Thêm 53 ứng dụng Android gian lận cước phí, xóa gấp nếu máy của bạn đang cài đặt

(Tổ Quốc) - Google đã thực hiện các bước để loại bỏ hàng chục ứng dụng gian lận nhiễm phần mềm độc hại Joker, Facestealer và Coper khỏi Play store. Tuy nhiên, các hacker vẫn liên tục tìm cách vượt qua các hàng rào bảo mật do Google dựng lên và khiến người dùng mất cảnh giác tải về những ứng dụng độc hại này,

Các nhà nghiên cứu bảo mật từ Zscaler ThreatLabz và Pradeo vừa phát hiện ra một loạt ứng dụng gian lận cước phí nhắm vào người dùng Android.

Những ứng dụng gian lận cước phí này được ghi nhận có chứa phần mềm độc hại khét tiếng Joker được thiết kế để đăng ký người dùng sử dụng các dịch vụ trả phí không mong muốn hoặc thực hiện cuộc gọi đến các số đặc biệt, đồng thời thu thập tin nhắn SMS, địa chỉ liên hệ và thông tin thiết bị. Phần mềm độc hại này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017.

Tổng cộng có 53 ứng dụng chứa phần mềm độc hại Joker đã được các nhà nghiên cứu xác định với hơn 330.000 lượt tải trên Google Play. Các ứng dụng này thường đóng vai trò là SMS, trình chỉnh sửa ảnh, máy đo huyết áp,... Tuy nhiên chúng yêu cầu quyền cao hơn để thiết bị thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của hacker.

Thêm 53 ứng dụng Android gian lận cước phí, xóa gấp nếu máy của bạn đang cài đặt - Ảnh 1.

Thêm 53 ứng dụng Android gian lận cước phí, xóa gấp nếu máy của bạn đang cài đặt - Ảnh 2.

Không chỉ Joker, nhà nghiên cứu bảo mật Maxime Ingrao mới đây đã tiết lộ 8 ứng dụng có chứa một biến thể khác của phần mềm độc hại có tên Autolycos, với tổng cộng hơn 3 triệu lượt tải về trước khi bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng sau hơn 6 tháng hoạt động.

Theo nhà nghiên cứu Pieter Arntz của Malwarebytes: "Điểm mới của loại ứng dụng độc hại này là nó không còn yêu cầu WebView. Việc này sẽ làm giảm đáng kể khả năng giúp người dùng phát hiện điều bất thường. Autolycos tránh WebView bằng cách thực thi URL trên trình duyệt từ xa và sau đó đưa kết quả vào các yêu cầu HTTP".

Cũng được phát hiện trên thị trường là các ứng dụng nhúng phần mềm độc hại Facestealer và Coper. Trong khi Facestealer cho phép hacker tiến hành bòn rút thông tin đăng nhập Facebook và mã thông báo xác thực thì Coper có thể ăn cắp nhiều loại dữ liệu. Hai ứng dụng được phát hiện nhiễm Facestealer và Coper bao gồm Vanilla Camera (cam.vanilla.snapp) và Unicc QR Scanner (com.qrdscannerratedx).

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần đảm bảo tải ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng bên thứ nhất, đồng thời nên hạn chế cấp các quyền không cần thiết cho các ứng dụng. Ngoài ra, người dùng có thể xác minh tính hợp pháp bằng cách kiểm tra thông tin nhà phát triển, đọc đánh giá và xem xét kỹ lưỡng các chính sách bảo mật của họ.

Tham khảo: Thehackernews

Quỳnh Anh

Tin mới