Thị phần khách hàng: Cuộc đua mới trên thị trường chứng khoán?

(Tổ Quốc) - Bên cạnh các bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán quen thuộc, cuộc đua giành thị phần khách hàng được dự đoán trở thành xu hướng mới của các công ty chứng khoán (CTCK) trong năm 2020.

Số lượng tài khoản chứng khoán liên tục tăng nhanh đầu năm 2020, cùng việc đồng loạt các "ông lớn" đưa ra thông cáo về thị phần khách hàng mới phải chăng là dấu hiệu cho thấy về một cuộc đua mới trên thị trường chứng khoán?

Bắt đầu cuộc đua giành top đầu thị phần khách hàng mới

Tháng 3/2020, TTCK Việt Nam ghi nhận gần 32.000 tài khoản mở mới, cao nhất trong 2 năm trở lại đây. CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đưa ra thông báo đơn vị này chiếm gần 30% thị phần tài khoản mở mới tháng 3 toàn thị trường.

Trong khi đó, CTCP chứng khoán VNDIRECT công bố số liệu cụ thể hơn với trên 24.000 tài khoản mở mới Quý 1/2020 và mới đây nhất là gần 15.000 tài khoản mới chỉ riêng trong tháng 4/2020. Dựa trên số liệu 61.000 tài khoản mới trong Quý 1/2020 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), VNDIRECT chiếm đến 40% số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư trong nước.

Đáng chú ý là 2 công ty này vốn có định hướng sản phẩm và khách hàng khá khác nhau. Nếu VNDIRECT định hướng phát triển khách hàng đầu tư chứng khoán cá nhân ngay từ khi mới thành lập và có thế mạnh về nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thì TCBS lại chủ yếu tập trung vào mảng trái phiếu. TCBS chiếm hơn 80% thị phần trái phiếu, bởi vậy không loại trừ khả năng phần lớn tài khoản mới tại TCBS là của nhà đầu tư trái phiếu dài hạn.

Theo chân 2 ông anh lớn, trong báo cáo kinh doanh Quý 1/2020, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đã đưa thông tin số lượng tài khoản mở mới tại KBSV trong quý tăng gấp đôi, đạt mức 198%, so với thời điểm Quý 4/2019.

Cuối cùng, SSI cũng lần đầu tiên công bố số lượng tài khoản mở mới trong thông cáo báo chí Quý 1/2020. Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng SSI cho biết số tài khoản mới 3 tháng đầu 2020 tăng 28% so với cùng kì 2019. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với tỷ lệ 18% của thị trường.

Tiềm năng lớn từ thị phần khách hàng

Thực tế cho thấy, nhờ nhóm các nhà đầu tư cá nhân mới mà thị trường dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VN-Index giảm điểm và quỹ đầu tư ngoại không ngừng rút vốn thì chứng khoán trong nước vẫn duy trì được những tín hiệu tích cực. Tính tới ngày 29/4, mức vốn hóa thị trường đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ so với cuối tháng 3; thanh khoản chứng khoán cơ sở và phái sinh vẫn khả quan với giá trị giao dịch bình quân Quý 1/2020 đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04%; giao dịch phái sinh bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng tới 38% so với năm 2019.

Trao đổi với phóng viên, đại diện VNDIRECT cho biết, chứng khoán Việt Nam đang là thị trường trẻ với tỷ lệ dân số có tài khoản đầu tư còn rất thấp. Nếu đúng theo mục tiêu đề ra của Chính phủ thì đến cuối năm nay số nhà đầu tư trên thị trường cũng mới là 3% dân số, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 50-60% dân số của Mỹ và Châu Âu. Bởi vậy, tiềm năng mở rộng tệp khách hàng còn rất lớn, nhất là với điều kiện công nghệ ngày càng phát triển, thế hệ trẻ ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của đầu tư tài chính thì thành công sẽ đến với công ty nào biết nắm bắt cơ hội.

Tuy nhiên, cũng theo VNDIRECT, các nhà đầu tư mới chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm nên phần lớn còn có tâm lý e dè. Vì thế, VNDIRECT không chỉ liên tục nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao dịch trực tuyến, đưa ra các sản phẩm mới phù hợp các tệp khác nhau mà còn có nhiều hoạt động cung cấp kiến thức đầu tư miễn phí như Hội thảo tài chính cá nhân cho sinh viên hay Lớp học đầu tư 0 đồng mỗi tháng giúp khách hàng hiểu đúng về đầu tư bền vững. Giới trẻ 9X và thế hệ GenZ (sinh sau 1996) chính là nhóm khách hàng tiềm năng chúng tôi nhắm đến - VNDIRECT khẳng định.

Thị phần khách hàng sẽ là xu hướng mới?

Mỗi CTCK có một chiến lược phát triển khác nhau, không phải công ty nào cũng tập trung vào nhóm nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, để TTCK Việt Nam phát triển cân đối, bền vững, việc mở rộng tệp khách hàng, tăng số lượng tài khoản là một trong những nội dung cấp thiết.

Cuộc chiến giành thị phần khách hàng hoàn toàn khác với các cuộc chiến thị phần môi giới quen thuộc. Không thể chạy đua bằng các ưu đãi ngắn hạn như giảm phí giao dịch hay giảm lãi suất cho vay margin mà đòi hỏi đầu tư dài hạn, có khi mất đến 5-10 năm gieo trồng mới có thể "kết trái" nên không phải CTCK nào cũng có đủ nguồn lực và "chịu chi". Dù vậy, động thái của các "đầu tàu" thời gian qua là dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc đua giành thị phần khách hàng đã dần định hình và có khả năng trở thành một xu hướng mới của ngành chứng khoán.

Ánh Dương

Tin mới