(Tổ Quốc) - Ai cũng đều luôn tìm kiếm hạnh phúc, bằng cách này hay cách khác, đích đến là hạnh phúc vẫn không bao giờ thay đổi. Những rất nhiều người quan niệm nhầm rằng: Hạnh phúc đi liền với sự giàu có!
"Giá như chúng ta ngừng cố gắng để hạnh phúc, chúng ta có thể đã có một khoảng thời gian hạnh phúc."
Đó là câu nói của tiểu thuyết gia và người đoạt giải Pulitzer Edith Wharton (1862-1937). Nó thực sự chính xác. Bạn có thể nghĩ rằng mình không hạnh phúc trong khi thực ra hạnh phúc đang ở bên bạn. Tất cả chúng ta đều luôn tìm kiếm hạnh phúc, bằng cách này hay cách khác, đích đến là hạnh phúc vẫn không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều quan niệm sai lầm về hạnh phúc.
Định nghĩa về hạnh phúc
Có vô số những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi cá nhân. Tuy nhiên, xét theo phương diện khoa học, hầu hết các nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc của mỗi người đều chỉ ra rằng các yếu tố như sức khỏe, sự giàu có, tình trạng hôn nhân và ngoại hình,… đóng một vai trò rất ít quan trọng trong việc tạo nên hạnh phúc. Điều mà chúng ta vốn luôn nghĩ là sẽ tạo nên phần lớn thành công và hạnh phúc, khiến ta mải mê theo đuổi- hóa ra lại không quan trọng nhiều như ta nghĩ trong việc tạo nên cảm giác hạnh phúc.
Ví dụ, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát vài trăm công nhân tại 10 địa điểm việc làm khác nhau, hỏi họ cảm thấy hạnh phúc như thế nào trong khoảng thời gian 25 phút trong cả ngày làm việc. Bất ngờ là, những người có thu nhập cao hơn thực ra lại không hề hạnh phúc hơn những người thu nhập thấp hơn, thậm chí họ còn phải trải qua nhiều áp lực, căng thẳng và cảm xúc tiêu cực hơn. Những phát hiện như thế này đã liên tục được lặp lại trong hàng loạt nghiên cứu về mối quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc.
Nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng những người lạc quan, vui vẻ sẽ khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, thành công hơn và có nhiều mối quan hệ viên mãn hơn. Vì vậy, tất cả chúng ta có thể và nên học cách hạnh phúc hơn.
Tiền có đồng nghĩa với hạnh phúc?
Sự bằng lòng là một khái niệm linh hoạt, bằng lòng sẽ tùy thuộc vào việc ai đó biết thỏa mãn với những gì mình đang có. Phần lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc có được của cải không làm tăng hạnh phúc. Một người nào đó sống ở một quốc gia có GDP bình quân đầu người cao không phải sẽ hạnh phúc hơn trung bình so với những người tương đương ở một quốc gia nghèo hơn.
Khi bạn chỉ theo đuổi vật chất để kiếm tìm hạnh phúc, thời gian bạn dành cho việc nuôi dưỡng các mối quan hệ cá nhân, nuôi dưỡng tình cảm và các điều tích cực khác bị giảm xuống. Không bằng lòng với những gì mình đang có, bạn rơi vào cái bẫy của sự theo đuổi vật chất mà không biết điểm dừng.
Những người như vậy sẽ chỉ có cảm giác hạnh phúc tạm thời. Sự không bằng lòng và chỉ theo đuổi vật chất sẽ khiến bạn luôn cảm thấy thiếu thốn, không bao giờ là đủ, bạn sẽ luôn căng thẳng mệt mỏi để đạt tới mức của cải bạn cho là “đủ” mà quên đi những gì hiện có và các giá trị tốt đẹp khác trong cuộc sống, giống như câu nói của Mahatma Gandhi: "Trái đất cung cấp đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng không phải mọi lòng tham của con người."
4 cách để trở nên hạnh phúc hơn
1. Hòa đồng hơn
Nhìn chung, những người hạnh phúc dành ít thời gian ở một mình và nhiều thời gian để giao tiếp với người khác. Họ cũng có xu hướng hướng ngoại và dễ kết giao hơn so với những người không hạnh phúc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người hạnh phúc có mối quan hệ xã hội chặt chẽ bao gồm bạn bè và gia đình.
Theo Aristotle, con người là 'động vật xã hội' tìm kiếm sự đồng hành của người khác để đóng góp vào hạnh phúc của mình. Đây là một nhu cầu thiết yếu đối với sức khỏe. Những người nuôi dưỡng các mối quan hệ thân thiết gắn bó thường có khả năng đối mặt tốt hơn khi gặp những căng thẳng lớn trong cuộc sống như mất mát, mất việc hoặc bệnh tật.
Hơn nữa, trong các cuộc khảo sát, 'tình yêu' thường được các cá nhân nhắc đến như một yếu tố còn thiếu mang lại hạnh phúc cho họ. Như vậy, các mối quan hệ chất lượng tạo ra những tình cảm đáng quý mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn và là điều cần thiết để hạnh phúc.
2. Tìm các hoạt động khiến bạn tập trung
Có nhiều hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào những gì mỗi người giỏi hoặc yêu thích. Đó có thể là một hoạt động thể chất, một buổi sáng tạo, một buổi giải quyết vấn đề phức tạp hoặc thậm chí đàm phán một thỏa thuận kinh doanh. Nó cũng có thể là tập thể dục hoặc sở thích khiến chúng ta đạt được sự tập trung sâu sắc và cảm nhận được dòng chảy của thời gian, thấy ý nghĩa của cuộc sống, từ đó sống tích cực hơn.
Do đó, để nâng cao cơ hội cảm thấy hạnh phúc thường xuyên hơn, hãy cố gắng thử nghiệm nhiều sở thích và hoạt động đa dạng và phong phú cho đến khi bạn tìm thấy những sở thích và hoạt động tốt nhất khiến bạn thư giãn, tích cực lên mỗi ngày.
3. Sống có mục đích và có lòng vị tha
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao các tình nguyện viên tham gia các hoạt động tình nguyện lại cảm thấy hài lòng như vậy? Đó là bởi vì họ làm việc hướng tới mục đích lớn lao, điều này tạo ra hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Chúng ta hạnh phúc khi cảm thấy rằng chúng ta quan trọng và những gì chúng ta làm quan trọng.
Các phát hiện tâm lý chỉ ra rằng một khi các mục tiêu cá nhân phù hợp với việc tạo ra 'ý nghĩa' cho mình và cho cả người khác, chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn RẤT NHIỀU. Những hành động tốt, sống vị tha sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, giúp ta xây dựng và củng cố các mối quan hệ. Khi các mối quan hệ xung quanh ta đều tích cực và ý nghĩa, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời có thật nhiều điều tốt đẹp và bạn sẽ hạnh phúc.
4. Hướng đến sự cân bằng
Điều quan trọng là phải nhìn cuộc sống từ góc độ "toàn diện" để nâng cao và duy trì mức độ hạnh phúc. Một cách để đạt được cái nhìn tổng thể này là chia đều mối bận tâm cho từng lĩnh vực trong cuộc sống. Tập trung quá mức vào bất kỳ lĩnh vực đơn lẻ nào trong khi phớt lờ vấn đề khác sẽ khiến bạn không hạnh phúc.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng. Chẳng hạn, khi đang tập trung cho giai đoạn công việc, bạn bỏ bê sức khỏe tinh thần, điều này sẽ khiến bạn bực tức, nóng nảy, mệt mỏi và khiến cuộc sống của bạn không còn hoàn hảo.
Như vậy, tiền bạc, của cải không phải là mấu chốt dẫn đến hạnh phúc. Sự bằng lòng đối với hiện tại, trân trọng những điều mình đang có và hướng tới sự cân bằng chính là chìa khóa cho hạnh phúc dài lâu!
Theo Medium
Phương Thu