(Tổ Quốc) - Trước tình trạng lượng giao dịch chứng khoán trên sàn HOSE liên tục tăng trong năm 2020 và đầu năm 2021 dẫn đến nghẽn lệnh liên tục trong nhiều tuần, ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HOSE cho biết, sẽ có nhiều giải pháp tình thế được áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cũng như sớm đưa vào thử nghiệm "kế hoạch 100 ngày" để sớm cải thiện tình trạng này.
Trong bản tin Tài chính – Kinh doanh của VTV1, ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc Sở GDCK TP HCM (HOSE) đã chia sẻ về một số giải pháp khắc phục mang tính chất tình thế, cũng như lộ trình hợp tác với FPT, đưa vào thử nghiệm "kế hoạch 100 ngày" nhằm sớm giải quyết tình trạng nghẽn lệnh.
Về vấn đề nhiều nhà đầu tư bức xúc việc không thể đặt lệnh mua cổ phiếu dù giá đặt cao hơn mức giá nhìn thấy trên bảng giá, nhưng vẫn có hàng nghìn cổ phiếu đâu đó được khớp, ông Trà giải thích: "Điều này liên quan đến thiết kế và thuật toán về mặt phân bổ lệnh của hệ thống giao dịch hiện tại. Các CTCK trong Top 20, 30 vốn dĩ là các CTCK có thị phần lớn, có số lượng lệnh giao dịch lớn nhất trên thị trường thì sẽ chịu tình trạng bị quá tải sớm nhất trên thị trường.
"Rất rõ ràng rằng đó là cơ chế phân bổ lệnh đó là thuộc tính của thiết kế và tính năng của hệ thống giao dịch. Đó là điều mà hiện nay đội ngũ IT của chúng ta không thể can thiệp để có thể thay đổi.
Đối với các CTCK nhỏ hơn, khi lượng lệnh phân bổ gần 3000 lệnh cho họ ngay từ đầu ngày có thể họ chưa dùng hết. Do vậy, khi mà tình trạng nghẽn diễn ra ở một số công ty chứng khoán lớn thì tại một số các công ty chứng khoán nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường."
"Áp dụng lô 1.000 với cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng sẽ giúp giảm hơn 20% số lệnh trên thị trường"
Theo ông Trà, việc áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch lên 1.000 với cổ phiếu có thị giá thấp và giữ nguyên lô 100 với các cổ phiếu có thị giá cao còn cần lưu ý về khoảng thị giá và tác động cụ thể của từng giải pháp.
Cụ thể, nếu đặt một mức thị giá quá thấp cho lô 1000 thì tác động của giải pháp là không lớn. Theo tính toán của HOSE, nếu tất cả đều áp dụng lô 1.000 chúng ta sẽ giảm được khoảng 40 đến 50% số lệnh, nghĩa là hệ thống gần như tăng gấp đôi; giả sử dùng mốc 30.000 đồng/cổ phiếu để ngăn cách. Nếu áp dụng lô 1.000 cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì HOSE sẽ giảm được khoảng hơn 20% số lượng lệnh.
"Rõ ràng là khó có giải pháp tình thế nào có thể trọn vẹn. Vậy nên rất có thể chúng ta sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp tình thế cùng một lúc. Điều đó sẽ giúp cho việc quá tải của hệ thống được giải quyết một cách hiệu quả hơn", ông Trà nói.
Đối với các hồ sơ niêm yết mới, ông Trà cho biết, đây đều là những doanh nghiệp đã hoàn tất nghĩa vụ, thủ tục niêm yết trước đây. Do đó, thay vì từ chối, HoSE sẽ giải thích cho doanh nghiệp hiểu rằng họ sẽ tạm thời giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) trong lúc chờ khắc phục hệ thống nghẽn lệnh. Hiện Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và 2 Sở giao dịch đã thống nhất cách làm này để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài những giải pháp tình thế như nâng lô, chuyển giao dịch HNX…, HOSE đang phối hợp với FPT xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Theo ông Trà, đây là giải pháp mang tính tối ưu về thời gian triển khai và rủi ro về góc độ hệ thống, hơn nữa không tác động, không đặt ra những yêu cầu thay đổi đối với các CTCK.
"Với tất cả những phân tích, đánh giá, khảo sát cụ thể thì FPT đang tự tin đưa ra một giải pháp đâu đó khoảng 3 đến 4 tháng. Hiện nay, chúng tôi đang đặt một kế hoạch tương đối tham vọng, gọi là ‘kế hoạch 100 ngày’"
"Thời gian qua, hai bên cũng đã thực hiện những bước đi đầu tiên. Dự kiến khoảng 7 - 10 ngày nữa có thể bắt đầu tiến hành thử nghiệm phiên bản đầu tiên. Tôi xin nói rõ rằng đó là kế hoạch thử nghiệm tính năng của hệ thống khớp lệnh và sẽ chỉ dừng lại trong phạm vi nội bộ, để đảm bảo rằng mọi tính năng của hệ thống được thực hiện một cách trôi chảy.", ông Trà cho biết thêm.
Diệu Anh