(Tổ Quốc) - Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Điệp, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến hiện tại vẫn đầy khốc liệt như trước với cuộc chơi đốt tiền giành thị phần.
Bao giờ Tiki, Shopee… hết lỗ?
Xuất hiện trong trong Tạp chí Forbes số tháng 5 mới đây, nhà sáng lập Nguyễn Ngọc Điệp có những chia sẻ bất ngờ về trang thương mại điện tử từng hàng đầu ở Việt Nam cách đây hơn 1 thập niên.
Vatgia.com được thành lập năm 2007 khi ông Điệp nhìn thấy cơ hội khởi nghiệp thương mại điện tử khi được bạn bè nhờ mua hàng từ Nhật Bản gửi về nước. Năm 2008, quỹ đầu tư IDG đầu tư vào công ty cổ phần Vật Giá Việt Nam (VNP) nhằm phát triển và giúp Vatgia.com bứt phá. Những năm sau đó VNP kêu gọi thêm được vốn từ CyberAgent, Recruit JV, Mitsui.
Trong nhiều năm, Vatgia.com đứng đầu về lượng truy cập. Thế nhưng từ năm 2012, những ông lớn như Lazada, Zalora, Shopee bắt đầu bước chân vào Việt Nam. Năm 2014, trang thương mại điện tử này ra khỏi top về số lượng truy cập. Đến năm 2018, Vatgia.com rút khỏi mảng thương mại điện tử.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Điệp, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến hiện tại vẫn đầy khốc liệt như trước với cuộc chơi đốt tiền giành thị phần. Thị trường có 10 doanh nghiệp thì lỗ cả 10, cho đến khi thị trường tiến đến ngưỡng mới. Nhìn lại quyết định dừng chân, ông Điệp cho rằng là điều may mắn bởi đã không đưa đoàn quân vào ngõ cụt.
Theo nhận định của CEO VNP Group, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cần ít nhất 5 năm nữa để các nền tảng mới thực sự kiếm được tiền, khi thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 5.000 USD. Ông Điệp cho rằng dù thị trường hiện nay bùng nổ nhưng thu nhập người dân vẫn ở mức thấp nên họ vẫn cân nhắc khi chi tiêu, thay vì chi tiền họ chi thời gian để săn tìm các chương trình khuyến mãi hay giảm giá.
CEO VNP Group Nguyễn Ngọc Điệp.
Cuộc đua khốc liệt của thị trường thương mại điện tử
Không những phải chạy đua đốt tiền để thay đổi thói quen người dùng, các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện vẫn gặp một trở ngại không nhỏ là chi phí logistics khá cao. Trong một buổi hội thảo do Shark Tank tổ chức, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG từng phân tích về khoản chi phí này giữa doanh nghiệp thương mại truyền thống như Thế giới di động với Tiki, Shopee, Lazada.
Vị doanh nhân này cho biết tỷ lệ chi phí thuê cửa hàng trên doanh thu của Thegioididong.com dưới 2%. Ông Tài bảo đảm con số này rẻ hơn chi phí logistics của các đơn vị đang kinh doanh thương mại điện tử hiện nay. Chủ tịch MWG lấy dẫn chứng, ngay chính Bách Hoá Xanh cũng làm thương mại điện tử và chi phí logistics để có thể giao một túi hàng đến khách hàng đang chiếm đâu đó khoảng 10% trên doanh thu.
“Với cuộc chơi một ông bỏ ra 2% cho tiền thuê mặt bằng và một ông bỏ ra cho DC, logistics, khuyến mãi tè le này thì cuộc chơi này không có hồi kết. Chỉ có khi nào có ai đó rút máu ra khỏi các bạn thương mại điện tử thì các bạn đó chết bất đắc kỳ tử thôi. Và có nhiều bạn bị rút máu giữa chừng và 'đi' lắm rồi. Đây là cuộc chơi để tạo thói quen dữ dằn. Nhưng thói quen nó là một chuyện, cho đến ngày bạn không cam kết được hiệu quả so với các ông offline.
Bây giờ vận hành một cửa hàng hoành tráng như vậy, (chi phí thuê) Thegioididong.com đang dưới 8% doanh thu. Các bạn có tin các ông TMĐT giao hàng đến nhà khách hàng và chi phí dưới 8% không? Bảo đảm đó là con số nằm mơ của những ông này”, Chủ tịch MWG khẳng định chắc như đinh đóng cột.
Những chia sẻ của người trong cuộc lẫn ngoài ngành không phải vô căn cứ. Số liệu tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn ngành này phản ánh bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử, Shopee, Lazada, Sendo hay chính Tiki đều chưa có lãi và vẫn đang phải "đốt tiền" để giành thị phần.
Giai đoạn 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada từng gây kinh ngạc trong ngành thì sau này Shopee đẩy "mặt bằng" lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Gia nhập thị trường sau Lazada, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách với đối thủ đi trước. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.
Trong 3 năm từ 2016-2018 dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng nhưng Shopee chưa hề phát sinh doanh thu. Đến tận đầu quý 2/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.
Với Tiki, năm 2016 startup Việt này báo lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, tăng lên 282 tỷ năm 2017 và 756 tỷ đồng năm 2018. Thậm chí, công ty công nghệ này báo lỗ khủng lên tới 1.765 tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020 số liệu trong báo cáo thường niên của VNG cho biết Tiki bất ngờ chỉ còn lỗ 3,8 tỷ đồng.
Tiki lỗ từ 2016-2020 (đơn vị: tỷ đồng).
Lợi nhuận của các đại gia TMĐT giai đoạn 2016-2018. Năm tài chính của Lazada kết thúc vào 31/3.
Mộc An