(Tổ Quốc) - Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hoá dự kiến có 19 Khu công nghiệp tương đương với tổng diện tích 5.921 ha.
Theo cổng thông tin điện tử Thanh Hoá, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị nghe dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn (KTNS) và các khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Khu KTNS & các KCN nhằm xây dựng và phát triển Khu KTNS trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó chương trình còn nhằm xây dựng và phát triển các KCN với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy, tạo ra các cực tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh; đảm bảo đạt được các chỉ tiêu trong Chương trình phát triển Khu KTNS và các KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025.
Dự thảo xác định rõ các nhiệm vụ chính, về phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn tập trung một số nhiệm vụ: công tác lập và quản lý quy hoạch gồm thực hiện các đồ án đang triển khai như Quy hoạch chi tiết Cảng biển Thanh Hóa, các phân khu chức năng chính trong Khu KTNS, phấn đấu hoàn thành trước 30/6/2022. Đồng thời tăng cường quản lý quy hoạch, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các vi phạm khác theo quy định.
Về nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Thanh Hoá ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách để tập trung đầu tư dứt điểm các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án trong năm 2021. Kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và đối tác công tư (PPP) để góp phần cùng với nguồn vốn ngân sách từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu trong Khu kinh tế Nghi Sơn, đặc biệt là các tuyến giao thông chính và Cảng biển Nghi Sơn, hoàn chỉnh lại hạ tầng kỹ thuật KCN làm cơ sở thu hút đầu tư.
Về thu hút đầu tư, tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc đối với các dự án lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Đồng thời, hỗ trợ các dự án lớn hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động bảo đảm tiến độ như Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy luyện cán thép giai đoạn 2…; vận động, thu hút các dự án đầu tư chế biến sản phẩm sau lọc hóa dầu và các dự án công nghiệp phụ trợ vào các khu công nghiệp. Khuyến khích đầu tư các dự án phát triển hạ tầng khu đô thị, hạ tầng xã hội; các dự án du lịch nghỉ dưỡng…
Về nhiệm vụ phát triển các Khu công nghiệp cũng được dự thảo xây dựng nhiệm vụ về lập quy hoạch và thu hút đầu tư. Trong đó, nhiệm vụ lập quy hoạch được đặt ra là: Tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 19 Khu công nghiệp, tổng diện tích 5.921 ha. Triển khai lập quy hoạch xây dựng các KCN sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt.
Ngoài ra, dự thảo đưa ra một số nhiệm vụ thực hiện về quản lý nhà nước khác như: thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KKT, KCN; thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, môi trường trong KKT, KCN; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong KKT, KCN.
Việt Khoa