(Tổ Quốc) - Con cái lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc là niềm mong mỏi của mọi bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên những năm gần đây, nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ em ngày càng tăng cao khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng, bất an. Vậy nguyên nhân là gì?
Theo số liệu từ trang Cancer.net, nhìn chung, ung thư ở trẻ em và thanh thiếu niên là không phổ biến, chiếm ít hơn 1% trong tất cả các trường hợp ung thư ở Hoa Kỳ. Theo ước tính có khoảng 10.500 trẻ em dưới 15 tuổi và khoảng 5.090 thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong năm nay.
Ung thư ở trẻ em có nhiều loại và tỷ lệ sống sót ở mỗi loại là khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh ung thư?
1. Một số đột biến gen đã xảy ra trong thời kỳ mang thai
Hầu hết các bệnh ung thư ở trẻ em đều có yếu tố bẩm sinh, tức là trẻ bị đột biến gen khi vừa mới sinh ra. Ví dụ, nếu cha mẹ có tiền sử ung thư, gen và nhiễm sắc thể có khả năng được truyền sang cho thế hệ sau thông qua tế bào tinh trùng và tế bào trứng, điều này làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em. Ngoài ra, nếu người mẹ bị nhiễm vi-rút, tiếp xúc với bức xạ ion hóa hoặc hóa chất trong thời kỳ mang thai cũng sẽ tạo tiền đề khiến trẻ mắc bệnh ung thư.
2. Khói thuốc và formaldehyde là "sát thủ" đối với sức khỏe trẻ em
Trẻ em có thể là nạn nhân lớn nhất của khói thuốc. Khi đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, đặc biệt chức năng giải độc của gan chưa hoạt động tốt nên cơ thể trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn. Cần biết rằng các chất độc hại như nicotin, oxit, cacbon monoxit trong thuốc lá sẽ làm gia tăng khả năng bị bệnh ung thư máu, ung thư hạch và nhiều bệnh khác. Ngoài ra, chúng ta phải cảnh giác với chất formaldehyde trong cuộc sống, chất độc hại này từ các vật liệu trang trí cũng sẽ làm tăng khả năng trẻ em mắc bệnh ung thư.
3. Béo phì ở trẻ em có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư
Béo phì ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường mà còn làm tăng nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và ung thư ở trẻ sau khi trưởng thành. Trẻ béo phì thường có thói quen ăn uống không lành mạnh và lười vận động, điều này sẽ khiến khả năng phát triển ung thư càng tăng.
Nhìn chung, ung thư ở trẻ em là tương đối hiếm nhưng đây nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em, chỉ sau chấn thương. Đặc biệt trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ung thư ngày càng cao, các bậc cha mẹ nên cảnh giác và quan tâm hơn đến sự phát triển thể chất của trẻ, cùng trẻ xây dựng thói quen sinh hoạt, ăn uống tốt, để trẻ phát triển an toàn.
Ung thư giai đoạn đầu ở trẻ nhỏ sẽ có 7 dấu hiệu
1. Xanh xao và chảy máu không rõ nguyên nhân
Trẻ em có triệu chứng xanh xao và chảy máu không rõ nguyên nhân cần cảnh giác với bệnh bạch cầu. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hệ thống tạo máu ở tủy xương của trẻ, khiến trẻ bị thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt khi chức năng đông máu bất thường sẽ xuất hiện các vết bầm máu trên da hoặc các nốt xuất huyết.
2. Sốt không rõ nguyên nhân
Thông thường, cảm lạnh và sốt ở trẻ em có thể tự khỏi trong vòng vài ngày, nhưng bạn nên cảnh giác nếu sốt không rõ nguyên nhân và không thuyên giảm trong một tuần. Đặc biệt, khi nhiệt độ cơ thể dao động hoặc khó kiểm soát và việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và kháng sinh không hiệu quả, bạn cần đưa bé đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt để kiểm tra xem trẻ có mắc bệnh bạch cầu hoặc u nguyên bào thần kinh hay không.
3. Mắt có phản xạ bất thường với ánh sáng
Nếu nhãn cầu của trẻ phản xạ bất thường với ánh sáng, đồng tử trắng hay màu sắc lòng đen hai mắt khác nhau thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt càng sớm càng tốt để cảnh giác bệnh ung thư võng mạc.
4. Có thể sờ thấy cục u
Bố mẹ nên thường xuyên để ý đến tình trạng da của trẻ, đặc biệt nếu sờ thấy nổi cục ở cổ, nách, bụng, bẹn, thắt lưng thì cần xác định nguyên nhân càng sớm càng tốt.
5. Đầy hơi, nôn mửa
Thông thường, trẻ bị chướng bụng sẽ có biểu hiện khó chịu ở đường tiêu hóa như chướng bụng, nôn trớ. Bệnh sẽ thuyên giảm sau khi điều trị, tuy nhiên nếu các triệu chứng như chướng bụng, nôn trớ lâu ngày không biến mất thì cần đến bác sĩ để kiểm tra đường tiêu hóa. Các khối u ở đường tiêu hóa dễ gây tắc ruột, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
6. Các triệu chứng thần kinh
Trẻ bị nôn trớ đột ngột không rõ nguyên nhân kèm theo đi đứng không vững, đau đầu và tê bì mặt mày thì có thể có nguy cơ bị u nội sọ. Các khối u nội sọ có thể chèn ép dây thần kinh sọ não và gây ra triệu chứng đau đầu, nhất là khi tiểu não bị chèn ép khiến khả năng giữ thăng bằng kém và bước đi loạng choạng.
7. Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết nằm rải rác khắp cơ thể, tập trung nhiều nhất dưới cổ, nách, háng, ở giữa ngực và bụng. Khi bị vi khuẩn, vi rút xâm nhập thì hạch sưng to và sẽ nhỏ lại sau khi được điều trị chống nhiễm trùng kịp thời. Tuy nhiên nếu hạch sưng to mà không đau có thể đó là khối u do nhiễm vi rút.
Cha mẹ hãy ghi nhớ những điều này để nói không với ung thư ở trẻ em
Làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi ung thư? Trước vấn đề này, theo trang Toutiao cho rằng để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh ung thư, trước hết cha mẹ phải biết cách bảo vệ mình, tránh xa thuốc lá, không lạm dụng thuốc, rượu bia, và các chất độc hại trước và sau khi mang thai. Sau khi đứa trẻ được sinh ra an toàn, nên được khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện kịp thời những bất thường về thể chất của trẻ.
Cha mẹ cũng nên chú ý tạo môi trường sống tốt cho con cái, chẳng hạn nhà cửa phải thông thoáng, tránh sử dụng hoặc để xa các vật dụng có chứa formaldehyde khỏi tầm mắt của trẻ trong gia đình.
Điểm quan trọng nhất là cha mẹ nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ. Cho trẻ tránh xa đồ ăn vặt và ăn nhiều thức ăn tự nhiên như rau quả tươi, đồng thời chú ý đến khẩu phần ăn của trẻ để tránh thừa dinh dưỡng hoặc thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, khi trẻ bị cảm, sốt cần được điều trị kịp thời và đúng cách. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhiều hơn, duy trì thói quen ngủ đủ giấc, tâm trạng thoải mái, không nên tạo áp lực cho trẻ.
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở trẻ em ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, nhưng các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang vì điều này. Điều quan trọng là phải trang bị thêm nhiều kiến thức về sức khoẻ để cả gia đình đều khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn.
( Theo Toutiao)
Lê Anh