(Tổ Quốc) - Thế hệ trẻ tuổi giàu có tại Trung Quốc thích khoe xe sang, túi hiệu, làm phim tài liệu kể về “cuộc đời thăng trầm” của mình đang khiến nhiều người chán ghét.
Tranh cãi về thế hệ trẻ tuổi giàu có kế thừa tiền bạc của gia đình
Con trai tỷ phú bất động sản Chen Mailin là Chen Ding từng gây chú ý khi khoe hóa đơn mua siêu xe Bugatti Chiron Pur Sport, trị giá tới 4 triệu USD. Hóa đơn này được thanh toán bằng thẻ tín dụng của người cha tỷ phú.
Theo SCMP, “công chúa” của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei, Annabel Yao, thực hiện một bộ phim tài liệu dài 17 phút để kể về "cuộc đời nhiều thăng trầm" của mình. Cô chia sẻ bản thân đã phải làm việc cật lực, học tập chăm chỉ để vào được trường tốt. Cô cũng ký hợp đồng với một công ty giải trí là "món quà sinh nhật đặc biệt" tự dành tặng bản thân.
Không lâu trước đó, Su Mang, cựu tổng biên tập của Harper's Bazaar Trung Quốc, gây tranh cãi khi phát ngôn cho rằng 101 USD/ngày. "Chúng ta phải ăn tốt hơn. Sao có thể có tiêu chuẩn thấp như vậy?", Su Mang nói.
Chen, Su và Yao đều là những đại diện của thế hệ trẻ tuổi giàu có tại Trung Quốc. Thay vì nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác, họ lại vấp phải rất nhiều tranh cãi và ghét bỏ từ cộng đồng trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là vì được cho là có thành tựu không tương xứng với đãi ngộ.
Annabel Yao từng tham gia và thực hiện điệu nhảy mở màn dạ hội xa hoa nhất hành tinh, chỉ dành cho giới siêu giàu Le Bal được tổ chức năm 2018. Ảnh: Sina
Họ đều là con cái của những vị đại gia Trung Quốc lẫy lừng, thừa hưởng điều kiện và môi trường sống hàng đầu. Rất nhiều người cho rằng, những kết quả họ đang có trong tay đều là “đặc quyền” khi có phụ huynh là một trong những người giàu nhất đất nước.
Một số người đã bình luận như sau:
“Một cô công chúa vừa tốt nghiệp đại học, bước vào ngành giải trí nhờ tiền bạc của cha thay vì thực lực, thế mà lại làm phim tài liệu về cuộc đời thăng trầm.”
"Trong khi một ngày tôi chỉ dám tiêu 4,5 USD, có người lại phàn nàn 100 USD không đủ cho một bữa ăn."
“Riêng tiền thuế mua chiếc siêu xe đó cũng đủ để tôi sống cả đời.”
Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày một nới rộng. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thu nhập trung bình hàng năm tại đất nước này là 32.189 NDT (5.000 USD), tương đương khoảng 2.682 NDT/tháng.
Bắc Kinh đã trở thành nơi có nhiều tỷ phú bậc nhất trên thế giới. Mức thu nhập kỷ lục năm 2020 của những người giàu Trung Quốc lên tới 1,5 tỷ USD, theo báo cáo của công ty Hurun Report.
Trong tình trạng đó, cuộc sống của tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Trung Quốc ngày càng phát triển về chất lượng. Rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ tuổi giàu có thích khoe túi hiệu, xe sang, du thuyền và đời sống “sang chảnh” của mình trên mạng xã hội.
“Chính những câu chuyện khoe khoang gần đây của các rich kid đã khiến mọi người tức giận và sinh ra cảm xúc chán ghét,” Tiến sĩ Haiqing Yu, giáo sư nghiên cứu phương tiện truyền thông tại Đại học RMIT Melbourne chia sẻ.
Khách hàng xếp hàng dài để vào cửa hàng Gucci tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Chỉ phô trương hào nhoáng nhưng không có nỗ lực xứng đáng?
Theo báo chí Trung Quốc, thế hệ giàu có thứ hai của Trung Quốc giống như Paris Hilton ở Hoa Kỳ mười năm trước, nhưng không bằng Hilton.
Cứ sau vài tháng, những vụ việc liên quan lại xuất hiện trước mắt công chúng. Có người đốt tiền để gây chú ý, có người khoe tài sản tiết kiệm lên tới hàng tỷ Nhân dân tệ, có người tổ chức hoặc tham gia hàng loạt các buổi tiệc tùng xa hoa và lãng phí… Thiếu gia tỷ đô Wang Sicong cũng từng gây tranh cãi khi đốt tiền tỷ cho một buổi karaoke, mua 2 chiếc Apple Watch mạ vàng tiền tỷ cho chú chó của mình đeo...
Sự tồn tại của thế hệ trẻ tuổi giàu có nhờ kế thừa tài sản của gia đình đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng họ chỉ biết phô trương sự giàu có mà không biết cách tạo ra nhiều của cải hơn?
Thiếu gia tỷ đô Wang Sicong nổi tiếng với lối sống xa hoa, rất chịu chi cho thú vui và sở thích.
Tờ China Youth Daily đưa tin, 70 “người kế vị” từ các công ty lớn của Trung Quốc đã phải tham gia một khóa học đề cao lòng hiếu thảo. Trong đó, vai trò quan trọng của các giá trị truyền thống của Trung Quốc đối với sự phát triển của các doanh nghiệp được đặc biệt nhấn mạnh. Đây được xem là hành động để “cảnh báo” các “công chúa”, “thiếu gia” phải xem xét lại lối sống của mình.
Giờ đây, khi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới, thế hệ những người thừa kế giàu có đang ở một vị trí bấp bênh. Họ phải chứng minh cho cả thế giới thấy sự tồn tại của mình là có giá trị riêng, chứ không chỉ biết phô trương giàu có, sưu tập hàng hiệu và xe sang.
*Theo SYCY
Thuý Phương