(Tổ Quốc) - Khách hàng khi mua sản phẩm điện thoại, điện máy thông qua các đại lý nhỏ lẻ này vẫn được phục vụ bởi Thế Giới Di Động, còn đại lý sẽ nhận chiết khấu 5-20%, tuỳ vào mặt hàng.
Thế Giới Di Động vừa chính thức đưa ra một mô hình kinh doanh mới có tên "mô hình cộng tác viên" trong dự án hợp tác cùng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO của Thế Giới Di Động cho biết, hệ thống bán lẻ offline của đơn vị này hiện có khoảng 2.500 cửa hàng, gồm cửa hàng bán lẻ điện thoại và điện máy. Kế hoạch của TGDĐ là tăng lên 3.000 cửa hàng trong năm 2021. Với 3.000 cửa hàng này, TGDĐ ước tính sẽ chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ điện thoại, điện máy tại Việt Nam, 30% thuộc về các hệ thống bán lẻ khác và 20% còn lại thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ. Mục tiêu của TGDĐ là mở rộng thị phần tại các địa bàn mà cửa hàng TGDĐ chưa thể vươn tới, bằng việc hợp tác với 20% các đại lý nhỏ lẻ nói trên.
Theo ước tính của TGDĐ, Việt Nam hiện có khoảng 20.000 - 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ đang kinh doanh các mặt hàng điện thoại, điện máy. Điều kiện để hợp tác là đại lý cần có mặt bằng và bảng biểu. Để đăng ký thành cộng tác viên, đại lý cần thực hiện một vài thao tác (đăng ký thông tin cá nhân, địa điểm, chụp ảnh mặt bằng cửa hàng vv…). Phía TGDĐ cam kết sẽ thẩm định thông tin đại lý trong vòng 2 ngày. Mức chiết khấu dành cho các đại lý nhỏ lẻ này là 5-20%, tuỳ vào mặt hàng và hãng sản xuất. Chẳng hạn, trong màn demo của TGDĐ, mức chiết khấu cho một chiếc Oppo Reno5 giá 8,99 triệu đồng là 899.000 đồng, tương đương 10%.
Nói một cách dễ hiểu, các "cộng tác viên" của Thế Giới Di Động đóng vai trò là các tư vấn viên, bán tất cả sản phẩm của Thế Giới Di Động, từ điện thoại, điện máy, laptop hay đồng hồ. Khi khách hàng đồng ý mua sản phẩm, mọi thao tác còn lại sẽ do Thế Giới Di Động lo.
Theo Thế Giới Di Động, mô hình này mang đến một số lợi ích cho các cửa hàng nhỏ lẻ như không tốn chi phí tồn kho, vận hành. Họ chỉ cần tư vấn và nhận chiết khấu. Thời điểm đầu, TGDĐ chưa cung cấp các hình thức hỗ trợ bán hàng cho các đại lý này như trang trí cửa hàng hay hàng trưng bày. "Tuy nhiên, qua thời gian, chúng tôi sẽ có sự sàng lọc sàng lọc. Một số đại lý đạt đủ doanh số có được nhận được đầu tư nhiều hơn về hình ảnh, hàng lưu kho hoặc hình thức kinh doanh khác phù hợp cho đại lý đó", ông Hiểu Em cho biết.
Đối với khách hàng, họ sẽ mua sản phẩm đúng với giá niêm yết trên website của Thế Giới Di Động, hưởng toàn bộ các chính sách bán hàng và sau bán hàng hiện có, bao gồm cả việc trả góp.
Trước đó vào tháng 4, thông tin Thế Giới Di Động gửi văn bán đến các hãng và nhà phân phối đề xuất mô hình kinh doanh mới, liên kết với các cửa hàng nhỏ lẻ để bán hàng đã gây xôn xao trên thị trường bán lẻ. Khá nhiều các đại lý cỡ trung bày tỏ lo ngại trước mô hình kinh doanh này của Thế Giới Di Động bởi nếu thành công, thị phần của họ có thể gia tăng mạnh, tạo sức ép lớn lên các đại lý này.
Mặc dù vậy, ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng nhận định đây mới chỉ là một thử nghiệm của Thế Giới Di Động, giống với thử nghiệm mô hình điện thoại siêu rẻ trước đây (đã thất bại) hay Điện Máy Xanh mini. "Hiện tại chỉ là chúng tôi nhìn thấy cơ hội và nhảy vào làm. Chỉ đến khi nhìn thấy kết quả bước đầu, chúng tôi mới đưa ra các chính sách phù hợp tiếp theo hoặc đặt mục tiêu kết quả kinh doanh cụ thể", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết.
Trong năm 2020, doanh thu của Thế Giới Di Động đạt 108.500 tỷ đồng. Mục tiêu của hệ thống này là đạt doanh thu 125.000 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, doanh thu của hệ thống này đã tăng 7 lần. Số lượng nhân viên của Thế Giới Di Động hiện vào khoảng 70.000 người.
Thành Duy