(Tổ Quốc) - Nhà thiết kế Thái Công nhận mình là một người kỹ tính, thích mặc vest và có thói quen lựa chọn làm việc với khách hàng mà anh thấy thoải mái, thay vì để ý đến tiền công.
"Tôi thương má lắm!"
Tôi biết anh xuất thân trong một gia đình khá giả ở TP HCM phải không?
Tôi sinh ra và lớn lên ở TP HCM (lúc đó là Sài Gòn) cho đến tận năm 8 tuổi mới chuyển tới Đức. Ba tôi mở hãng chuyên sản xuất dầu gội và keo xịt tóc, tên Lê Lang 999, duy trì từ năm 1960 đến năm 1975, chuyên cung cấp cho các tiệm uốn tóc tại Việt Nam. Hồi ấy không có siêu thị, sản phẩm về tóc không bán đại trà mà muốn mua người ta đều phải đến tiệm, còn Lê Lang 999 lại rất nổi tiếng, nhất là với khách hàng lớn tuổi.
Ba sinh năm 1908, mất năm 99 tuổi. Ba má chênh lệch nhau 36 tuổi, nếu ngày nay thì chắc thành big scandal, nhưng ba má tôi lại chứng minh điều ngược lại. Má cưới ba lúc mới 20 tuổi, còn ba 56 tuổi, hai người sống hạnh phúc với nhau tới chết. Tôi chưa bao giờ nghe thấy hai người lớn tiếng với nhau. Ba rất phúc hậu, lại hiền; má là một người chi tiết, sang trọng. Lúc đó má hay đi các hội nghề nghiệp ngành tóc nên chưng diện cực kỳ đẹp. Má bới tóc, xách bóp đầm vào những năm 60-70, ba sánh đôi mặc áo vest, thắt cà vạt, rất là phong cách.
Tôi thương má lắm. Là con út trong nhà, hai anh lớn tuổi hơn nhiều, chị lại có gia đình riêng, tôi chỉ có bạn trai, nên tôi và bạn trai hay dẫn má đi chơi nhiều nơi.
NTK Thái Công và mẹ. Ảnh: NVCC.
Ba của NTK Thái Công. Ảnh: NVCC.
Anh giống ba hay giống má nhiều hơn?
Tôi cũng không chắc mình ảnh hưởng nhiều bởi tính ba hay má, nhưng có lẽ là từ má nhiều hơn. Má là người tỉ mỉ, khó tính trong ăn uống. Tôi chưa thấy người nào mà khó ăn như má. Má không ăn đồ sống, đồ rửa nước lạnh, nước mắm hay mắm nêm. Điều lạ là dù không ăn mắm sống nhưng má làm nước mắm chua ngọt chấm chả giò cực kỳ ngon mà không cần thử. Má nấu các món khác cũng rất ngon. Người rất ngộ nhỉ?!
Có lẽ vậy nên tôi chịu ảnh hưởng bởi má rất nhiều. Tôi rất là sợ dơ. Từ hồi nhỏ, ở Việt Nam, nhà có rất nhiều loại ly chén nếu không có miếng lót bên dưới là bị la rồi (vừa nói vừa nhấc đế ly nước bên cạnh). Tách phải được đưa kèm đĩa lót, đưa tách không là không được.
Một cửa hàng Thái Công tại TP Thủ Đức (TP HCM).
Nếu để ý, khi đi máy bay, hạng thương gia sẽ được phục vụ dụng cụ ăn bằng kim loại, bằng sứ; ngồi hạng phổ thông thì ăn bằng đồ nhựa. Bởi vậy, dao nĩa là một ví dụ "nói chơi" nhưng nó phản ánh được đẳng cấp cuộc sống của chúng ta. Thực tế từ bản thân tôi, khi dùng đồ mắc tiền, thì sẽ quý nó hơn, cũng kỹ càng hơn và vì thế cũng ít làm bể hơn. Bởi vậy, tôi hay nói không xài đồ rẻ, kém chất lượng vì tôi rất hà tiện. Tôi sợ phải mua đi một món đồ nhiều lần vì nhanh hỏng, và điều đó làm tôi cảm thấy rất phí phạm. Khi mình có những yêu về cầu chất lượng cuộc sống cao hơn, các chi tiết trong cuộc sống tỷ mỹ hơn, thì sẽ tìm cách để làm công việc tốt nhất, phục vụ cho những yêu cầu của chính mình.
Ở Nhật, chúng ta thấy họ làm gì cũng có lý do, từ việc bán một trái táo cũng được bọc lại bằng giấy, cho đến cái bát cũng được thiết kế chỗ để gác thìa ở miệng bát. Họ suy nghĩ thấu đáo từng chi tiết. Đó là điều rất đáng học hỏi. Giống như các vật dụng trong phòng này, tôi sắp xếp tất cả đều có ý nghĩa và có lý do trong lối sống, chứ không sắp đặt một cách ngẫu nhiên. Trong nội thất, nếu một món đồ để đâu, thì phải trả lời được lý do về cách sắp đặt đó.
Kỹ tính như thế có mệt mỏi quá không?
Không đâu, bạn chỉ cảm thấy mệt mỏi nếu đó không phải là lối sống của bạn, nhưng vì một lý do nào đó bạn phải cố tạo ra phong cách sống đó, thì sẽ cảm thấy mệt mỏi. Còn khi đã là thói quen phong cách sống thật sự, thì nó khiến bạn thoải mái và tự tin, cho dù bạn đi đến bất kỳ đâu trên thế giới. Nhiều người có con nhỏ, nhà cửa lúc nào cũng bề bộn, liền nghĩ mua nội thất rẻ, đồ nhựa cho đỡ hư, bể. Nhưng sau này khi nó lớn, dùng đồ thủy tinh thì nó lại không quen và cũng có thể làm bể. Thực tế, khi tôi làm nhà đẹp cho nhiều khách, những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình đó từ nhỏ, với lối sống chỉnh chu, được hình thành thói quen từ bé nên sẽ quen với phong cách sống đó, chuyện làm hư hỏng đồ có khi hiếm xảy ra. Khi đã là thói quen thì sẽ hình thành tiêu chuẩn cho mình và cho những người xung quanh mình. Tiêu chuẩn rõ ràng làm cuộc sống thoải mái, ai cũng biết mình muốn gì và mình cũng biết mình muốn gì.
Nhưng không phải cứ đồ đắt thì sẽ tạo nên trải nghiệm tốt. Giữa ly pha lê Saint Louis 300 USD bị mẻ và ly thủy tinh 3 USD thì bạn chọn ly nào? Tôi thì sẽ chọn ly 3 USD vì nó trọn vẹn. Kể cả bán nhà hàng, ly cà phê 80.000 đồng trong cái tách 300 USD mà mẻ thì cũng không dùng được.
"Tôi không cố thuyết phục khách hàng"
Việc sang Đức đã đưa anh đến với ngành thiết kế nội thất phải không?
Tôi học giỏi các môn nghệ thuật và toán hơn, nhưng ghét học thuộc lòng. Tôi nhớ hồi nhỏ, có lúc học dở, ba tôi từng kiếm cái thùng doạ cho tôi đi bán thuốc lá. Tôi phải hứa với ba sẽ không học dở nữa.
Dù nghiêm khắc về chuyện học, ba má lại chưa từng cấm cản tôi làm việc mình thích, chỉ khuyên bảo. Vào đại học, tôi chọn học thiết kế thời trang. Học mất 4 năm, nhưng chưa bao giờ làm nghề. Ra trường, tôi làm fashion stylist cho các nhiếp ảnh gia tạp chí thời trang, sau đó chuyển hẳn sang làm nhiếp ảnh, mở phòng triển lãm.
Lúc mở triển lãm ảnh, hình chụp bởi nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng rất kén khách mua, vì họ thích mua tranh vẽ nghệ thuật hơn. Sau đó tôi mang thêm đồ nội thất vào bày, khách thấy cái hình đó với bộ bàn ghế đó hợp, nên mua cả hình lẫn đồ.
Và ngay lập tức bán đồ xa xỉ?
Việc kinh doanh nội thất cũng phải qua nhiều giai đoạn, không phải dễ dàng bán hàng xa xỉ ngay từ đầu, vì lúc mới mở lấy đâu ra vốn. Quá trình đó nói tóm tắt chỉ trong vài câu, nhưng thực tế thì diễn ra trong cả hơn 10 năm, chứ không hề có trong ngày một, ngày hai. Ban đầu tôi chọn đồ rẻ, dễ bán dễ mua, như cái ly 3 EUR thì có cả nghìn người mua, chứ ly 300 EUR thì chắc gì đã có lấy một khách hàng. Sau đó, cửa hàng bán xen kẽ sản phẩm đắt tiền với sản phẩm bình dân, lâu dần người ta chịu mua, sau đó chuyển hẳn sang bán đồ sang.
Có khá nhiều chuyện hay trong suốt 10 năm thay đổi tệp khách hàng và mục tiêu phục vụ của tôi. Tôi nhớ có lần một nữ khách hàng mới lập gia đình, thường xuyên đến tiệm tôi xem và mua đồ một mình. Lúc ấy, cô ấy lựa nhiều sản phẩm và rất thích phong cách của tôi. Những sản phẩm lúc đó tôi cung cấp cũng thuộc hàng tốt nhưng không phải quá đẳng cấp, như một cây đèn bàn giá khoảng tầm 300 USD. Tôi gợi ý cho khách hàng này một số đồ trang trí nhà, mỗi món cũng tầm giá đấy.
Nhưng điều ngạc nhiên là một hôm cô ấy đi cùng ông chồng, sau khi xem vài sản phẩm do vợ mình lựa chọn, ông ấy mới bảo: "Sao lại mang mấy món đồ rẻ tiền này về nhà làm gì vậy?". Lúc đó tôi giận lắm và cảm thấy tự ái vô cùng vì khi mà mình làm cho rất nhiều khách hàng trước đó nhưng chưa từng gặp ai nói như vậy. Tôi tự hỏi vị khách này là ai mà sao lại nói vậy? Vì một cái ghế giá vài trăm đô la đâu có phải rẻ.
Nhưng sau 20 năm làm nghề này tôi mới hiểu, ông chồng của cô khách hàng ấy là một gia đình quý tộc tại Đức, yêu cầu về cuộc sống rất cao và họ tìm tất cả những gì tốt nhất cho cuộc sống của mình. Vì vậy, thời điểm đó, những sản phẩm tôi có chưa đáp ứng được yêu cầu của họ.
Để được Thái Công thiết kế nội thất, có khách hàng phải chi đến cả triệu USD. Anh làm cách nào để khiến khách sẵn sàng chi nhiều tiền đến vậy?
Tôi không cố thuyết phục khách hàng mua đồ của mình vì tôi tin rằng chất lượng sẽ đi mãi với thời gian, và mỗi sản phẩm đều có một giá trị nhất định. Đến độ tuổi này của nghề, tôi có thể lựa chọn những gì phù hợp với bản thân mình trong cả cuộc sống, lẫn kinh doanh, và tôi sẽ chọn hợp tác cùng những người mà tôi thấy quá trình làm việc giữa hai bên luôn ngập tiếng cười, và sự thoải mái.
Với anh, đẹp là gì?
Đẹp trong mắt tôi là tinh tế, nghệ thuật và có trí thức. Không chỉ đẹp con mắt, mà còn tiện nghi và chất lượng. Tôi tin rằng nếu không có kiến thức về một lĩnh vực nào, và những trải nghiệm thực tế, sẽ không bao giờ phân biệt được giá trị của một sản phẩm. Nội thất cũng như vậy, cần có kiến thức và những trải nghiệm để hiểu được đâu là những sản phẩm nội thất tinh tế và đẳng cấp.
Vậy mặc vest có phải là một tiêu chuẩn đẹp của anh không?
Vest đã thành thói quen của tôi, là một phần trong cuộc sống. Đôi lúc chiếc áo vest của tôi đem đến nhiều ý kiến, nhưng với tôi nó là một điều hết sức bình thường khi tôi đã lớn lên với phong cách đó ở châu Âu hơn 40 năm. Mặc đồ đối với tôi là thể hiện sự tôn trọng bản thân mình, và tôn trọng người khác. Hy vọng những người trẻ Việt Nam sống trong thời đại phát triển kinh tế tốt, văn minh, hiểu biết nhiều sẽ xem việc mặc vest là bình thường. Mặc vest cũng đẹp mà, phải không?
Dy Khoa, Ảnh: Việt Thành, Thiết kế: Minh Tuấn