(Tổ Quốc) - Xếp ở vị trí thứ 6 trong số những doanh nhân nữ tự thân giàu nhất Mỹ của Forbes, Thai Lee là một trong những cái tên ít được biết đến nhưng nổi bật với giá trị tài sản khổng lồ 4,1 tỷ USD.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Amherst, Lee nói: "Tôi nhận thấy mình chỉ có thể thành công khi điều hành công ty riêng". Lee đã đạt được thành công bằng cách đoán định trước xu hướng và phát triển kinh doanh theo một con đường chắc chắn và ổn định.
SHI International được cho là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lớn nhất ở Mỹ. Ảnh: SHI
Nữ doanh nhân 64 tuổi này là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của SHI International, một nhà cung cấp CNTT tập trung vào việc thiết kế các chiến lược điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu và người dùng cuối. Công ty đã đạt doanh thu kỷ lục 12,3 tỷ USD chỉ trong năm 2021.
SHI có 15.000 khách hàng, bao gồm cả Boeing và AT&T, với hơn 30 năm hoạt động. Có trụ sở chính tại Somerset, New Jersey và với các trung tâm hoạt động chính ở Austin, Texas và Milton Keynes, Vương quốc Anh, nhưng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, SHI được xếp hạng một trong số 15 nhà cung cấp giải pháp CNTT lớn nhất Bắc Mỹ.
Lee và chồng cũ của bà đã mua lại SHI vào năm 1989 với giá dưới 1 triệu USD. Công ty từng là một nhà bán lại phần mềm không thành công vào thời đó tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Lee, bà đã xoay chuyển tình hình kinh doanh, hoạt động ổn định và tạo ra hàng trăm việc làm cho cộng đồng.
Người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên tốt nghiệp Harvard
Thai Lee sinh ra ở Bangkok, sau đó lớn lên ở Hàn Quốc trước khi chuyển đến Mỹ cùng chị gái năm 15 tuổi để học trung học.
Bà học tại trường Cao đẳng Amherst của Massachusetts và có bằng "kép" về sinh học và kinh tế. Theo trang web chính thức của trường, Lee đã trở thành doanh nhân thành công nhất của Amherst từ trước đến nay.
Lee thậm chí còn thú nhận rằng bản thân học về sinh học và kinh tế để có thể tránh các lớp học viết và nói tiếng Anh vì thời điểm đó, tiếng Anh của bà chưa tốt.
Tuy nhiên, kể từ đó, bà đã có một chặng đường dài nỗ lực và thành công. Bên cạnh vị trí tỷ phú của mình, Lee cũng đã được nhận bằng khen từ trường cũ - bằng tiến sĩ danh dự khi Amherst ra mắt danh hiệu này vào năm 2014.
Không chỉ vậy, bà còn nhận được bằng MBA danh giá của Trường Kinh doanh Harvard. Với bằng MBA tại đây, Lee đã trở thành người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên tốt nghiệp từ Hardvard nổi tiếng.
Cha là người đã dạy cho Lee "sức mạnh của giáo dục"
Thai Lee và gia đình. Ảnh: @ jspujji / Twitter
Thai Lee ly hôn chồng và sống cùng hai cô con gái ở Lebanon, New Jersey trong hai mươi năm qua. Bà dành nhiều thời gian và tiền bạc cho các tổ chức từ thiện, hầu hết là các tổ chức giáo dục và nghiên cứu ung thư.
Lee cho rằng phần lớn thành công của bà là nhờ sự ủng hộ của gia đình. Bà luôn chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về người cha đối với những thành công của bản thân trên trang web của trường Hardvard: "Cha tôi là người có ảnh hưởng to lớn đối với tất cả chúng tôi. Ông ấy là một người đàn ông của thế giới tin vào sức mạnh của giáo dục".
Cha của bà, Daniel Lee Kiehong, sinh ra ở Hàn Quốc, giành được học bổng trung học (và sau đó là đại học) ở Hiroshima, Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của vụ ném bom ở Hiroshima, việc học bị gián đoạn.
Trở lại Hàn Quốc, ông Daneil làm phiên dịch cho quân đội Mỹ và tiếp tục tìm kiếm học bổng. Cuối cùng, ông nhận được một học bổng toàn phần khác tại Amherst.
Sau đó, ông trở thành một nhà kinh tế học nổi tiếng, người đã giúp thúc đẩy kế hoạch phát triển đất nước sau chiến tranh, theo Forbes .
Lee chia sẻ, ông Daneil mong muốn bà theo đuổi một nghề khác không phải là một doanh nhân: "Thực ra, thậm chí lời khuyên của cha tôi là trở thành một kỹ thuật viên y tế chứ không phải là bác sĩ".
"Thất bại cũng không sao, điều quan trọng là đã cố gắng và nỗ lực hết mình"
Thai Lee tại Hội nghị thượng đỉnh Women in Cloud 2019. Ảnh: YouTube
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Women in Cloud 2019, Lee chia sẻ rằng việc luôn lập kế hoạch cho những mục tiêu đã giúp bà đạt được thành công. Bà luôn đặt ra những mục tiêu khác nhau trong mỗi 10 năm của cuộc đời mình, bắt đầu từ việc tập trung vào việc học ở những năm 20, xây dựng doanh nghiệp ở tuổi 30 và có một gia đình ở tuổi 40.
Một lời khuyên khác của bà dành cho các doanh nhân nữ là hãy biết rằng: "Thất bại cũng không sao cả. Ít nhất thì bạn cũng đã cố gắng và làm hết sức mình. "
Lee đã làm việc tại Procter & Gamble và American Express trước khi đồng sáng lập SHI. Năm 2018, bà tham gia hội đồng quản trị của PureTech Health, một công ty dược phẩm sinh học và là chi nhánh của Sonde Health chuyên phát triển công nghệ chẩn đoán dựa trên giọng nói.
Được truyền động lực từ Đức Phật
"Nếu bạn có thể vượt qua đói nghèo bằng việc có khát vọng và nỗ lực mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất mà bạn có thể trở thành, hãy sử dụng "tài sản" này để trở thành một người thực sự có thể đóng góp cho xã hội," bà chia sẻ với tạp chí máy tính CRN của Mỹ.
Bà cũng kết hợp giáo lý Phật giáo trong cuộc sống của chính mình. Bà nói: "Niềm tin cơ bản trong Phật giáo là cuộc sống không thể tránh khỏi đau khổ. Vì vậy, học cách điều chỉnh kỳ vọng của bản thân, kết hợp với sự chăm chỉ và nhận thức giáo dục thực sự cho phép một người đạt được một khả năng mà bản thân không thể ngờ tới - Tất cả thật sự giúp ích cho tôi rất nhiều".
(Theo SCMP)
An Nhiên