Thế Giới Di Động bán xe đạp: Căng bạt, tận dụng mặt bằng sẵn có nhưng mục tiêu doanh thu 400 tỷ năm 2021

(Tổ Quốc) - Mở bán thử nghiệm từ 30/4 nhưng ngay sau khi có kết quả khả quan, TGDĐ đã đặt mục tiêu mở 150 cửa hàng, doanh thu 400 tỷ đồng cho đến cuối năm nay.

Sau khi mở rộng mô hình kinh doanh sang bán đồng hồ, laptop, Thế Giới Di Động tiếp tục thử nghiệm ở một lĩnh vực mới là bán xe đạp.

Nhà bán lẻ điện thoại, điện máy lớn nhất Việt Nam khai trương 2 cửa hàng bán xe đạp tại vùng ven TP.HCM vào dịp lễ 30/4. Khu vực bán xe được đặt dưới mái hiên của siêu thị Điện Máy Xanh.

"Các cửa hàng thử nghiệm duy trì doanh số mỗi ngày 15 xe đạp/shop. Đây là tín hiệu tốt cho một thử nghiệm. Đến những ngày cuối tháng 5 đã có 6 shop mở bán. Chúng tôi đang nỗ lực để 15 shop đi vào hoạt động trước ngày 15/6 và không có gì ngăn cản con số này x 10 lần vào 31/12/2021", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết. Ông này cũng cho biết chuỗi bán xe đạp sẽ nhanh chóng mở rộng tại Hà Nội và các tỉnh khác từ nay cho đến cuối năm.

Tiết lộ riêng với pv, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết kỳ vọng doanh thu của Thế Giới Di Động với mảng xe đạp cho đến cuối năm nay là 400 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động bán xe đạp: Căng bạt, tận dụng mặt bằng sẵn có nhưng mục tiêu doanh thu 400 tỷ năm 2021 - Ảnh 1.

TGDĐ đặt mục tiêu mở 150 shop, doanh thu 400 tỷ cho mảng kinh doanh xe đạp trong năm nay.

Hiện tại, Thế Giới Di Động kinh doanh khá đa dạng các loại xe đạp gồm xe đạp leo núi, xe đạp thể thao, xe đạp cho người di chuyển trong thành thị và xe đạp trẻ em, đến từ các thương hiệu như Thống Nhất, Giant, Martin 107, Asama.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, việc Thế Giới Di Động chọn thử nghiệm và nhanh chóng mở rộng chuỗi kinh doanh xe đạp không gây ngạc nhiên bởi họ có quá nhiều lợi thế.

"Quy mô thị trường xe đạp tại Việt Nam không nhỏ với 2,4 đến 2,5 triệu xe mỗi năm, doanh thu 6.000 đến 7.000 tỷ trong khi chưa có những chuỗi đủ lớn để thống trị thị trường. Khi Thế Giới Di Động nhày vào, họ có nhiều cơ hội". Vị này nhấn mạnh thêm với quy mô và danh tiếng của Thế Giới Di Động hiện tại, khi họ nhảy vào kinh doanh bất cứ mặt hàng nào, đó sẽ đều là mối đe doạ dành cho các đối thủ trong mảng đó.

"Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công trong kinh doanh bán lẻ, mặt bằng và danh tiếng là 2 trong số những nhân tố quan trọng nhất. TGDĐ có khoảng 2.500 điểm bán điện thoại, điện máy trên toàn quốc – sẽ tăng lên 3.000 điểm trong năm nay, gần như phủ khắp các vị trí đẹp nhất tại tất cả 63 tỉnh thành. Kênh online của họ hiện cũng giữ lượng truy cập hàng đầu tại Việt Nam, nếu so sánh với các trang thương mại điện tử. Khả năng tiếp cận khách hàng của họ vô cùng lớn", người này cho biết.

Bản thân ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng cho biết đơn vị này nắm giữ nhiều lợi thế khi nhảy sang kinh doanh xe đạp. "Mặt bằng chúng tôi có sẵn, chỉ là tái sắp xếp lại về layout, diện tích. Thậm chí khi bán xe đạp, chúng tôi đưa luôn ra ngoài sân, che bạt, không tốn quá nhiều chi phí, nguồn lực nhưng tận dụng được lượng khách hàng đang có. Mỗi sản phẩm bán ra có những khuyến mại lớn, ví dụ chúng tôi có thể giảm giá đồng hồ 20-40%, xe đạp 20-30% khi mua kèm TV, tủ lạnh. Chúng tôi tận dụng những thứ có sẵn để tiết giảm chi phí, tạo khoảng dư để làm khuyến mại cho khách hàng. Chúng tôi đang biến lợi thế thành cơ hội để bán hàng", ông Hiểu Em cho biết. Đây cũng là cách Thế Giới Di Động áp dụng khi mở bán các sản phẩm như đồng hồ, laptop.

Thế Giới Di Động (MWG) mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm với doanh thu thuần 40.449 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.691 tỷ, tăng 26%.

Trong cơ cấu doanh thu theo chuỗi, Điện Máy Xanh chiếm đa số với 53% doanh thu hợp nhất, tăng 3% so với cùng kỳ. Chuỗi Thegioididong.com đóng góp 26,8% doanh thu, tăng 5%. Trong khi đó, chuỗi Bách Hoá Xanh đóng góp 20% doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ.

Thành Duy

Tin mới