(Tổ Quốc) - Sau đại dịch tất cả chúng ta đều trở về những điều căn bản, và việc kinh doanh cũng vậy: phải tập trung cải thiện lại môi trường, văn hoá công ty, từ đó đong đếm các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu lợi nhuận.
Năm 2021, Việt Nam chính thức lọt Top 3 Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Indonesia) về cả số lượng đầu tư và giá trị vốn đầu tư vào khởi nghiệp. Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt kỷ lục vượt 1,5 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần năm 2020 (451 triệu USD) và gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD hồi năm 2019.
Như vậy, Việt Nam đã bước sang năm thứ 7 kể từ thời điểm Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng ban hành. Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam cũng tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, kế tiếp là Việt Nam và Mỹ. Dự báo, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD.
Kinh doanh khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển cả lượng và chất
Bổ sung về sự tăng trưởng này, dưới góc nhìn Vietnam Startup Day 2022, sau 10 năm ban tổ chức nhận thấy khởi nghiệp đã không còn dừng lại ở khái niệm, mà đang trở thành làn sóng mạnh mẽ. "Nếu trước đó, nhà đầu tư đồng ý rót vốn vào các công ty khởi nghiệp với tư duy là dự án cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Thì ngày nay, việc đầu tư được các doanh nghiệp, các quỹ hay các cá nhân, cộng đồng nhà đầu tư chú trọng hơn, bởi mục tiêu lúc này của họ là tìm kiếm những công cụ, động lực mới để mở rộng thêm việc kinh doanh hiện hữu.
Mặt khác, sự kết nối giữa các cộng đồng nhà đầu tư, hiệp hội, doanh nghiệp với các startup hiện nay cũng được mở ra rất nhiều. Đơn cử sự kiện năm nay dự đạt hơn 1.400 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nhân, chuyên gia từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế tham gia. Tổng dự án đâu đó đạt 20.000 dự án, cho thấy không chỉ thay đổi về chất mà cả về lượng", bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết.
Theo vị này, đây còn là cơ hội tìm kiếm nhân tài thực sự cho các chủ doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp ngày nay đã ý thức hớn việc tìm kiếm cơ hội mới gắn vào trong hoạt động của chính mình. Bởi, trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, nếu chỉ bó gọn trong mô hình của mình thì không đi xa hơn được, và các bạn trẻ khởi nghiệp thì lại nắm bắt những xu hướng mới rất tốt.
Đơn cử, những năm 2019-2021, có giai đoạn Việt Nam rất nóng về thương mại điện tử, và các bạn startup cũng khởi nghiệp trong lĩnh vực này rất nhiều. Đến nay, khi sự phát triển đòi hỏi nền tảng vững chắc hơn, các bạn nhanh chóng tập trung vào cốt lõi như phát triển các giải pháp B2B, ứng dụng công nghệ lõi (AI, IoT…) nhiều hơn, hay mới nhất hiện nay là công nghệ năng lượng theo xu hướng thế giới.
Sau đại dịch, tất cả đều quay về với những điều căn bản
Dù tăng tốc mạnh mẽ song vẫn còn nhiều bất cập mà bản thân doanh nghiệp, đặc biệt là công ty khởi nghiệp phải cải thiện. Theo bà Phi, sau đại dịch tất cả chúng ta đều trở về những điều căn bản, và việc kinh doanh cũng vậy: phải tập trung cải thiện lại môi trường, văn hoá công ty, từ đó đong đếm các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu lợi nhuận.
"Nếu trước đó, câu chuyện nào là khai miếng bánh lớn về thị trường ngoại, sứ mệnh kinh doanh… thì sau Covid-19 việc trở về với cốt lõi của mình mới là điều quan trọng. Tôi chắc chắn rằng thời gian vừa qua, các bạn startup đã lao động miệt mài, tạo ra sự thay đổi bằng chính nỗ lực của mình", vị này nhấn mạnh.
Một trong những yếu tố cốt lõi nổi bật chính là văn hoá doanh nghiệp: quyết định sự đến đi của nhân sự và cũng là bài toán lớn của các công ty sau Covid-19. Không chỉ công ty khởi nghiệp, văn hoá doanh nghiệp đã và đang trở thành tâm điểm quan tâm của cộng đồng doanh nhân Việt Nam và thế giới vì nội dung bao trùm nhiều khía cạnh trong doanh nghiệp từ con người, môi trường làm việc, thương hiệu tới quản trị, chiến lược.
Dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn văn hoá doanh nghiệp cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam, bà Nguyễn Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Dale Carnegie Việt Nam – cho biết: "Tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp là tạo nên sự gắn kết lâu dài, đây cũng là yếu tố quyết định sự vững mạnh của một đội ngũ và sự phát triển bền vững của một tổ chức. Điều này tác động đến chiến lược định hình hướng đi và cách đi của công ty trong tương lai, khả năng ra quyết định, thái độ hướng đến khách hàng, khả năng làm chủ của nhân viên để ra quyết định trong chính công việc của họ".
Một khác biệt đặc thù của văn hoá doanh nghiệp trước và trong đại dịch là tính linh hoạt, thích ứng của các chuẩn mực văn hoá nhằm giúp công ty có thể trụ vững qua đại dịch. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số trong 3 năm gần đây đã tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho những chuyển hướng tập trung trong văn hoá doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp lúc này phải xây dựng hướng được văn hoá đến khả năng thích ứng linh hoạt, bản lĩnh thay đổi nhanh chóng trong những kế hoạch ngoài dự định của doanh nghiệp. Và nền tảng văn hoá còn phải tạo điều kiện cho người lao động/nhân sự được gắn kết chặt chẽ với công ty, đồng nghiệp; chăm sóc về thể chất và tinh thần; phát triển sự nghiệp dài hạn, và trưởng thành trong nghề nghiệp và tố chất của mình.
Ví dụ điển hình là trong giai đoạn 2020-2022, phần lớn giải pháp tự vấn và triển khai về phát triển năng lực tổ chức của Dale Carnegie đều xoay quanh 3 chủ đề lớn phổ biến là (i) hoạch định chiến lược và phát triển đội ngũ kế thừa; (ii) năng lực thích ứng linh hoạt của tổ chức, lãnh đạo thích ứng linh hoạt và (iii) sáng tạo và đổi mới.
Bởi, trong xã hội luôn thay đổi này, những thương hiệu mạnh mẽ và lâu bền nhất đều được xây dựng từ tâm huyết, có thực mới bền vững. Nền tảng của họ vững chắc hơn bởi vì chúng được xây dựng bằng sức mạnh của tinh thần con người, không phải là một chiến dịch quảng cáo. Những công ty tồn tại lâu dài là những công ty nguyên mẫu và thực chất.