(Tổ Quốc) - "Người tiêu dùng sẽ trải qua việc dù ăn ở nhà hàng hay nấu tại nhà thì cũng đắt đỏ hơn trước tương đối nhiều", giám đốc của một công ty tư vấn tài chính nhận định.
Tại Mỹ, lạm phát đã tiếp tục leo thang trong tháng 3 khi giá tiêu dùng tăng 8,5%, theo Bộ Lao động nước này. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/1981, khiến chính phủ Mỹ phải mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược đồng thời nâng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá.
Theo CNBC, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 1,2% trong tháng trước, sau khi tăng 0,8% trong tháng 2. Khí đốt, thực phẩm và nhà ở là những yếu tố chính khiến lạm phát gia tăng.
Giá tăng chóng mặt
Đúng như dự đoán, giá khí đốt ở Mỹ đã tăng sau căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Cụ thể, nó đã tăng 18,3% trong khi trước đó, con số này vào tháng 2 chỉ là 6,6%. Vào tháng trước, giá 1 gallon (tương đương 3,7 lít) xăng tăng vọt lên 4,33 USD, gần gấp đôi so với tháng 1/2021. Do thiếu nguồn cung nhà ở, chi phí cho nơi ở tại Mỹ hiện đã tăng 5%, khiến giá cả trên thị trường nhà đất và nhà cho thuê tăng lên.
Ngoài giá khí đốt và chỗ ở, giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản cũng liên tục tăng ở xứ sở cờ hoa. Tháng trước, chỉ số giá lương thực đã tăng 1%, nâng tổng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 8,8%. Trong 6 tháng trước, giá lương thực tăng trung bình hàng tháng khoảng 0,8%.
Đáng chú ý, thực phẩm chế biến tại nhà hiện có giá cao hơn 10% so với cách đây 1 năm. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi nấu ăn ở nhà cũng không giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn là bao. Trong khi đó, chi phí trung bình hàng năm cho đồ ăn mang đi và bữa ăn tại nhà hàng đã tăng 6,9%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là các vấn đề như chuỗi cung ứng đứt gãy, thu hoạch bị gián đoạn và chi phí lao động tăng cao. Dưới đây là thống kê của CNBC về mức tăng của một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại Mỹ so với năm ngoái:
Bột và hỗn hợp bột đã chế biến: 14,2%
Bơ và bơ thực vật: 14%
Thịt, gia cầm và cá: 13,8%
Sữa: 13,3%
Trứng: 11,2%
Trái cây tươi: 10,1%
Bánh mì: 7,1%
Rau tươi: 5,9%
Matt Dmytryszyn, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Telemus, cho biết các cửa hàng tạp hóa dường như đã tích cực tăng giá hơn so với nhà hàng. "Nhà hàng có xu hướng điều chỉnh lại giá thực đơn định kỳ và sớm thôi, người tiêu dùng sẽ trải qua việc dù ăn ở nhà hàng hay nấu tại nhà thì cũng đắt đỏ hơn trước tương đối nhiều", ông nói thêm.
"Bão giá" đang khiến nhiều nhà hàng lao đao (Ảnh: Internet).
Theo Reuters, "bão giá" toàn cầu đang khiến hàng quán khắp thế giới rơi vào thế khó khi phải lựa chọn giữa việc thua lỗ để giữ chân khách hay tăng giá để bù đắp chi phí trong bối cảnh người dân còn chưa đi ăn nhiều như trước.
Khi nào lạm phát sẽ chững lại?
Theo CNBC, không ai biết chắc khi nào lạm phát tại Mỹ sẽ chậm lại, nhưng điều đáng chú ý từ một báo cáo CPI ngày 12/4 vừa qua là chỉ số đối với nhiều mặt hàng không phải thực phẩm và năng lượng chỉ tăng 0,3% trong tháng 3. Trong khi đó, tỷ lệ này vào tháng 2 là 0,5%. Như vậy, mọi thứ có thể đang giảm tốc độ và chững lại.
Để chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau khi đưa ra mức tăng 0,25% vào tháng 3 - lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Nguồn: CNBC
G.Vũ