng lập cho biết con số trên phải nhân 2, nhân 3 lên.

Shark Hưng và Shark Liên tranh giành đầu tư

Shark Bình sớm đưa ra quyết định không đầu tư vào startup do lĩnh vực này không thuộc lĩnh vực và khẩu vị đầu tư.

Shark Hùng Anh cũng đồng quan điểm khi thấy hiện tại quy mô dự án quá nhỏ, nên ông cũng không đầu tư phi vụ này.

Trong khi đó, Shark Phú cho rằng dù cùng kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực nhưng sản phẩm mà startup đang cung cấp "lệch kênh" với lĩnh vực của ông và cách thức bán hàng cũng khác. Ông cũng cho rằng startup ở giai đoạn hơi mới nên quyết định không đầu tư.

Shark Liên tỏ ra quan tâm về startup và đặt câu hỏi về vùng nguyên liệu. Tuấn Dương cho biết nguyên liệu lớn nhất đang nhập từ Hải Dương và Hòa Bình. Và hiện nay anh đang xây dựng một vùng nguyên liệu 3 hecta tại Mộc Châu, Sơn La. Quy trình sản xuất do xưởng tự làm, gần như là sản phẩm handmade (thủ công) với 400 sản phẩm/ngày. Và hiện nay chỉ mới sản xuất được 50% công suất.

Startup làm tinh bột kháng, khách hàng mục tiêu là người táo bón, được Shark Hưng và Shark Liên rót vốn 4 tỷ đồng - Ảnh 3.

Tuấn Dương chia sẻ thêm, anh từng có hơn 10 năm làm lĩnh vực ngân hàng, chủ yếu làm ở các địa bàn vùng cao - nơi mà tỷ lệ người dân bị bệnh tiêu hóa rất cao nhưng người dân không có tiền chi trả.

"Thôi giờ thế này, bạn bỏ 4 tỷ rồi, với lại công sức mấy năm qua, giờ tôi bỏ thêm 4 tỷ nữa. Bạn 60%, tôi 40%", Shark Hưng đưa ra đề nghị.

"Những cái em đang nói nếu đúng là sự thật thì chị đang rất cần, cho chị, chồng chị và các người bạn của chồng chị nữa. Thật ra lên đây, lúc chị nếm thử và chị nhìn vào con người của em, chị tin nó là sự thật", Shark Liên chia sẻ và đề nghị đầu tư 4 tỷ đổi lấy 36% cổ phần của startup.

Shark Hưng cho biết ông đang có khá nhiều ý tưởng từ thương hiệu và kênh phân phối, thậm chí cả hương vị của sản phẩm có thể hỗ trợ startup nếu Tuấn Dương nhận deal. Shark Liên cho biết bà sẽ giúp cho startup rất nhiều về các kênh bán hàng, tuyên truyền và muốn đi đường dài cùng startup.

Tuấn Dương cho hay Hội đồng quản trị của anh đã họp và giới hạn cho anh mức không được vượt quá 30%. Do đó, anh đề xuất Shark Liên giảm tỷ lệ cổ phần xuống còn 30%.

Lúc này, Shark Liên cho biết bà và Shark Hưng sẽ cùng đầu tư 4 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần của startup. Shark Liên thuyết phục thêm rằng bà và Shark Hưng có cộng đồng rất lớn, có thể giúp startup phát triển mạnh.

Startup lại đưa ra đề xuất cuối: "Có thể các Shark sẽ vào với 36% nhưng em muốn xin phép sau 2 năm, cho em mua lại phần dôi lên 6% với giá gấp đôi".

Shark Hưng và Shark Liên đồng ý, khép lại thương vụ thành công.

Hoàng Thuỳ

Tin Cùng Chuyên Mục
“Tết nay phải khác” với Top 5 trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại Sơn Tiên

“Tết nay phải khác” với Top 5 trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại Sơn Tiên

Sơn Tiên – biểu tượng mới của ngành du lịch giải trí Việt Nam, đã và đang tạo nên sự khác biệt nhờ sự kết hợp giữa văn hóa, giải trí, và tâm linh. Với sự phát triển từ thương hiệu Suối Tiên, nơi đây đã trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi du khách, sẽ mang đến những trải nghiệm thật khác trong mùa tết năm nay.
Tin mới