Trên hành trình thực hiện hai mục tiêu là phát triển bền vững và kinh doanh đột phá, Tập đoàn TH đã kiến tạo nên một hình mẫu, một câu chuyện đầy cảm hứng và nhiều bài học, kinh nghiệm thực tiễn về thực hành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trong các cuộc tranh luận của giới học thuật và chính phủ các quốc gia về làm thế nào để thích ứng với một tương lai nơi tài nguyên ngày càng cạn kiệt và đối mặt với nhiều bất ổn về môi trường, tất cả đều đồng tình rằng lời giải cho nhân loại là chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế xanh chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên, đi kèm với kinh tế tuần hoàn được mô tả là chu trình sản xuất khép kín, nơi vật liệu, chất thải của quá trình sản xuất trước được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, trở thành tài nguyên đầu vào của chu trình sản xuất mới, loại bỏ tác động tiêu cực đến sinh thái, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đã được một số doanh nghiệp chú ý triển khai và trong hơn 10 năm trở lại đây đã ghi nhận một số điểm sáng. Các doanh nghiệp này đã gây dựng được hình mẫu và thành công nhờ có tư duy "phát triển bền vững" ngay từ những ngày đầu khởi dựng.
Tiên phong khai mở con đường sữa tươi sạch thông qua các hoạt động sản xuất bền vững, Tập đoàn TH tuân thủ các nguyên tắc của mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ngay từ đầu khi triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao trị giá 1,2 tỷ USD tại Nghệ An vào năm 2009.
Dự án hiện sở hữu đàn bò 70.000 con, riêng tại Nghệ An đang sử dụng 8.100 ha đất canh tác, với các cánh đồng thuộc chuỗi sản xuất xanh khép kín, tuần hoàn theo quy trình "từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch", từ khâu trồng nguyên liệu, chăn nuôi bò cho đến sản xuất, chế biến.
Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hài hòa ở cả 3 yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường, một trong những điều Tập đoàn TH chú trọng là đầu tư và triển khai những công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, đảm bảo hai mục tiêu: kiểm soát chất lượng hàng đầu và giảm thiểu tác động đối với môi trường. Các công nghệ hàng đầu thế giới đang được ứng dụng tại TH có thể kể đến như: hệ thống quản lý đàn bò tiên tiến Afimilk của Israel; quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; hệ thống phần mềm kiểm soát phối trộn, lập khẩu phần thức ăn 1-One, DNS; và các quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn TH, sản phẩm phụ và rác thải của một quy trình sẽ không bị loại bỏ mà tiếp tục trở thành tài nguyên của quy trình khác, giảm phát thải, tăng cường vòng đời của nguyên vật liệu, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Một trong những chu trình hiệu quả nhất mà TH xây dựng là hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Phế phẩm này không bị thải loại mà trở thành nguyên liệu đầu vào của Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, từ đó quay trở lại đồng ruộng hoặc cung cấp ra thị trường.
Quá trình xử lý chất thải chăn nuôi còn tạo ra khí biogas, được tái tạo thành điện năng quay trở lại phục vụ cho các nhà máy hoạt động. Nguồn điện từ biogas và pin năng lượng mặt trời lắp trên mái các nhà máy, trang trại TH hiện có thể cung cấp khoảng 10-20% tổng năng lượng điện mà tập đoàn cần, tùy theo mùa. TH kỳ vọng tỷ lệ năng lượng xanh tự sản xuất sẽ tăng trong những năm tới và tiến tới tự cung tự cấp.
Năng lượng tái tạo từ điện mặt trời trên mái trang trại cũng giúp giảm phát thải 5.000 tấn CO2/năm. Năm 2022 bình quân phát thải ở Nhà máy sữa tươi TH true MILK giảm mạnh xuống còn 0,103 kg CO2/đơn vị sản phẩm, mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Ở TH, công nghệ xử lý chất thải hiện đại hàng đầu đã giúp giảm thiểu được ít nhất 70% khí metan. Bên cạnh đó, ba nhà máy xử lý nước thải công suất lớn, hiện đại tại các cụm trang trại TH có khả năng xử lý và thu hồi hàng nghìn m3 nước mỗi năm.
Hoàn thành cả hai mục tiêu phát triển bền vững và kinh doanh đột phá, kết thúc năm 2023 vừa qua, TH đạt mức tăng trưởng hai con số ấn tượng, tiếp tục nằm trong top 2 thương hiệu và sản phẩm sữa được người tiêu dùng thành thị lựa chọn nhiều nhất (theo báo cáo của Kantar).
Thời điểm TH true MILK xuất hiện trên thị trường, ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn quen với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy chuẩn đồng bộ. Dự án của Tập đoàn TH là bước đi táo bạo, chấp nhận tốn kém ngay từ đầu để mang đến mô hình sản xuất không chỉ có chất lượng quốc tế mà còn chú trọng kiểm soát quá trình tác động đến môi trường.
Khó khăn của công ty đến từ việc bản thân là người khai phá, tiên phong, không có hình mẫu đi trước, làm những việc chưa từng có tiền lệ.. Vào thời điểm khởi dựng 2008 - 2009, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa quy mô công nghiệp công nghệ cao của TH đã bị hoài nghi sẽ thất bại, bởi quá nhiều rủi ro cũng như nguồn kinh phí đầu tư quá lớn.
Tuy nhiên, bằng định hướng và sự đầu tư bài bản, chuẩn mực, cùng sự kiên tâm với con đường sữa tươi sạch, "hoàn toàn từ thiên nhiên", "vì sức khỏe cộng đồng", chọn lựa phương thức đúng đắn và "đứng trên vai người khổng lồ" - mang về Việt Nam những công nghệ chăn nuôi, sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới, TH đã cho thấy nông nghiệp công nghệ cao và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là khả thi ở Việt Nam.
"Để TH thành công như ngày hôm nay, ngoài quyết tâm và khát vọng của nhà đầu tư thì chính tư duy, tầm nhìn về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến, quản trị tiên tiến, đầu tư bài bản về công nghệ ngay từ đầu, là những yếu tố quan trọng nhất", ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định.
Phân hữu cơ do TH tự sản xuất từ nguồn chất thải trang trại.
Ngoài những yếu tố trên, kim chỉ nam mang lại cho sự thành công cho dự án là tầm nhìn và sứ mệnh xuyên suốt mà Tập đoàn TH đề ra từ đầu: Đặt lợi ích riêng của công ty nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Không tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận mà là hài hòa lợi ích. Đây là lời cam kết không phải dễ dàng đối với bất cứ doanh nghiệp khởi sự nào khi ấy.
"Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phát triển bền vững là rất tốn kém nhưng vẫn quyết tâm làm. Chúng tôi chủ động đầu tư bằng cách lựa chọn những công nghệ tối ưu nhất để đảm bảo mục tiêu mang đến ly sữa chuẩn quốc tế nhưng vẫn gìn giữ môi trường", ông Tal Cohen - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH chia sẻ.
Sau 15 năm, TH true MILK được đánh giá là đã làm nên cuộc cách mạng trong ngành sữa Việt Nam nói riêng và ngành sản xuất nói chung, khi mang đến một hình mẫu lý tưởng, một câu chuyện cảm hứng và nhiều bài học kinh nghiệm về mô hình kinh tế tuần hoàn đi đôi với thành công thương mại.
"Chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh tương lai của nông nghiệp Việt Nam khi cả thế giới hướng đến xanh hơn, sạch hơn, tử tế, an bình hơn, và trong thế giới đầy biến động, đầy mâu thuẫn, thay đổi không lường trước được, nền tảng của sự bền vững này trở nên hết sức mạnh mẽ, vượt lên trên câu chuyện nông sản đơn thuần", TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nói về câu chuyện truyền cảm hứng của TH.
Thành công nói trên của Tập đoàn TH cũng là câu trả lời cho các doanh nghiệp về sự băn khoăn giữa hai phương án: Làm kinh tế tuần hoàn ngay từ đầu hay đợi đến khi đủ nguồn lực. Mô hình của Tập đoàn TH cho thấy phương án đầu tiên có thể là lựa chọn thích hợp bởi các công ty chủ động ngay từ khởi điểm sẽ không phải "đổi lái giữa chừng", tiết kiệm chi phí sau này.
Theo nhận định của ông Sơn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần những người tiên phong để thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng bước theo.
"Dự án của TH tại Nghệ An đã tạo ra ly sữa đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam và bước đầu đạt được các mục tiêu về kinh tế tuần hoàn, giảm tối đa các tác động đối với môi trường. Kế hoạch tiếp theo mà chúng tôi đã và đang thực hiện là chia sẻ các giải pháp này với người nông dân cũng như nhân rộng mô hình, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng hành cùng chính phủ hướng tới Net Zero như cam kết của Việt Nam tại COP26", ông Tal Cohen khẳng định.