(Tổ Quốc) - Thanh khoản chứng khoán xuống thấp, không còn những phiên giao dịch 30.000-40.000 tỷ đồng, nghề môi giới cũng bước qua thời hoàng kim - thời mà những sinh viên mới ra trường cũng có thể cá kiếm 100-200 triệu đồng/tháng.
Kỷ nguyên tiền rẻ đã dần đến hồi kết khi gần đây hàng loạt ngân hàng đua tăng lãi suất. SaigonBank đã nâng lãi suất 12 tháng vượt 7,3% bằng mức trước dịch covid-19. Trong ngắn hạn, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh và chỉ số VN-Index đã giảm 16% so với đỉnh, thanh khoản cũng sụt giảm, dao động từ 11.000-17.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn đáng kể so với mức 30.000-40.000 tỷ đồng/phiên của cuối năm 2021. Với diễn biến kém thuận lợi như vậy, nghề môi giới chứng khoán ít nhiều đang chịu ảnh hưởng.
Năm 2020-2021 là giai đoạn đỉnh cao của nghề môi giới khi rất nhiều môi giới chứng khoán lâu năm hay mới ra trường đều kiếm được thu nhập "khủng" nhờ làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập và dòng tiền rẻ từ việc hạ lãi suất của các nhà băng ồ ạt vào thị trường chứng khoán. Chứng khoán Việt Nam lần lượt chinh phục mốc thanh khoản tỷ USD, có phiên hơn 2 tỷ USD. Đây là thời kỳ hoàng kim của nghề môi giới.
Khi đó, một giám đốc môi giới chứng khoán thuộc Công ty chứng khoán top 4 của thị trường nói với chúng tôi rằng, rất nhiều các bạn trẻ mới ra trường nhưng năng động, bắt được nhịp thị trường đã có thu nhập 50-100 triệu đồng/tháng, thậm chí một số xuất sắc có thu nhập 100-200 triệu đồng/tháng.
"Thời điểm hoàng kim nhất của thanh khoản bùng nổ, một môi giới thuộc công ty có thu nhập 500 triệu đồng/tháng dù tuổi đời còn rất trẻ. Nghề môi giới không quan trọng thâm niên, tuổi tác, lương thưởng phụ thuộc vào doanh số, hoa hồng. Do đó, có rất nhiều bạn trẻ tận dụng được thời điểm bùng nổ thanh khoản kiếm rất nhiều tiền", vị giám đốc môi giới chia sẻ.
Thu nhập tốt, tuổi đời nghề ngày càng được trẻ hoá. Cuối năm 2021, nghề môi giới chứng khoán trở thành ngành nghề cực kỳ hot, dễ kiếm tiền, có vị thế tốt. Làn sóng khoe nhà, khoe xe, hàng hiệu, khoe mua đất… của một bộ phận tầng lớp môi giới chứng khoán nở rộ. Tiền dễ kiếm đã khiến cho người môi giới chứng khoán tạo ra một vỏ bọc lấp lánh để xã hội nhìn vào trầm trồ.
"Năm 2021 đến nay mọi người đã chứng khiến một cơn sốt về chứng khoán, môi giới chứng khoán cũng được hưởng lợi nhiều nên thu nhập rất cao trên 100 triệu đồng/tháng là chuyện nhiều môi giới đạt được. Từ đó nhiều môi giới đã sử dụng phương thức "lấy tài sản vật chất" tạo vị thế cho bản thân mình. Chuyện ấy, chẳng có gì xấu cả, nhất là khi rất nhiều bạn môi giới đã phải làm việc rất vất vả và áp lực để có được thành quả. Việc tự thưởng cho bản thân mình những món đồ xa xỉ cũng là lẽ đương nhiên", anh Trương Thanh Toàn, Giám đốc khối Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ.
Thanh khoản thị trườn giảm mạnh so với cuối năm 2021
Chứng khoán những ngày đầu tháng 6 sau một nhịp giảm sâu 16% so với đỉnh, thanh khoản khá èo uột. Trước đó, theo thống kê của HOSE, giá trị giao dịch cổ phiếu sàn HOSE đạt 14.950 tỷ đồng trong tháng 5/2022, giảm 32,4% so với tháng 4/2022.
Trong tháng 5, HOSE ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt hơn 14,95 ngàn tỷ đồng và 540,22 triệu cp, giảm 32,4% về giá trị và 20,98% về khối lượng so với tháng 4.
Giai đoạn đỉnh của của chứng khoán dần qua, nghề môi giới cũng chịu ảnh hưởng, thu nhập có phần giảm sút. Giờ đây, môi giới chứng khoán đang trở về mặt đất với nhiều thứ áp lực phải đối mặt.
Thứ nhất, thu nhập giảm đáng kể. Nhiều môi giới cho biết thu nhập từ nghề môi giới gần đây đã giảm một nửa so với cuối năm 2021. Và nếu như thanh khoản tiếp tục sụt giảm, thu nhập còn có xu hướng giảm tiếp. Lý do là thị trường không có sóng, nhà đầu tư ít giao dịch.
Thứ hai, áp lực lớn đến từ phía khách hàng thua lỗ. Khi thị trường lên, nghề môi giới được trọng vọng vì giúp khách hàng kiếm được tiền nhưng khi thị trường xuống, phần đông tất cả đều thua lỗ. Lúc này nhiều trường hợp người môi giới bị khách hàng trách móc vì mất tiền, áp lực từ nghề rất lớn.
Thứ ba, áp lực đến từ chính bản thân thua lỗ. Phần lớn môi giới chứng khoán đều đầu tư chứng khoán, thu nhập từ nghề sau khi trang trải phí sinh hoạt của gia đình đều dồn vào đầu tư chứng khoán. Do đó, áp lực thua lỗ, kẹp hàng của chính bản thân cũng rất lớn.
"Thu nhập giảm một nửa so với cuối năm 2021 vì thanh khoản đợt này rất thấp mọi người đều biết rồi. Song, thu nhập giảm mình cũng không thấy áp lực bằng việc nhìn tài khoản của khách hàng bị mất tiền mỗi ngày. Nhiều khi chỉ là khoản lỗ nhỏ mình khuyên cắt lỗ nhưng rất nhiều khách hàng không có thói quen cắt lỗ nên họ giữ cố, đến khi lỗ lớn quá thì không thể nào cắt lỗ được nữa đành gồng lỗ, mà gồng thì vô cùng áp lực cho cả mình và khách hàng. Nghề môi giới là thế, khi khách hàng được tiền mình vui, khi họ mất tiền mình cũng buồn lắm. Môi giới nào cứ khoe lãi trong lúc thị trường xuống đánh bóng tên tuổi là chính, thị trường xuống ai cũng lỗ quan trọng ít hay nhiều thôi", chị Hoàng Lan, một môi giới chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ.
Một môi giới có thâm niên 15 năm trong nghề chia sẻ: "Phải mất 20 năm mới có mức thanh khoản bùng nổ của năm 2021, đó chính là đỉnh cao của nghề môi giới mà phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể trở lại, tôi cũng chưa biết chính xác là bao giờ chỉ biết rằng thời kỳ hoàng kim của nghề môi giới với thu nhập tốt, kiếm tiền dễ đã qua. Năm qua nhiều môi giới trẻ ngoài thu nhập từ doanh số môi giới còn tranh thủ bán sách, bán khoá học, mở room vip thu phí mỗi thành viên 5-10 triệu đồng/năm, đánh uỷ thác ăn chia với khách...tận dụng triệt để kiếm tiền nên thực tế thu nhập của nhóm này rất khủng. Tuy nhiên, khi thị trường lên thì ai cũng đúng - ai cũng thành chuyên gia, khi thị trường xuống mới biết năng lực thật sự của bản thân môi giới. Giờ mở room vip, bán khoá học…cũng ế dài ra đó".
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cũng cho rằng việc nghề môi giới đã đi qua thời kỳ kiếm tiền dễ. Ông cho biết năm 2020-2021 rất nhiều bạn môi giới chứng khoán đã nhanh nhạy kiếm tiền cực kỳ tốt từ việc nhà đầu tư F0 ồ ạt gia nhập, doanh số phí hoa hồng tăng cao đột biến. Cùng với đà đi lên của thị trường nhiều môi giới tranh thủ cá kiếm tốt từ bán khoá học, bán sách, mở room Vip kiếm tiền tỷ. Song, thị trường vào giai đoạn khó, nghề môi giới cũng chịu áp lực thu nhập giảm, việc bán khoá học và mở room Vip thời điểm này khó kiếm tiền hơn rất nhiều so với năm 2021.
Anh Minh