(Tổ Quốc) - Đoạt giải nhất Viet Solutions 2020, Phạm Thanh Toàn, đồng sáng lập MiSmart nói rằng giải thưởng chủ yếu giúp startup biết được “vị trí của mình ở đâu”. Những lời tư vấn, mối quan hệ với các startup đối thủ hay trải nghiệm từ cuộc thi mới là đáng quý nhất.
Năm 2020, Mismart - Giải pháp xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái, vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions 2020. Trước gần 350 giải pháp về chuyển đổi số tới từ 23 quốc gia, Mismart được đánh giá cao với sự đột phá, giải quyết được bài toán khó là áp dụng khoa học, công nghệ vào thay đổi nông nghiệp nước nhà.
Trải qua gần một năm, Phạm Thanh Toàn, cofounder của MiSmart, chia sẻ điều lớn nhất họ có được từ cuộc thi không phải là số tiền thưởng mà chính là những trải nghiệm trong suốt cả quá trình, những đóng góp của ban giám khảo và cả những cơ hội hợp tác với những startup công nghệ khác.
"Tham dự cuộc thi, chúng tôi được các anh chị trong ban giám khảo góp ý từ mô hình kinh doanh tới ý tưởng phát triển sản phẩm hay cách thức trao đổi, gặp gỡ với các nhà đầu tư. Tôi vẫn nhớ những chia sẻ của anh Tài (Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động) về cái tầm, cái tâm của lãnh đạo; anh Trí (Vũ Minh Trí – Phó TGĐ VNG) nói về mô hình kinh doanh…. Đó đều là những kiến thức rất quý giá và thú vị", Phạm Thanh Toàn chia sẻ.
Theo anh Toàn, những ngày tham dự cuộc thi chính là quãng thời gian mang lại giá trị lớn nhất chứ không phải giải thưởng. Dẫu vậy, việc được ghi nhận cũng rất có ý nghĩa khi nó cho startup biết được vị trí ở đâu cũng như mang lại những cú huých về truyền thông, quảng bá thương hiệu để sản phẩm đến gần hơn với người dùng.
"Sau cuộc thi, chúng tôi đã phát triển một mẫu máy bay không người lái mới dựa theo những gì chắt lọc được từ quá trình tham dự Viet Solutions 2020. Chúng tôi đặt tên nó là Demeter VS20. Demeter là tên vị Thần Nông theo thần thoại Hy Lạp trong khi VS20 là viết tắt của Viet Solutions 2020", Toàn cho biết.
Kể từ đó, MiSmart đã mở rộng xưởng ở khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chính Minh với một mô hình được đầu tư bài bản. Việc được nhiều người biết tới hơn sau khi giành giải của cuộc thi năm 2020 cũng giúp MiSmart thuận lợi hơn trong việc quảng bá hình ảnh cũng nhu tuyển dụng nhân tài. Hoạt động cũng được mở rộng ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn như xác định lỗi trên đường dây cao thế.
Sự tiến bộ về thương hiệu cũng thúc đẩy những thành tựu về doanh thu. Toàn dự tính năm nay, MiSmart có thể thu về 1 triệu USD. Tuy nhiên, giá linh kiện, vật liệu tăng trên quy mô toàn cầu có thể tác động tới hoạt động của một doanh nghiệp như MiSmart.
"Một con drone (máy bay không người lái) cần 50 linh kiện khác nhau. Trong tình cảnh cuộc khủng hoảng thiếu bao trùm, việc đặt linh kiện cần được tính toán để tiến hành sớm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang làm chủ một số công nghệ của sản phẩm để gia tăng sự chủ động", Toàn chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Toàn, quy mô của MiSmart đã tăng 500% so với trước cuộc thi. Mô hình vườn ươm "3 Nhà": Nhà nước, tập đoàn lớn và giải pháp của startup đã chứng minh được hiệu quả, nhất là với những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, vốn thiếu cả nguồn vốn, kinh nghiệm và cơ hội.
Bên cạnh việc góp ý, giúp startup trở nên hoàn thiện hơn, cuộc thi cũng tạo ra cơ hội để các giải pháp gặp được nhau và bắt tay phát triển một sản phẩm Make in Vietnam quy mô và hữu ích hơn. MiSmart và Á quân Map 4D đã bắt tay với nhau để lập bản đồ số cho nông nghiệp.
"Chúng tôi gặp gỡ và trao đổi ngay trong thời gian tham dự Viet Solutions 2020 nhưng phải đến sau Tết, dự án phối hợp mới bắt đầu được triển khai. Nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện, đếm lượng cây trồng trước khi Map 4D sử dụng AI để lập bản đồ số nông nghiệp của một số địa phương. Người thụ thưởng sẽ là chính bà con nông dân, cơ quan quản lý hay các nhà xuất khẩu, giúp đối tác nước ngoài hiểu chính xác nhất về sản phẩm họ nhập khẩu", Toàn chia sẻ.
Với những lợi ích Viet Solutions mang lại, anh Toàn cho rằng các startup hãy "mạnh dạn đi thi vì rất có thể, sẽ tìm thấy sự phù hợp ở một mảnh ghép nào đó". Ngay chính quá trình chuẩn bị tham dự cuộc thi cũng là dịp để các startup nhìn lại toàn bộ hoạt động của mình, từ ý tưởng sản phẩm, mô hình kinh doanh tới đội ngũ nhân sự. Ngay cả khi không đoạt giải thì những trải nghiệm từ cuộc thi vẫn rất đáng quý.
Ngày 10/6/2020, Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions 2021" chính thức được khởi động. Khác với năm 2020, Viet Solutions 2021 không chỉ tìm kiếm các Sản phẩm/ứng dụng CNTT đã hoàn thiện mà còn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo, đột phá trong 10 lĩnh vực: Y tế/Giáo dục/Tài chính – Ngân hàng/Nông nghiệp/Giao thông vận tải – Logistics/Năng lượng/Tài nguyên – Môi trường/Sản xuất công nghiệp và Quản lý Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã tổng hợp đề xuất của Bộ Thông tin truyền thông và các Tổng công ty của Viettel để đưa ra danh sách những bài toán cụ thể cần tìm kiếm lời giải làm chủ đề cho cuộc thi. Thêm một điểm mới so với năm 2020, đó là cuộc thi năm 2021 sẽ có 3 vòng: Vòng sơ loại (Inovative): từ 15/05 - 15/08/2020; Vòng đấu loại (Caring): từ 06/09/2021 - 18/09/2021; Vòng chung kết (Passionate): dự kiến diễn ra vào ngày 20/09/2021.
Viet Solutions 2021 là mô hình vườn ươm đặc biệt cho các startup công nghệ: Nhà nước, Tập đoàn lớn, Giải pháp của Startup. Đây cũng là lý do Viet Solutions có sức hấp dẫn đặc biệt bởi vai trò "bà đỡ kép", giúp các startup trưởng thành nhanh chóng sau cuộc thi cùng cơ hội thị trường rộng lớn.
Tất cả các đội tham gia cuộc thi đều có cơ hội ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Viettel và hưởng phần chia lợi nhuận lên tới 75%. Bên cạnh đó, 10 đội được lựa chọn từ vòng đấu loại sẽ tham gia khóa đào tạo nâng cao kỹ năng khởi nghiệp tại Camping days ở Học viện Viettel do các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đến từ các trường đại học kinh tế hàng đầu như Harvard, Quỹ đầu tư thiên thần quốc tế và các CEO danh tiếng làm mentor.
Thu Hà