(Tổ Quốc) - Ngày 20/03/2021 kỷ niệm 46 năm giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, đặt biệt 32 năm ngày tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu rất tự hào trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện nền kinh tế Quảng Ngãi đứng thứ 25 trên 63 tỉnh thành và đóng góp 1,32 GDP cả nước. Trong những thành quả chung đó, công nghiệp là ngành bứt phá ngoạn mục nhất. Quảng Ngãi đã trở thành tâm điểm về phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền trung và hành lang kinh tế đông tây.
Sự bứt phá ngoạn mục của các nền công nghiệp hội tụ ở phía Bắc Quảng Ngãi
Nổi bật trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian gần đây, là dự án Khu Liên Hợp Gang Thép Hòa Phát Dung Quất của tập đoàn Hòa Phát với tổng vốn đầu tư lên đến 60.000 tỷ đồng. Sau 4 năm triển khai dự án Khu Liên Hợp Gang Thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành với công suất là 4 triệu tấn thép/ năm. Dự án đi vào hoạt động đóng góp lớn cho tỉnh Quảng Ngãi về giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho 10.000 lao động.
Nếu như ở phía Đông của khu kinh tế Dung Quất có lợi thế Cảng nước sâu để phát triển công nghiệp nặng, thì ở phía Tây Nam lại có lợi thế cho phát triển công nghiệp nhẹ, với lực hút hấp dẫn của Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Được đặt nền móng từ nhiệm kỳ 2010-2015, mà cụ thể là VSIP động thổ giữa 2013 đến nhiệm kỳ 2015-2020 VSIP trở nên bứt tốc phát triển rõ rệt. Hơn 5 năm qua, đã có 29 Nhà Đầu Tư đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, thu hút 25 dự án với tổng vốn đầu tư cam kết hơn 900 triệu USD. Đến nay đã có 17 dự án đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho 19.000 lao động, trong đó có đến 95% lao động của tỉnh Quảng Ngãi, dự kiến trong thời gian đến khi 29 Nhà Đầu tư trên đi vào hoạt động sản xuất ổn định sẽ cung cấp việc làm cho hơn 48.000 lao động.
Để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến đầu tư, chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên, mà có sự tính toán chi li bằng những thuật toán kinh tế và ở mọi khía cạnh thì lợi nhuận là đáp án cuối cùng của các Nhà đầu tư. Không những vậy, điều mà các nhà đầu tư khi đến Quảng Ngãi đều trân quý, cảm nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền kể từ khi doanh nghiệp có ý tưởng làm thủ tục, cho đến khi triển khai đầu tư và sản xuất kinh doanh trong quá trình phát triển công nghiệp.
Khu kinh tế Dung Quất khẳng định vai trò là hạt nhân, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm Miền trung. Chỉ tính riêng 5 năm qua, đã cấp phép 190 dự án với tổng số vốn đăng ký 6,75 tỷ USD. Nếu so với chiều dài gần 25 năm thành lập của KKT Dung Quất, thì nhiệm kỳ qua số dự án được cấp phép chiếm đến 53,5% và số vốn chiếm 46,8%, những con số đó khẳng định thành công trong thu hút đầu tư của KKT Dung Quất.
Một tiêu chí quan trọng khác để đánh giá sự thành công của Khu kinh tế Dung Quất là triển khai dự án sau khi cấp phép. Từ năm 2017 đến nay, các dự án sau khi cấp phép đã triển khai rất nhanh, vốn thực hiện mỗi năm lên đến 1 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự thành công của Khu kinh tế Dung Quất chính là phát huy lợi thế Cảng biển nước sâu Dung Quất. Nếu như các cảng biển ở khu vực miền trung chỉ đáp ứng các con tàu có trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, thì Cảng Dung Quất có thể đón tàu có tải trọng lên đến 200.000 tấn.
Năm 2020 Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 133.000 tỷ đồng, tăng bình quân 4,49%/năm. Điều đáng mừng là quy mô ngành công nghiệp ngày càng lớn, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần phụ thuộc công nghiệp lọc hóa dầu. Nếu như 2015 tỷ trọng giá trị sản xuất sản phẩm lọc hóa dầu trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp là 83%, thì đến 2020 giảm xuống còn 58,9%. Đó cũng là con số nói lên ngành công nghiệp Quảng Ngãi không chỉ có lọc hóa dầu, mà có sự bứt phá đi lên của nhiều sản phẩm khách như luyện kim, máy móc, thiết bị điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm... Các sản phẩm công nghiệp sản xuất ở tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới.
Xu hướng phát triển đô thị liền kề khu công nghiệp
Trong bức tranh toàn cảnh về phát triển Quảng Ngãi sau 46 năm ngày giải phóng, thì phát triển công nghiệp đã vẽ nên một gam màu tươi sáng nhất tại khu vực phía Bắc Sông Trà.
Công Nghiệp phát triển sẽ là bàn đạp để kéo theo sự phát triển và tụ về của người lao động (chuyên gia, kỹ sư, công nhân…); kéo theo sự phát của các đô thị công nghiệp (các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ hỗn hợp, mà trong đó bao gồm các dịch vụ cơ bản như nhu cầu ở, sinh hoạt, ăn uống, vui chơi, giải trí, thương mại, cho thuê…).
Hiện nay VSIP đã và đang tiên phong trong việc phát triển bùng nổ khu công nghiệp, các đô thị liền kề khu công nghiệp, hình thành đại đô thị VSIP Bắc Sông Trà tại Quảng Ngãi (Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Khu Đô Thị Dịch Vụ VSIP Quảng Ngãi, Khu Dịch Vụ Hỗn Hợp VSIP Quảng Ngãi). Bắc Sông Trà sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Quảng Ngãi.
Phát triển Đại đô thị Bắc sông Trà, Quảng Ngãi đã và đang hòa mình vào xu hướng của các đô thị năng động bậc nhất Việt Nam như: Quận 2 - TP. HCM bên kia sông Sài Gòn, Quận Long Biên - Thủ đô Hà Nội bên kia sông Hồng, hay Quận sơn Trà - TP. Đà Nẵng bên kia sông Hàn
Trong thời gian đến, Quảng Ngãi nói chung và Đại đô thị Bắc sông Trà nói riêng sẽ phát triển bứt phá và thịnh vượng!
Ánh Dương