Chiều ngày 26/04/2024, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (Tập đoàn DIC, HoSE: DIG) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Tất cả nội dung quan trọng trong hoạt động SXKD năm 2023 và kế hoạch SXKD năm 2024 đều được ĐHĐCĐ nhất trí thông qua.
Sẵn sàng nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm năm 2024
Ông Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DIC phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DIC chia sẻ: "Trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản giai đoạn 2022 - 2023, nhờ vào chiến lược linh hoạt của HĐQT và Ban Điều hành cùng kinh nghiệm ứng phó qua nhiều cuộc khủng hoảng, Tập đoàn DIC đã đạt trạng thái cân bằng và tích luỹ nguồn lực để tăng tốc trong năm 2024".
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DIC trình bày báo cáo của HĐQT năm 2024.
Theo báo cáo kết quả hoạt động SXKD năm 2023 của Tập đoàn DIC, tổng doanh thu Hợp nhất đạt 1.337 tỷ đồ ng ; Lợi nhuận trước thuế Hợp nhất đạt 166 tỷ đồng ; Tổng vốn đầu tư phát triển công ty Mẹ đạt 1.124 tỷ đồng .
Ông Nguyễn Quang Tín – Tổng Giám đốc Tập đoàn DIC trình bày báo cáo hoạt động SXKD năm 2023 và kế hoạch SXKD năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Tín – Tổng Giám đốc Tập đoàn DIC khẳng định: "Kết thúc năm 2023, Tập đoàn DIC đã từng bước vượt qua giai đoạn đáy của thị trường bất động sản với hàng loạt tín hiệu lạc quan: nguồn tiền gửi nghìn tỷ đồng, hoàn thành thu xếp vốn trên 4.000 tỷ đồng, tăng tổng tài sản từ 14.747,8 tỷ đồng lên 16.827,6 tỷ đồng, mở ra cơ hội huy động cho dự án quy mô lớn một cách chủ động, tạo tiền đề thuận lợi cho năm tài chính 2024".
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng
Trên cơ sở kết quả SXKD năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch SXKD năm 2024 với tổng doanh thu Hợp nhất: 2.300 tỷ đồng (tăng 72% so với thực hiện năm 2023); lợi nhuận trước thuế Hợp nhất: 1.010 tỷ đồng (tăng 508,9% so với thực hiện năm 2023);
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 của Tập đoàn DIC là 7.211,8 tỷ đồng (tăng 541% so với thực hiện năm 2023), trong đó đầu tư các dự án 6.400,7 tỷ đồng, đầu tư tài chính: 811,08 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn nhóm dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý. "Toàn bộ các dự án đầu tư phải được tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành, được tổ chức giám sát chặt chẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư", Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín nhấn mạnh.
Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đặt mục tiêu thu hồi quỹ đất sạch lớn nhất từ trước đến nay và có từng giải pháp cụ thể đối với mỗi dự án.
Kế hoạch phát hành 410,5 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ
ĐHĐCĐ đã thống nhất việc tăng vốn điều lệ thông qua 4 phương án phát hành cổ phiếu, bao gồm: chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu; phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm từ 4 phương án trên là 410,5 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 6.099 tỷ đồng lên 10.203 tỷ đồng.
Mục đích của việc tăng vốn nhằm huy động thêm nguồn lực để Tập đoàn DIC triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quy mô lớn.
Đối với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, Tập đoàn DIC dự kiến phát hành tối đa 30,49 triệu cổ phiếu, bao gồm 15,24 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 2,5%) và 15,24 triệu cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn cổ phần (tỷ lệ 2,5%).
Đối với việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Tập đoàn DIC dự kiến chào bán tối đa 200 triệu cổ phiếu với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động tối đa 3.000 tỷ đồng. Số tiền huy động theo phương án này sẽ được sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu phát hành trong năm 2021: 900 tỷ đồng; bổ sung vốn đầu tư dự án Cap Saint Jacques - GĐ 2&3 (TP. Vũng Tàu): 1.135 tỷ đồng và bổ sung vốn đầu tư dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang): 965 tỷ đồng.
Đối với việc phát hành cổ phiếu ESOP, Tập đoàn DIC dự kiến phát hành tối đa 30 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,9% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường (tính đến ngày 31/12/2023). Giá chào bán cổ phiếu ESOP là 15.000 đồng/cổ phiếu và đối tượng được mua là cán bộ, người lao động Tập đoàn. Toàn bộ số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm.
Đối với việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ, Tập đoàn DIC dự kiến chào bán tối đa 150 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán dự kiến sẽ không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, lượng nhà đầu tư dự kiến tham gia mua sẽ ở dưới mức 100 nhà đầu tư. Toàn bộ số cổ phiếu được phát hành theo phương án này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tổng số tiền huy động được từ đợt chào bán này dự kiến ở mức 3.000 tỷ đồng và sẽ được Tập đoàn DIC sử dụng cho đầu tư dự án Khu nhà ở Lam Hạ Center Point (tỉnh Hà Nam): 1.000 tỷ đồng và dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (TP.Vĩnh Yên): 2.000 tỷ đồng.
Tất cả tờ trình đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Những kế hoạch được Tập đoàn DIC trình ĐHĐCĐ phê duyệt được kỳ vọng tạo cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực để tăng trưởng bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành Top 5 Tập đoàn Bất động sản hàng đầu Việt Nam.