(Tổ Quốc) - Với sự hỗ trợ từ Amazon Web Services - công ty con của Amazon chuyên về điện toán đám mây giúp việc xây dựng hệ thống vận hành ổn định, độ tin cậy cao, rút ngắn thời gian xây dựng sản phẩm Sổ Bán Hàng đi rất nhiều.
Công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, với nhiều công cụ ra đời giúp doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ giải hàng loạt bài toán khác nhau. Nhưng có một thành phần kinh tế dường như không được nhiều bên chú trọng trong cuộc cải cách lần này, đó là 16 triệu tiểu thương nhỏ, siêu nhỏ và siêu siêu nhỏ.
Đây cũng là lý do, Bùi Hải Nam, Đồng sáng lập, CEO Sổ Bán Hàng cùng với cộng sự, bắt tay viết những dòng code đầu tiên vào ngày 2/6/2021.
Nam cho biết ý tưởng về Sổ Bán Hàng ra đời vào tháng 5 năm ngoái, khi đại dịch quét qua và nhiều cửa hàng gặp khó khăn với hình thức bán mang về, thay vì mua bán tại chỗ như trước. Họ là những tiểu thương nhỏ lẻ, chưa từng biết đến thương mại điện tử, cũng không dám lên các nền tảng bán đồ ăn uống online của bên thứ 3 vì sợ tốn nhiều chi phí.
"Tôi và đội ngũ hạ quyết tâm sẽ ra mắt một sản phẩm để các tiểu thương, những người bán hàng nhỏ lẻ có thể sống sót qua đại dịch".
Ông Bùi Hải Nam, Đồng sáng lập, CEO Sổ Bán Hàng
Qua tìm hiểu, Nam xác định các tiểu thương đang gặp 4 vấn đề lớn dưới đây:
Thứ nhất, Covid thúc đẩy hình thức mua sắm online, khiến khách hàng đến cửa hàng ngày càng ít đi. Trong khi giới tiểu thương từ trước đến nay chỉ ngồi tại chỗ và đợi khách tìm tới.
Thứ 2, bên cạnh các cửa hàng nhỏ lẻ là những chuỗi bán lẻ hiện đại. Các chuỗi này mọc lên ngày càng nhiều và thu hút một bộ phận không nhỏ khách hàng, gián tiếp ảnh hưởng đến các tiểu thương.
Thứ 3, để cạnh tranh các tiểu thương cũng gặp trở ngại bởi cách làm việc truyền thống, ghi chép, quản lý mọi thứ đều trên giấy tờ, sổ sách, rất chậm chạp và khó quản lý.
Thứ 4 là vấn đề vốn. Nếu muốn có vốn để phát triển hoặc chỉ để duy trì kinh doanh, các tiểu thương không bao giờ có thể tiếp cận đến nguồn vốn của ngân hàng. Hầu hết họ sẽ vay ngoài với lãi suất theo ngày.
Từ đó, Sổ Bán Hàng ra đời, giúp các tiểu thương giải quyết cùng lúc 4 bài toán trên.
Cụ thể hơn, Sổ Bán hàng là một ứng dụng di động. Sau khi tham gia tiểu thương có thể tạo website cửa hàng riêng trên đây, trực tiếp bán hàng và tự in hóa đơn qua Bluetooth. Website này được tạo ra chỉ trong 2 phút nên chủ tiệm sẽ dễ dàng chia sẻ lên Facebook, Zalo…để khách đặt hàng ngay lập tức.
Ngoài ra, Sổ Bán Hàng còn có tính năng ghi lại hoạt động thu chi, mua bán trong ngày, giúp quản lý sổ sách bằng công nghệ thay vì ghi lại trên giấy. Cuối cùng, Số Bán Hàng đã bắt đầu kết nối với một số đối tác ngân hàng, giúp tiểu thương có thể tiếp cận giải pháp tài chính toàn diện, từ việc mở tài khoản ngân hàng, thanh toán đơn giản đến tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Đặc biệt, Bùi Hải Nam tiết lộ quá trình bên anh triển khai ý tưởng và cho ra mắt sản phẩm chỉ trong vòng 3 tuần, tức ngày 2/6 những dòng code đầu tiên được viết ra thì đến 24/6, Sổ Bán Hàng trình diện trước công chúng. Với sự hỗ trợ từ Amazon Web Services - công ty con của Amazon chuyên về điện toán đám mây giúp việc xây dựng hệ thống vận hành ổn định, độ tin cậy cao, rút ngắn thời gian xây dựng sản phẩm Sổ Bán Hàng đi rất nhiều.
"Dịch vụ của AWS ổn định và dễ sử dụng, bởi mọi thứ đều đã có sẵn ở đó. Trường hợp startup đi quá nhanh thì mình cũng không phải lo lắp thêm server mà mọi chuyện vẫn trơn tru. Chưa kể, chi phí sử dụng dịch vụ của AWS khá rẻ. Ban đầu startup còn nhỏ thì mình phải trả phí ít thôi, và mình cũng không cần đầu tư phần cứng, trung tâm dữ liệu,… thậm chí mình còn được phía AWS hỗ trợ chi phí đối với các công ty khởi nghiệp thông qua chương trình AWS Activate. Nhờ AWS, thời gian xây dựng sản phẩm Sổ Bán Hàng đã được rút ngắn đi hơn rất nhiều", CEO Bùi Hải Nam nhấn mạnh.
AWS Activate là chương trình hỗ trợ cho các startup như Sổ Bán Hàng rất nhiều lợi ích, bao gồm các khoản tín dụng AWS Credit, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn kiến trúc để giúp phát triển doanh nghiệp trong những chặng đầu tiên. Nhờ đó, về mức độ tăng trưởng, Nam tiết lộ chỉ trong chưa đầy 1 năm, Sổ Bán Hàng đã có hơn 200.000 tiểu thương tham gia. Trung bình 30.000 – 40.000 tiểu thương đăng ký mới mỗi tháng. Tổng số đơn hàng bán qua Sổ Bán Hàng là 1 triệu đơn/tháng, đem về doanh số 500 triệu USD mỗi năm.
Trên iOS và Google Play, ứng dụng được người dùng chấm 4,8/5 sao, mức điểm theo Nam là khá cao bởi hầu hết tất cả các phần mềm bán hàng khác cũng chỉ rơi vào khoảng 3,5.
Sổ Bán Hàng hiện vẫn miễn phí hoàn toàn cho người dùng. Trong kế hoạch của Nam, sau này dù có thu phí, con số đó cũng rất nhỏ bởi anh lý giải "mình thu nhiều thì họ lấy đâu ra tiền. Họ chỉ kinh doanh nhỏ lẻ nên lãi vài triệu đủ nuôi cả nhà thôi, Mình thu số đông nhưng thu mỗi người một ít". Thay vào đó, Sổ Bán Hàng xác định nguồn doanh thu chính sẽ từ các đối tác, những người muốn tiếp cận phân khúc tiểu thương trong hệ thống của Sổ Bán Hàng.
Startup hiện đã gọi 2 vòng vốn, trong đó vòng đầu là 1,5 triệu USD và vòng 2 là 2,5 triệu USD từ FEBE Ventures, Class 5, Trihill Capital và AlleyCorp cùng một số nhà đầu tư khác.
Ánh Dương