(Tổ Quốc) - Ngoài tuyến vành đai 3 Tp.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xúc tiến đầu tư với số vốn hàng chục ngàn tỉ đồng khiến thị trường BĐS khu vực Bình Chánh được quan tâm.
Bình Chánh nằm tại cửa ngõ phía Tây và Tây Nam thành phố, kết nối giữa ĐBSCL với Tp.HCM – là địa phận mà tuyến vành đai 3 và cao tốc Bến Lức -Long Thành đi qua. Đây cũng là khu vực đã hội tụ các tuyến huyết mạch đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 50, đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận… là những nhân tố tác động rõ nhất đến thị trường BĐS khu vực này suốt thời gian qua.
Mới đây, tuyến Vành Đai 3 và cao tốc Bến Lức - Long Thành xúc tiến đầu tư tiếp tục tạo nên hiệu ứng tích cực, được kì vọng kích thích chuỗi đô thị dọc tuyến, mở ra cơ hội cho thị trường BĐS Bình Chánh nói riêng, khu Tây Nam nói chung.
Thực tế, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2010. Dự án được khởi công vào tháng 7/2014 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019. Do gặp nhiều vướng mắc, nhất là về vốn nên nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành. Hiện nay dự án đạt 80% khối lượng.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) với ngân sách ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án tạo sự kết nối và nâng cao hiệu quả khai thác đồng bộ với sân bay Long Thành (Đồng Nai), dự kiến hoàn thành năm 2025 và trong tương lai (giai đoạn 2) sẽ kết nối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Về quy mô, tuyến được thiết kế 4 làn xe chạy và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h, khi hoàn thành sẽ giúp kết nối khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nam Bộ.
Cùng với cao tốc Bến Lức – Long Thành (vốn ngân sách 31.000 tỉ đồng) thì Vành đai 3 Tp.HCM (sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng) cũng là trọng lực kết nối liên vùng. 2 tuyến giao thông quan trọng này đang tạo động lực kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây như Bình Chánh, Bình Tân. Hiện dự án đang được chính quyền địa phương khẩn trương thi công từ quý 3 năm nay.
Ghi nhận cho thấy, ngoài thông tin quy hoạch lên quận thì thông tin về hạ tầng giao thông lớn xúc tiến đầu tư đang tạo động lực rõ nét cho thị trường BĐS khu vực Bình Chánh suốt thời gian qua. Việc triển khai loạt dự án hạ tầng tỷ USD không chỉ đưa huyện này tiến gần hơn tới lộ trình lên thành phố mà còn tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị hiện đại dọc tuyến.
Bình Chánh là huyện có lợi thế nằm bao bọc phía tây và một phần phía nam của khu vực nội thành TP.HCM. Phía đông giáp quận 7 và huyện Nhà Bè, phía đông bắc giáp quận 8 và quận Bình Tân, phía bắc giáp huyện Hóc Môn, phía tây và nam giáp với Long An. Trong đó, phía tây giáp các huyện Đức Hòa và Bến Lức, phía nam giáp huyện Cần Giuộc. Do nằm vị trí lõi, cho nên khi xuất hiện các tuyến giao thông kết nối liên vùng về phía Tây Tp.HCM thì khu vực này gần như được "hưởng" trọn vẹn.
Ngoài 2 tuyến hạ tầng quy mô này, thời gian qua, BĐS Bình Chánh còn được hưởng lợi từ hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông "điểm nhấn" như dự án Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên) đã được UBND TP.HCM gửi công văn trình Chính phủ xem xét phê duyệt vào cuối tháng 4/2020. Hay, chính quyền địa phương cũng tập trung đầu tư, nâng cấp trục quốc lộ 50 với ngân sách gần 1.500 tỉ đồng; mở rộng quốc lộ 1A lộ giới 120m với quy mô 3.353 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1 trị giá gần 3.300 tỉ đồng, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh cũng được Tp.HCM dự kiến khởi công năm 2022, hoạt động vào năm 2023.
Hiện tại, các thông tin về hạ tầng dần lộ diện đã khiến thị trường BĐS khu vực này chộn rộn ăn theo, nhất là các dự án có kết nối trực tiếp với các tỉnh thông qua vành đai 3 và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Hoạt động đầu tư, mua bán đã có dấu hiệu rục rịch mạnh mẽ thời điểm này. Trong đó, các dự án đã có sự biến động về cả giao dịch lẫn mức giá bán.
Theo báo cáo mới nhất của Chợ Tốt Nhà, trong 8 tháng đầu năm 2022, thị trường căn hộ Bình Chánh ghi nhận tăng giá nhẹ với mức tăng trung bình khoảng 4% mỗi tháng, và đạt trung bình 33,9 triệu đồng/m2 trong tháng 8/2022. Trong khi đó, huyện Nhà Bè ổn định giá bán trong quý 2/2022 ngang ngửa thời điểm quý 1/2022 khi mức giá cao nhất rơi vào tháng 4 và giảm dần qua các tháng tiếp theo xuống còn 32,1 triệu đồng/m2.
Có thực tế là nguồn cung nhà ở tại khu vực Bình Chánh còn rất ít, nhất là các dự án đủ pháp lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo đó, dự án BĐS nào bung thị trường thời điểm này, theo các chuyên gia vừa có lợi thế về giao dịch nhưng cũng chịu áp lực về mặt bằng giá, bởi lẽ việc CĐT không thể không tăng giá thứ cấp trong bối cảnh nguồn cung nhà ở tại Tp.HCM khan hiếm, quỹ đất sạch cạn kệt, nhưng nếu tăng quá cao thì sẽ áp lực về mặt thanh khoản dự án.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, thị trường BĐS Bình Chánh chịu tác động lớn từ các thông tin quy hoạch, hạ tầng. Mặt bằng giá BĐS khu vực này đã tăng gấp 2-3 lần so với 3-4 năm trước. Mặc dù những thông tin về sốt đất ở Bình Chánh không được đăng tải rầm rộ như các khu vực khác, nhưng trên thực tế giá BĐS nơi đây liên tục tăng, thậm chí vượt qua khả năng lướt sóng của các nhà đầu tư tay ngang.
Với phân khúc đất nền, những khu vực thu hút nhà đầu tư phải kể đến trục đường Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh. Hiện tại nền đất ở khu dân cư (KDC) Trung Sơn có giá từ 125-160 triệu đồng/m2, "nóng" không khác gì đất nền khu Đông TP. Trong khi đất nền thứ cấp xung quanh khu vực này cũng ở mức từ 80-90 triệu đồng/m2. Giá đất nền trong KDC tại Bình Chánh không còn mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 cho thấy, mặt bằng giá BĐS khu vực này đã tăng mạnh thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục chu kì tăng trong tương lai, ăn theo những thông tin hạ tầng, quy hoạch.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế