(Tổ Quốc) - Hơn cả sự giàu có hay tiền bạc, món quà đáng quý ta có thể để lại cho thế hệ mai sau chính là không khí trong lành để thở, đại dương xanh mát để vẫy vùng hay những cánh rừng bạt ngàn vượt xa hơn tầm mắt…
Sống "xanh" vì một thế giới tốt đẹp và bền vững hơn
Một buổi sáng tháng 4 năm 1961, từ phi thuyền ngoài không gian, phi hành gia Gagarin trả lời qua bộ đàm rằng "tôi thấy Trái đất rồi, nó đẹp tuyệt" trong sự vỡ oà của đồng nghiệp dưới mặt đất. Đó là lần đầu tiên, con người được chiêm ngưỡng địa cầu từ một góc nhìn hoàn toàn khác và nhận ra mọi sự sống xung quanh, kể cả chúng ta đều là một phần đẹp đẽ của Trái đất.
Nhìn lại 20 năm qua, một trong những bước tiến lớn nhất về vấn đề bảo vệ môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung là nhận thức của phần lớn "công dân trái đất" đã thực sự thay đổi. Nếu như vào năm 2000, việc tập hợp 500 người để cùng suy nghĩ và nói về phát triển bền vững đã là một thành tựu thì chỉ gần đây thôi, chúng ta chứng kiến 25.000 người, bao gồm cả các bậc lãnh đạo, các nhà đàm phán, phái đoàn ngoại giao và báo chí đến từ khắp quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) để bàn luận và đưa ra các giải pháp, dự luật thúc đẩy phát triển và bảo vệ môi trường bền vững.
Không chỉ vậy, trong khía cạnh kinh tế, nhu cầu và cảm tình của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và thương hiệu "xanh" cũng ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo báo cáo của CONE (2017), 87% khách hàng cho biết muốn mua sản phẩm từ công ty có nhiều hoạt động vì môi trường. Vào tháng 4 năm 2021, Google cũng chứng kiến sự tăng vọt về số lượng từ khóa tìm kiếm liên quan đến lối sống bền vững, lên đến 4,550%.
Tuy nhiên, giữa thay đổi về nhận thức và hành động vẫn là một khoảng cách lớn. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của toàn thế giới, đặc biệt là giới doanh nghiệp bởi họ là những người đang trực tiếp tạo ra và đưa một lượng lớn sản phẩm vào đời sống mỗi ngày.
Đã có một thời gian dài, doanh nghiệp nói rất nhiều về "chiến lược xanh" song khi thực hành lại chưa thể đưa ra được giải pháp đáng tin cậy. Cần phải hiểu rằng, phát triển bền vững không phải chỉ là đưa ra một "tuyên bố" như tên gọi hay giá cả của sản phẩm. Đó phải là "hành động thực tế" và "cam kết có dẫn chứng" của doanh nghiệp. Nếu không, doanh nghiệp sẽ dễ bị coi là đang "greenwashing" (thuật ngữ chỉ các chiêu trò tiếp thị, quảng cáo "mượn xanh" nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp hơn là có hành động trong thực tiễn). Và trên thực tế, luôn có một lằn ranh mỏng manh giữa bảo vệ môi trường thực sự và cách làm "greenwashing". Điều quan trọng là những người lãnh đạo, với cái tâm làm kinh doanh cùng tầm nhìn xa rộng về tương lai sẽ biết cách tự "gánh vác" trách nhiệm này cho riêng mình, để định hướng doanh nghiệp phát triển đúng đắn, bền vững.
Ngân hàng ACB và nỗ lực "xanh" từ nội bộ
Tại Việt Nam, ACB được biết đến là một trong những ngân hàng dành nhiều nỗ lực và bắt đầu hành trình bền vững từ rất sớm. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trần Hùng Huy, ACB đã đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành trọng tâm của phát triển bền vững thông qua loạt chiến dịch, dự án dài hạn. Năm 2014, ACB chính thức phát động chương trình "Gần Lại O" với mục tiêu ban đầu là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cho 15.000 nhân viên ACB. Từ đó, khuyến khích họ thay đổi thói quen ảnh hưởng tới môi trường trong đời sống hàng ngày. Đến năm 2018-2020, ACB chọn một hướng đi chính và tập trung cho "Gần Lại O" là giảm rác thải nhựa, hạn chế dùng đồ dùng nhựa một lần nhằm góp phần giảm lượng rác thải nhựa tại Việt Nam.
Sau 8 năm thực hiện, ngân hàng đã tiết giảm 22,7 triệu tờ giấy in bằng dự án số hoá quy trình nội bộ, 90% trong tổng số 12.000 nhân viên ACB đã từ bỏ đồ nhựa dùng một lần. Trong dịch vụ khách hàng, ngân hàng ACB cũng đã thay thế hàng nghìn túi nilon bằng 1,2 triệu túi vải, hơn 25 nghìn các bộ dụng cụ thân thiện với môi trường đã được cung cấp, cùng hàng loạt chiến dịch thu gom rác khác được chính người ACB tự nguyện thực hiện tại địa phương,... Bên cạnh đó, ngân hàng ACB còn tài trợ cho tổ chức Fauna and Flora International (FFI) để bảo vệ loài voọc quý hiếm tại Việt Nam từ năm 2015; hợp tác với các tổ chức WWF, Change, WildAid trong nhiều hoạt động môi trường khác.
Chia sẻ về hành trình ý nghĩa của Gần Lại O, ông Huy cho biết: "Mỗi hành động bảo vệ môi trường ngày hôm nay sẽ là món quà ý nghĩa trong tương lai. Tôi và ACB chỉ đang làm phần việc của mình, từ những hành động nhỏ nhất, để góp phần giữ gìn một Trái Đất sạch hơn, một thế giới ít ô nhiễm hơn cho thế hệ mai sau. Với tôi, điều đó quý giá hơn tất thảy của cái vật chất trên đời".
Không chỉ gói gọn trong nội bộ ngân hàng, ACB còn tổ chức nhiều hoạt động thú vị, tạo điều kiện để các em nhỏ có cơ hội tìm hiểu và trân quý thiên nhiên, trái đất hơn.
Mặc dù "Gần Lại O" đạt được kết quả ban đầu khá ấn tượng nhưng ít ai biết rằng chủ trương của ông Huy từng không được nhiều người ủng hộ, kể cả lãnh đạo cấp cao. Khảo sát nhanh tại ACB khi đó cho thấy chỉ 6% người được hỏi quan tâm tới biện pháp bảo vệ môi trường do Chủ tịch HĐQT phát động. Và cứ thế, từng chút một, ông Huy kiên trì tổ chức hàng loạt hoạt động truyền thông trong nội bộ về tác dụng của việc không dùng chai nhựa một lần… Ba tháng sau, tỷ lệ quan tâm khi khảo sát lại lên tới 70%.
Giải thích về nỗ lực này, ông Huy chia sẻ: "Khi quyết tâm đặt bảo vệ môi trường là một phần trong lộ trình phát triển bền vững của doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp phải ‘xanh’, phải ‘bền vững’ ngay từ bên trong. Tôi muốn đưa tinh thần đó vào văn hoá, vào từng con người ACB, không phải chỉ hô hào mà là hành động thực tế. Chỉ có như vậy, mọi người mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa trên hành trình mà chúng tôi đã và đang theo đuổi."
Với những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, ACB đặt mục tiêu tiếp tục lan tỏa việc bảo vệ môi trường đến khách hàng ACB và cộng đồng, nối dài hành trình 29 năm phát triển cùng những tư tưởng đổi mới của thế hệ lãnh đạo đương thời. "Tôi mong rằng những gì ACB đang làm sẽ lan toả được đến cộng đồng, để mỗi cá nhân và doanh nghiệp cũng "xanh" như chúng tôi, hoặc thậm chí hơn thế nữa. Và cuối hành trình ấy, di sản chúng ta để lại không chỉ là vật chất mà sẽ là một không khí trong lành để thở, đại dương xanh ngát để vẫy vùng hay những cánh rừng bạt ngàn vượt xa hơn tầm mắt cho thế hệ mai sau", ông Huy tâm sự.
Bên cạnh các chiến dịch bảo vệ môi trường, tầm nhìn và khát vọng của vị chủ tịch còn được khắc họa rõ nét trong hoạt động phát triển sản phẩm. Theo đó, ngân hàng ACB luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến những giải pháp tốt nhất cho khách hàng, tiêu biểu phải kể đến thẻ ACB Visa Infinite mới được phát hành vào tháng 3 vừa qua.
Lấy cảm hứng từ lối suy nghĩ "vì thế hệ mai sau", thẻ ACB Visa Infinite không chỉ là dòng thẻ cao cấp nhất toàn cầu, được phát hành giới hạn, mà còn là sự trân quý của ACB dành cho khách hàng doanh nhân - những người chọn cho mình sứ mệnh đóng góp, để lại di sản tốt đẹp cho đời. Theo đó, từng đặc quyền của thẻ Visa Infinite đều được ACB cẩn thận lựa chọn, đặt trọn tâm tư vào góc nhìn của khách hàng để mang đến những giá trị khác biệt cho cả khách hàng và những người thân yêu.
ACB tin rằng mỗi nhà lãnh đạo sẽ có một mục tiêu khác nhau và hành trình phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp cũng vậy. Sẽ có doanh nghiệp tập trung vào giảm thải nhựa nhưng cũng có những doanh nghiệp đầu tư công nghệ để mang đến nguồn năng lượng sạch cho thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả, họ đều chọn nỗ lực vì mục tiêu chung. Và trên hành trình đó, ACB mong muốn được đồng hành để cùng kiến tạo những di sản quý giá, nơi mỗi nỗ lực sẽ mang lại giá trị trường tồn và góp phần tạo dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Ánh Dương