(Tổ Quốc) - Theo hầu hết các chuyên gia, cái được lớn nhất của thị trường BĐS ở thời điểm này là tâm lý của người mua đã lạc quan hơn. Theo đó, niềm tin về sự phục hồi của thị trường BĐS là dễ thấy trong đầu năm 2022.
Tuy vậy, để có những "bùng nổ" về BĐS trong năm Nhâm Dần, theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, điều đó khó xảy ra.
Chia sẻ tại toạ đàm chiều 23/12, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác tiêm vắc -xin đang được đẩy mạnh. Kinh tế thế giới đang phục hồi tương đối nhanh, lạm phát tăng nhưng sẽ dịu dần vào năm 2023. Chưa kể, Chính phủ đang thay đổi chiến dịch về phòng chống dịch. Bán lẻ, sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi.
Theo TS Lực, nhìn chung nền kinh tế đang phục hồi ổn định, thị trường BĐS vẫn có những điểm sáng tích cực. Tâm lý của người mua nhà vẫn lạc quan về thị trường. Nếu năm 2022, GDP đạt mức 6-7% như dự báo sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Cùng với đó, tín dụng về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… được đưa vào chương trình hỗ trợ lãi suất; đầu tư, cơ sở hạ tầng đang tập trung giải quyết.
Ngoài ra, pháp lý BĐS cũng đang được tháo gỡ tích cực; dòng vốn FDI vào BĐS vẫn tương đối ổn, mặc dù có chậm hơn so với thời điểm chưa dịch. "Nhà đầu tư vẫn đánh giá cao vào thị trường BĐS. Tâm lý lạc quan vẫn thể hiện rõ nét trên thị trường", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, tâm lý của nhà đầu tư vẫn lạc quan vào thị trường BĐS năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6-7%, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực, đặc biệt là mảng đầu tư vào thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia này cho rằng, đối với nhà đầu tư nước ngoài,câu chuyện bất động sản nhà ở với dân số 100 triệu là một cơ hội rất tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6-7%, đây là cơ hội cho họ nhìn thấy được nhu cầu nhà ở đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Như vậy, mặc dù gặp khó khăn về vấn đề pháp lý, về quỹ đất nhưng đây vẫn là cơ hội cho các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới nhìn nhận Việt Nam như một điểm nóng về thị trường bất động sản.
"Tôi nghĩ rằng trong năm 2022 - 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 – 2023", TS Khương nhấn mạnh.
Còn theo ông David Jackson, rất khó xảy ra cơn sốt BĐS diện rộng vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, tâm lý của thị trường sẽ tốt hơn so với năm 2021. Nhiều nhà đầu tư sẽ tranh thủ xuống tiền để đón chu kì tăng trưởng mới của BĐS. Nên nhìn chung, tâm lý thị trường BĐS đầu năm Nhâm Dần sẽ lạc quan hơn.
Nêu lý do khó có sốt đất xảy ra đầu năm 2022, chuyên gia Colliers Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 kéo dài nên có thể không ít nhà đầu tư sẽ tỏ ra đặc biệt thận trọng với dòng tiền và các quyết định đầu tư của họ trong năm mới 2022. Có thể có nhiều nhà đầu tiên sẽ ưu tiên chiến lược "đánh chắc, thắng chắc" thay vì "đánh nhanh, thắng nhanh".
Cùng với đó, thông tin về BĐS nhìn chung ngày càng được trở nên công khai, minh bạch hơn. Nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn để kiểm tra, đối chiếu thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau. Các hội, nhóm đầu tư BĐS trên mạng xã hội giúp các nhà đầu tư hỗ trợ nhau rất tốt trong việc tìm kiếm, xác minh các thông tin liên quan.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng ngày càng "dày dạn", nhiều kinh nghiệm và tỉnh táo hơn trên thị trường. Quá trình đầu tư đã giúp họ có thêm các kỹ năng phân tích thông tin, bình tĩnh hơn trước tin tức về quy hoạch cầu càng, đường xá hay khu đô thị.
Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia trong ngành, sang năm 2022, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung eo hẹp. Phần lớn do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để trong khi lực cầu đang được duy trì và có chiều hướng tăng mạnh hơn.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, thời gian qua, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp tại TP. HCM tăng 17%. Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại Tp.HCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%. Và xu hướng tăng giá vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Theo bà Dung, thị trường bất động sản đã tạo ra nhiều kháng thể, bằng cách tự thích ứng linh hoạt với xu thế "bình thường mới" thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.
Bảo Anh