(Tổ Quốc) - "Tôi có một số quan hệ ở các tổ chức nước ngoài, trong năm 2021 cũng khá nhiều các bạn làm việc tại đấy có chia sẽ rằng: "có lẽ chúng ta đã sai khi bán quá nhiều trong năm vửa qua vì thiếu kỳ vọng vào thị trường trước muôn vàn khó khăn từ dịch bệnh kéo dài đến các dự báo ảm đạm của các tổ chức, định chế tài chính cả trong và ngoài nước". Áp lực giải ngân trở lại trong 2022 là rất lớn và rõ rằng không ai muốn đứng ngoài hoàn toàn cuộc chơi vào lúc này", ông Nguyễn Duy Anh nói.
VN-Index sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán thanh khoản giảm sút, bình quân giao dịch khớp lệnh mỗi phiên chỉ từ 15.000 - 23.000 tỷ/phiên, kém xa so với mức 30.000 - 40.000 tỷ đồng/phiên của giai đoạn cuối năm 2021. Giới đầu tư đang lo ngại về việc dòng tiền lớn rút đi khi VN-Index giao dịch kém sôi động trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraina leo thang, và sự kiện Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cận kề trong tháng 3.
VN-Index lúc này đang thiếu một "liều doping" để bứt phá khỏi mốc 1.500 - ngưỡng tâm lý như các mốc 1.000 - 1.200 - 1.300 - 1.400 trước đây.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với ông Nguyễn Duy Anh, CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1.
Thanh khoản của VN-Index gần đây sụt giảm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi phiên, giới đầu tư đang lo ngại dòng tiền lớn rút đi, đặc biệt khi các cổ phiếu lớn đang thiếu động lực tăng giá so với mặt bằng chung của thị trường. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Giai đoạn tích lũy thường khối lượng giao dịch sẽ không lớn, đặc điểm của giai đoạn này là thị trường đi ngang, thanh khoản vừa phải biên độ nhỏ, thỉnh thoảng có một "cú giật" mạnh và hồi phục ngay. Lý do thanh khoản giảm một phần lớn vì biên độ nhỏ nên các nhà đầu tư khó lướt sóng ngay trong phiên. Bản chất các phiên 30.000 – 40.000 tỷ tôi cho rằng dòng tiền mua bán trong phiên chiếm một trọng số lớn.
Về vấn đề cổ phiếu vốn hóa lớn hụt hơi, tôi không cho rằng như vậy, đa phần dòng tiền lớn của các tổ chức, cá nhân có tài sản lớn vẫn tập trung ở các cổ phiếu bluechip, midcap lớn, dòng tiền này không thể quay qua các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hoặc penny như nhiều người nghĩ vậy. Vấn đề là sóng các cổ phiếu này không thể tiếp diễn cả năm nên sẽ có giai đoạn tăng/giảm hoặc tích lũy để tăng trưởng và nhiều người sẽ bị lầm tưởng dòng tiền lớn đã rút đi. Về thực tế, sau một quá trình tăng nhanh và mạnh, chắc chắn có một lượng tiền được rút khỏi thị trường để đầu tư vào các kênh khác tuy nhiên với số lượng tài khoản mở mới và chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay có thể nói, luôn có dòng tiền mới để thế chỗ.
Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, về lý thuyết có thể thao túng dễ dàng hơn, độ tăng giảm có thể khốc liệt hơn và quan trọng nhất nó đánh trúng tâm lý háo thắng của các nhà đầu tư mới tham gia thị trường khi họ tưởng rằng mua bán liên tục mới thể hiện mình là dân chuyên nghiệp.
Là người quản lý và tiếp xúc với các dòng tiền lớn của doanh nghiệp, quỹ. Ông nhận định thế nào về việc các dòng tiền gần đây giao dịch kém sôi động phải chăng, thế giới quá khó lường, nguy cơ lãi suất, chiến tranh rình rập khiến việc giải ngân tiền gặp khó khăn?
Tôi cho rằng sau một quá trình tăng nhanh và mạnh, mức VN-Index 1.400-1.500 vào cuối 2021 cũng làm "thỏa mãn tạm thời" khá nhiều tổ chức và cá nhân nên việc họ rút ra cũng là khá hợp lý. Tuy nhiên tôi cũng chưa chứng kiến bất kỳ ai hay tổ chức nào tuyên bố rút khỏi thị trường mà chủ yếu đều diễn giải nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư và chờ một thời điểm thích hợp để "tái tham gia" ở một mức giá phù hợp hơn.
Về thanh khoản giảm sút, xin nhắc lại, bất cứ khi nào biên độ hẹp thì giao dịch sẽ kém sôi động, đơn giản vì "đội lướt sóng" ít tham gia vào thị trường tại thời điểm đó.
VN-Index đang bị mất đi động lực tăng giá mạnh do thiếu vắng những dòng tiền lớn trong khi lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Theo ông đâu là điều kiện cần để kích hoạt dòng tiền lớn để thị trường sôi động trở lại?
VN-Index không mất đi động lực nào cả, tất cả những tổ chức, nhà đầu tư đều đang nhìn vào thị trường như "hổ rình mồi", đừng nhìn sự tĩnh lặng mà nghĩ là thị trường mất động lực, hãy nhìn chuyển động bên dưới sẽ thấy dòng tiền vẫn đang chảy cuồn cuộn vào Việt Nam thông qua nhiều kênh từ FDI, FII, kiều hối và cả những kênh không tiện nếu ra ở đây. Khối nước ngoài tuy bán ròng mạnh nhưng theo thông tin từ các cơ quan quản lý, cũng không có "dòng rút" khỏi Việt Nam.
Để kích hoạt dòng tiền này không gì ngoài chính sách của chính phủ và chứng minh sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết cũng như kỳ vọng thăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Trong cơn sóng thần vừa qua của thị trường, dòng tiền của nhà đầu tư cá dẫn dắt là chủ đạo, trong khi dòng tiền từ tự doanh, tổ chức và khối ngoại bán ròng hơn 80.000 tỷ đồng (năm 2021). Đó là chuyện của những gì đã qua rồi, vậy thời gian tới ông có nghĩ dòng tiền cá nhân còn dẫn dắt được cuộc chơi nữa không?
Một cách thẳng thắn, tôi cho rằng dòng tiền cá nhân nhỏ lẻ dẫn dắt cuộc chơi chỉ là ngắn hạn và điều này không bền vững. Có vẻ hơi khó nghe nhưng đấy là sự thật. Xét cho cùng, chúng ta đều hiểu số lượng người thắng trên thị trường luôn là thiểu số và trong dài hạn hầu như đám đông luôn sai. Đây là quy luật khó có thể thay đổi được.
Tuần qua dòng tiền của nhà đầu tư ngoại đã quay trở lại mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng. Liệu dòng tiền ngoại có quay trở lại sau khi miệt mài bán ròng 2 năm qua?
Tôi có một số quan hệ ở các tổ chức nước ngoài, trong năm 2021 cũng khá nhiều các bạn làm việc tại đấy có chia sẽ rằng: "có lẽ chúng ta đã sai khi bán quá nhiều trong năm vừa qua vì thiếu kỳ vọng vào thị trường trước muôn vàn khó khăn từ dịch bệnh kéo dài đến các dự báo ảm đạm của các tổ chức, định chế tài chính cả trong và ngoài nước".
Áp lực giải ngân trở lại trong 2022 là rất lớn và rõ rằng không ai muốn đứng ngoài hoàn toàn cuộc chơi vào lúc này. Ngày càng nhiểu quỹ/tổ chức nước ngoài sẽ vào Việt Nam để thăm dò, dòng tiền họ mang vào cũng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, đó là những gì tôi chắc chắn còn việc giải ngân vào lúc nào hay cái gì thì nằm ngoài hiểu biết của tôi.
Sự kiện Fed tăng lãi suất trong tháng 3 đang tới gần, đặc biệt là căng thẳng giữa Nga - Ukraina đang diễn biến phức tạp tác động tâm lý nặng nề tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo ông, hai sự kiện này sẽ tác động thế nào đến chứng khoán Việt Nam?
Về trung và dài hạn, VN vẫn là nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hàng năm. Việt Nam cung cấp các mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu thô, bán thành phẩm, các sản phẩm có hàm lượng chất xám vừa và thấp phục vụ nhu cầu đời sống nên việc FED tăng lãi suất hay căng thẳng Nga-Ukraina tôi cho rằng không quá ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây có thể là yếu tố được lợi dụng để tạo ra các biến động "gắt" trong cực ngắn hạn trên thị trường.
Thị trường chứng khoán về dài hạn luôn tăng, nhưng ngắn hạn lại luôn ẩn chứa những rủi ro khó lường trước. Chứng khoán năm nay còn "dễ ăn" như 2 năm qua không. Ông nhận định thế nào về cơ hội và thách thức của chứng khoán năm 2022. Những ngành/doanh nghiệp nào theo ông là "thiên thời" trong năm 2022.
Chắc chắn càng về sau sẽ càng khó, nền khởi đầu 2021 khá cao nên diễn biến thị trường 2022 sẽ "tàn khốc" hơn giai đoạn 2020-2021. Điểm lại biên độ trong năm 2021, VN-Index dao động tăng trong khoảng 1.000 đến gần 1.540 vậy mà vẫn có rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng tính đến cuối năm. Vì vậy tôi cho rằng 2022 sẽ càng khốc liệt hơn nhiều, có thể VN-Index về điểm số sẽ đạt gần 1.800 vào một thời điểm nào đó trong năm nhưng kết năm 2022 số lượng nhà đầu tư thua lỗ sẽ gấp nhiều lần 2021.
Đến lúc nhà đầu tư phải tự chuyên nghiệp hóa, không cần "biết rộng" mà phải "biết chắc", chọn đúng nhóm ngành và các cổ đầu ngành mình chọn tại một thời điểm thích hợp.
Cá nhân tôi, với kiến thức và kinh nghiệm có giới hạn nên chỉ chắc chắn ở một góc nhỏ theo quan sát của mình, năm 2022 nhóm ngân hàng (STB, HDB, BID, TCB..), cảng biển/vận tải biển container – không áp dụng với hàng rời (GMD, HAH, VSC..), dầu khí và bán lẻ chuyên nghiệp kiểu chuỗi sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và mạnh. Chú ý đến vùng giá mua vì ngay cả khi bạn mua đúng cổ phiếu mà sai thời điểm, kết quả vẫn nhận về một danh mục thua lỗ.
Tiếp xúc với các nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu trẻ. Ông nghĩ thế mạnh và điểm yếu của họ là gì. Những tố chất cần có để các nhà đầu tư mới vào thị trường có thể chiến thắng được thị trường?
Trong năm 2021 chúng ta chứng kiến số lượng tài khoản mở mới đạt con số cao kỷ lục, đa phần là người mới, họ vào thị trường cũng "hăm hở", "tham lam", "chịu khó tìm hiểu" và "hiền lành, trong sáng" như thế hệ chúng tôi đã từng từ cách đây hơn mười mấy năm về trước. Đó đều là thế mạnh và cũng là điểm yếu của họ.
Để thành công thì muôn hình vạn trạng nhưng nếu để đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư mới tôi xin gợi ý thế này:
Tự học và nâng cao kiến thức, chọn nhóm ngành đúng cho trung hạn, giữ danh mục đơn giản ít số lượng mã, không thay đổi danh mục quá nhiều trong ngắn hạn. Nếu thay đổi phải dành thời gian nghiên cứu cân nhắc cho kỹ.
Khiêm tốn, biết phúc phần mình ở đâu, không nhìn mâm người khác. Biết việc mình là đủ, không quản chuyện người khác, không tham gia đám đông. Một phẩm chất nữa cần có của nhà đầu tư là gan lì, kiên trì, giữ tỷ trọng hợp lý, rèn luyện sức chịu đựng áp lực và một chút may mắn sẽ thành công.
Bạch Huệ