(Tổ Quốc) - Có một khởi đầu suôn sẻ là lợi thế không thể chối cãi. Nhưng xuất phát điểm thua kém không có nghĩa là bạn sẽ thất bại trên đường đua!
Trong một bài báo nghiên cứu của Keith Stanovich, ông phát hiện ra rằng những học sinh có thành tích tốt từ rất sớm ở trường có xu phát triển hơn về sau. Đồng thời ông cũng chỉ rõ lớp 1 là thời điểm quan trọng trong việc học của một đứa trẻ.
Trong thời gian này, trẻ bắt đầu học đọc từ. Điều này rất quan trọng vì giáo dục tuân theo một trình tự cụ thể: Trước tiên chúng ta học đọc, sau đó chúng ta đọc để học.
Những trẻ em gặp khó khăn trong việc đọc ở lớp 1 thường có kết quả kém trong tất cả các môn học về sau. Khi khả năng đọc bị hạn chế, học sinh không thích học và làm bài kém hơn và ngược lại.
Thói quen đọc của một người cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn bạn bè và các mối quan hệ của họ sau này. Nghiên cứu đã chứng minh, những học sinh gặp khó khăn trong việc đọc đã bị tụt lại phía sau, lý do là bởi chúng đã lơ là việc học từ năm 6 tuổi.
Hiện tượng này được gọi là "Hiệu ứng Matthew".
Hình minh họa (Ảnh: iStock)
Mở rộng khoảng cách
Thuật ngữ "Hiệu ứng Matthew" được đặt ra bởi nhà xã hội học Robert Merton khi ông nhận thấy rằng các nhà khoa học lỗi lạc thường được "ưu ái" công nhận nhiều hơn. Thuật ngữ được sử dụng để mô tả trường hợp những người có nguồn lực từ ban đầu có nhiều cơ hội phát triển và tích lũy hơn trong tương lai.
Nhìn chung, những cá nhân có lợi thế ngay từ đầu có khả năng nhận được hỗ trợ cao hơn từ 9 đến 31% so với những người còn lại. Hiệu ứng "người thắng cuộc" là sản phẩm phụ tự nhiên của các xã hội, tổ chức và những nơi có tính cạnh tranh cao. Một lợi thế nhỏ có thể tạo ra sự cách biệt lớn về sau.
Bài báo nghiên cứu của Stanovich mở đầu bằng dòng: "Hiệu ứng Matthew không chỉ phản ánh quá trình của những người khởi đầu kém may mắn mà còn cho thấy khoảng cách ngày càng tăng giữa hai nhóm người".
Hiệu ứng Matthew tiết lộ một sự thật: Có ưu thế sớm dẫn đến lợi thế về sau và những người có khởi điểm thấp dần trở nên thiệt thòi hơn theo thời gian.
Nhưng điều đó không chính xác 100%. Nhiều người sinh ra không có lợi thế ban đầu nhưng họ vẫn trở nên xuất sắc về sau. Học kém không có nghĩa là họ sẽ "tụt hậu" cả đời.
Hiệu ứng Matthew chỉ ra rằng chúng ta có thể tạo cho mình một khởi đầu thuận lợi và gặt hái thành công. Thay vì "đầu hàng số phận", chúng ta có thể sử dụng quy tắc tích lũy lợi thế để cải thiện cuộc sống của. Dưới đây là một số gợi ý:
1. Mở rộng các mối quan hệ
Theo một nghiên cứu, công việc đầu tiên của bạn sau khi tốt nghiệp đại học là rất quan trọng vì nó đặt bạn vào một quỹ đạo nghề nghiệp khó thay đổi. Trong số những sinh viên tốt nghiệp có công việc tốt ngay sau khi tốt nghiệp, 49% trong số họ kiếm được ít nhất 60.000 USD từ sáu đến bảy năm sau đó. Trong số những sinh viên mất hơn một năm để tìm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp, chỉ 18% có được mức thu nhập này.
Phần lớn mọi người cho rằng không nên tìm đến những sự trợ giúp quá nhiều. Có một quan niệm đã ăn sâu vào thói quen của xã hội đó là chúng ta nên tự giải quyết mọi việc hơn là đến gặp ai đó để được giúp đỡ hoặc tư vấn.
Tuy nhiên thực tế, nếu có thể gặp ai đó quen thuộc hoặc tiếp cận với người đang ở trong hoàn cảnh tương tự, chúng ta có khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Đặt mình vào vị trí vững chắc ngay từ sớm là điều quan trọng vì nó giúp bạn có được những cơ hội tốt hơn sau này. Nhờ ai đó giúp đỡ để đến đích sẽ tốt hơn là tự mình cố gắng và không bao giờ tìm thấy lối đi của mình.
2. Can thiệp sớm
Trong nghiên cứu về trẻ em và việc đọc sách, Stanovich nhận thấy rằng nếu xác định được những đứa trẻ đọc kém ở lớp 1, chúng ta có thể thay đổi tương lai của chúng bằng cách thay đổi cách giáo dục. Sự hỗ trợ sẽ giúp những trẻ ban đầu gặp khó khăn bắt kịp và cuối cùng không bị tụt lại so với bạn bè đồng trang lứa.
Ban đầu, một vấn đề nhỏ có thể chưa tạo ra hậu quả lớn ngay lập tức. Nhưng khi không bị phát hiện, vấn đề đó có thể biến thành vấn đề lớn. Đến lúc này, khi hậu quả đã xảy ra thì chúng ta cố gắng cũng thể "cứu vãn" được tình hình.
Khi bạn xác định sớm một vấn đề nhỏ, hãy nghĩ đến những hậu quả tiềm ẩn của nó trong tương lai. Giải quyết và hạn chế thiệt hại ngay từ sớm bao giờ cũng dễ hơn khi đi thu dọn "tàn tích". Vì vậy ngay từ hôm nay, hãy thẳng thắn nhìn nhận và thừa nhận những điểm thiếu sót của bản thân và thay đổi những thói quen xấu này.
3. Nhân giống thành công
Những người có uy tín ngay từ đầu thường nhận được sự tín nhiệm và tin tưởng từ mọi người xung quanh. Chúng ta có xu hướng nhìn nhận hành động và thành công của người khác như một điểm tham chiếu cho những gì bản thân nên làm.
Bạn có thể sử dụng lý thuyết này để làm lợi thế cho mình. Muốn chiếm được lòng tin của người khác, hãy chứng minh cho đối phương thấy bằng những thành tích trong quá khứ của bạn. Nếu bạn đã giành được một giải thưởng hoặc nhận được sự ủng hộ từ một nơi nào đó, đừng ngần ngại chia sẻ chúng đến với mọi người. Những dấu hiệu này làm tăng niềm tin của mọi người vào khả năng của bạn.
Khi bạn được người khác tin tưởng thì khả năng được ủng hộ và giúp đỡ cũng tăng lên. Hãy nhớ rằng thành công không chỉ đơn giản là dốc sức đơn thuần, mà còn là "nghệ thuật" tạo lợi thế cho bản thân.
Hiệu ứng Matthew ban đầu có vẻ không công bằng. Nhưng khi hiểu bản chất của cách mọi thứ vận hành và biết tận dụng tối đa lợi thế, chúng ta có thể tạo ra "lực đẩy" để thúc đưa bản thân tiến về phía trước nhanh hơn.
Nguồn: The Ladder
Thuỳ Anh