(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước châu Âu rằng việc cắt nhập khẩu dầu của Nga chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
New York Times dẫn lời các quan chức và nhà ngoại giao Brussels đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu soạn thảo đề xuất cấm vận dầu của Nga.
Theo đó, lệnh cấm vận này có thể sẽ được áp dụng một cách từ từ, tương tự như lệnh cấm vận than của Nga được lên kế hoạch bắt đầu từ tháng 8, để các nhà nhập khẩu có thời gian tìm các nhà cung cấp thay thế.
Các quan chức chính phủ Ukraine đã nhiều lần kêu gọi EU cấm vận hoàn toàn với nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Tuy nhiên, một số thành viên EU, đặc biệt là Hungary, đã phản đối lệnh cấm vận này. Hungary cho rằng tác động của lệnh cấm dầu Nga đối với nền kinh tế sẽ rất tàn khốc. Đây có lẽ là lý do tại sao Brussels đang thảo luận về cách tiếp cận với lệnh cấm này theo từng giai đoạn.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng từ chối lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu vào lúc này. Nước này đồng thời phản đối việc thanh toán bằng đồng rúp cho các đơn hàng năng lượng của Nga mà Tổng thống Nga Putin yêu cầu với những "quốc gia không thân thiện".
Trong khi đó, trong cuộc hội đàm với EU tuần trước, Tổng thư ký OPEC đã khẳng định không thể lấp đầy khoảng trống do nguồn cung của Nga bị cấm vận.
Theo OPEC, các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai đối với Nga có thể tạo ra một trong những cú sốc cung dầu mỏ tồi tệ nhất và EU sẽ không thể thay thế được khối lượng này.
Một tuần trước, Nghị viện châu Âu đã tham gia chiến dịch gây sức ép, kêu gọi cấm hoàn toàn dầu mỏ, than đá, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hạt nhân của Nga để đáp lại những cáo buộc về những hành động quân sự đặc biệt của Nga nhắm vào Ukraine.
Theo các nguồn tin của NYT, lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ chỉ được thảo luận sau cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Pháp để tránh ảnh hưởng xấu đến cơ hội nhiệm kỳ thứ hai của đương nhiệm Emmanuel Macron.
Hôm 15/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước châu Âu rằng việc chuyển hướng từ nhập khẩu dầu của Nga sẽ "rất đau đớn".
"Những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm loại bỏ các nhà cung cấp dầu khí của Nga, hoặc để thay thế các nguồn năng lượng của chúng tôi bằng các nguồn cung cấp thay thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Hậu quả của một bước đi như vậy có thể rất đau đớn - và trước hết là đối với những người khởi xướng chính sách như vậy", nhà lãnh đạo Nga cảnh báo, được hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lại.
Giải thích về tuyên bố của mình, ông Putin nói: "Đơn giản là không có sự thay thế hợp lý nào cho châu Âu lúc này. Đơn giản là bây giờ không có nguồn cung cấp thay thế trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung cấp từ các quốc gia khác, chủ yếu là Mỹ có thể được gửi đến châu Âu, nhưng sẽ khiến người tiêu dùng phải trả giá đắt gấp nhiều lần, sẽ ảnh hưởng đến mức sống của người dân và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu".
Theo TASS, ông Putin khẳng định, đang tồn tại nhiều vấn đề với lĩnh vực dầu khí của Nga, đáng chú ý là "các quốc gia không thân thiện" đang trì hoãn thanh toán cho các khoản nhập khẩu dầu của Nga.
Ông lưu ý rằng nếu châu Âu không mua dầu và khí đốt của Nga, điều này sẽ gây bất ổn thị trường. Nhưng ông đồng thời thừa nhận giá cả ở Nga vì thế có thể sẽ tăng lên. Do vậy, ông kêu gọi bình ổn thị trường để kích thích nhu cầu trong nước, TASS đưa tin.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng kêu gọi đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng sang châu Á trong bối cảnh gặp khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu.
"Chúng ta cần đa dạng hóa xuất khẩu, từng bước chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển nhanh ở phía nam và phía đông", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Hôm 13/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cũng cho biết nước này sẵn sàng bán dầu và chế phẩm dầu cho "các quốc gia thân thiện" với bất cứ mức giá nào.
Những cảnh báo của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh cấm vận và hạn chế năng lượng Nga như một phần của biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá. Trong khi đó, hai nước châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ, lại đang tích cực mua dầu giá rẻ của Nga. Thậm chí, New Delhi gần đây tuyên bố sẽ mua thêm dầu Nga, bất chấp áp lực từ Mỹ và phương Tây.
Khánh Vy