Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng Trường Hải (THACO) vẫn tăng trưởng với tổng sản lượng và doanh thu 2022 dự kiến vượt trên 40% so với trước dịch. Điều gì giúp THACO "vượt bão" ngoạn mục như thế? Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Tập đoàn THACO.
Thưa ông, 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua rất khó khăn nhưng Tập đoàn Trường Hải (THACO) vẫn có những bứt phá ngoạn mục trong sản xuất và kinh doanh. Vậy yếu tố nào đã giúp doanh nghiệp "lội ngược dòng" và đi qua "cơn bão" một cách ngoạn mục như thế?
Như bạn biết đấy, THACO khởi đầu là một doanh nghiệp buôn bán và sửa chữa ô tô được thành lập vào năm 1997, đến nay sau 25 năm chúng tôi đã phát triển thành một Tập đoàn công nghiệp đa ngành gồm 6 Tập đoàn thành viên, đó là: THACO AUTO (ô tô), THACO AGRICULTURE (Nông nghiệp), THACO INDUSTRIES (Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ), THADICO (Đầu tư và xây dựng), THISO (Thương mại và dịch vụ), THILOGI (Logistics). Trong quá trình phát triển, lãnh đạo của THACO luôn chú trọng vào việc thay đổi và nâng cấp công nghệ, chúng tôi luôn ý thức phải "đổi mới sáng tạo" không ngừng, sẵn sàng vượt qua các thách thức do bối cảnh bên ngoài tác động.
Khoảng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua là một thách thức rất lớn của tất cả cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có THACO. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây cũng là cơ hội để THACO tập trung tái cấu trúc, nâng cấp về quản trị, đổi mới mô hình kinh doanh, trong đó chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Với nền tảng đã được xây dựng trong 25 năm qua cùng nỗ lực củng cố, kiện toàn và nâng cấp quản trị trong thời gian đại dịch nên ngay khi dịch vừa được kiểm soát, chúng tôi đã bắt kịp đà phục hồi sản xuất kinh doanh.
Vậy thì cụ thể trong việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của mình, THACO đã tập trung vào những điểm nhấn nào?
Điểm nhấn đầu tiên đó chính là "con người". Muốn chuyển đổi số thì trước hết con người phải có kỹ năng số, phải có kỹ năng quản trị và liên tục cải tiến các quy trình sản xuất dựa trên các hạ tầng kỹ thuật số.
Chúng tôi quan niệm: "Công nghệ không thể thay đổi được công ty mà công ty phải thay đổi để ứng dụng được công nghệ". Vì thế, khi chuyển đổi số thì chúng tôi tập trung đầu tiên vào nguồn nhân lực, phải làm sao cho đội ngũ từ quản lý cấp cao, cấp trung cho đến từng nhân viên của Tập đoàn đều luôn có ý thức không ngừng đổi mới sáng tạo, chúng tôi luôn có hình thức khen thưởng cho những nhân viên đưa ra được giải pháp, sáng kiến để cải tiến công việc. Tiếp đó chúng tôi tập huấn, cập nhật kỹ năng số, năng lực quản trị cho nhân sự. Song song đó, chúng tôi cũng liên tục nâng cấp hạ tầng công nghệ, thiết bị máy móc, quy trình sản xuất... để hướng tới xây dựng những nhà máy thông minh, khu công nghiệp thông minh.
Khi chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thì có những khó khăn, thách thức nào đặt ra với một doanh nghiệp lớn như THACO?
Thách thức lớn nhất, vì chúng tôi là một doanh nghiệp có một quá trình phát triển trên 25 năm nên đã ứng dụng rất nhiều công nghệ khác nhau, cho nên làm sao để nâng cấp công nghệ đồng bộ trong cùng một lúc là rất khó. Chúng tôi phải có lộ trình làm từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, chọn một mô hình mẫu, ví dụ như chọn nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng làm trước, sau đó áp dụng cho các nhà máy khác.
Trong quá trình đó, chúng tôi cũng đào tạo nguồn nhân lực để có thể cùng một lúc vừa triển khai sản xuất, lắp ráp vừa sản xuất linh kiện phụ tùng và các công nghiệp hỗ trợ khác.
Có một thực tế là công nghệ của thế giới phát triển và thay đổi không ngừng. Một công nghệ hôm nay đang mới nhưng ngày mai đã có thể trở nên lạc hậu và bị thay thế bởi một công nghệ mới hơn. Vậy thì làm sao mình thích ứng hoặc chọn lựa được một công nghệ cho phù hợp?
Chúng tôi chọn mô hình phát triển ứng dụng công nghệ dạng mô-đun hóa trên một nền tảng, nhiều ứng dụng (one platform, multiple apps) làm sao để khi mà công nghệ thế giới thay đổi thì chúng ta có thể tiếp tục nâng cấp bằng cách phát triển tiếp những mô-đun khác vào nền tảng hiện có. Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà cung cấp phần mềm phải cam kết điều này với chúng tôi.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã đồng hành cùng rất nhiều sự kiện về hỗ trợ chuyển đổi số, đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp, điển hình như việc trở thành nhà tài trợ của Diễn đàn Cách tân Công nghiệp ngày hôm nay. Vì sao doanh nghiệp và bản thân ông lại dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực này như vậy?
Sứ mệnh của chúng tôi là mang lại giá trị cho khách hàng, cho đối tác, cho xã hội và đóng góp phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ. Một trong những trách nhiệm xã hội mà chúng tôi luôn tâm niệm đó là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với chúng tôi để có thể làm đối trọng với các các tập đoàn lớn của nước ngoài. Đồng thời cũng là để chúng ta xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp, để cùng phát triển trong thời đại số hiện nay một cách bền vững. Khi tất cả mọi người cùng nhận thức và cùng hành động thì sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế của đất nước phát triển.
Với kinh nghiệm của mình cũng như của Tập đoàn Trường Hải (THACO), ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi số và đầu tư công nghệ cao?
Trước hết hãy cân nhắc xem một đồng đầu tư vào chuyển đổi số thì mang lại hiệu quả gì? Nếu mà không có hiệu quả thì không nên đầu tư. Còn nếu hiệu quả gấp 10 lần thì hãy nên đầu tư. Theo tôi thì đầu tư công nghệ và chuyển đổi số là nên và cần thiết. Các doanh nên xem đây là chiến lược đầu tư dài hạn và lãnh đạo các doanh nghiệp cần xây dựng được lộ trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ phù hợp nhất đối với doanh nghiệp của mình.
Xin cảm ơn vì những chia sẻ rất hữu ích vừa rồi.
prlayout.cnnd.vn