(Tổ Quốc) - Trong xu hướng điều chỉnh chung của thị trường, các cổ phiếu Bluechips cũng không tránh khỏi việc giảm điểm.
TTCK Việt Nam khởi đầu năm 2022 đầy thuận lợi và chỉ số VN-Index đã mau chóng vượt mốc 1.500 điểm. Tuy vậy, những biến động khó lường từ thị trường quốc tế cùng việc một số lãnh đạo tập đoàn lớn trong nước vướng vòng lao lý đã khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và chỉ số VN-Index có thời điểm rơi xuống dưới mốc 1.300.
Trong xu hướng điều chỉnh chung của thị trường, các cổ phiếu Bluechips cũng không tránh khỏi việc giảm điểm. Thống kê trong 4 tháng đầu năm, nhiều cổ phiếu lớn như MSN, GVR, VHM, VIC, VNM...đã ghi nhận mức giảm lên tới 2 con số.
Trong số các cổ phiếu lớn được thống kê, ông lớn ngành cao su Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng bán tháo quét qua thị trường vừa qua. Cổ phiếu này trải qua nhiều phiên giảm điểm mạnh khiến thị giá xuống mức 28.850 đồng/cp kết phiên 29/4, tương đương mất 22% thị giá so với đầu năm. Vốn hóa theo đó cũng "bốc hơi" hơn 32.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, GVR ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.350 tỷ đồng, tăng 25%; Lãi ròng đạt 5.602 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của GVR trong năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi mảng cao su tự nhiên. Trong khi đó, lợi nhuận sẽ được thúc đẩy bởi thu nhập tài chính tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ các khoản lãi từ việc thoái vốn. CTCK này dự phóng doanh thu của GVR năm 2022 có thể đạt 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 5.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 25% so với năm trước.
GVR giảm mạnh sau 4 tháng
Bộ ba Bluechips họ VinGroup là Vinhomes (VHM), TĐ Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) cũng mất đến 21,4%; 16% và 14% thị giá chỉ sau 4 tháng đầu năm.
Chốt phiên 29/4, vốn hóa VHM mất hơn 77.000 tỷ đồng và 58.000 tỷ đồng đối với VIC so với đầu năm. Tương tự, VRE cũng bốc hơi khoảng 11.600 tỷ đồng kể từ khi thị giá đạt đỉnh 36.000 đồng/ cổ phiếu vào giữa tháng 2.
Cập nhật mới đây, tổng doanh thu thuần hợp nhất VHM ghi nhận trong Quý 1 năm 2022 đạt 8.923 tỷ đồng, đến từ việc bàn giao bất động sản để ở tại ba đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.886 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 4.540 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong Quý I năm 2022 đạt 1.043 đồng.
Ngoài ra, quý 1/2022 Vingroup ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.928 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 512 tỷ đồng lần lượt giảm 31% và 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị giá giảm của bộ đôi họ nhà VHM qua các tháng
Một ông lớn khác ngành xây dựng cũng lao dốc giảm điểm là Novaland (NVL). Từ đầu năm đến nay, NVL đã trải qua khá nhiều cuộc biến động về giá. Cụ thể, giá cổ phiếu giảm 10% xuống còn 82.000 đồng/cp kết phiên cuối tháng 4 vừa qua, tương ứng vốn hóa "bốc hơi" hơn 17.500 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngược chiều so với biến động giá cổ phiếu, kết thúc quý 1/2022, Tập đoàn Novaland ghi nhận hơn 1.965 tỷ đồng tổng Doanh thu hợp nhất và gần 1.046 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, ngày 19/04/2022 vừa qua, Novaland đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022 tại TP.HCM, thông qua kế hoạch Doanh thu gần 36.000 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế 6.500 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 141% và 88% so với năm 2021). Dự kiến, động lực cho việc tăng trưởng doanh thu đến từ việc bàn giao các dự án lớn như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram (Wonderland, The Tropicana) và các cụm dự án tại TP.HCM.
NVL giảm 17% trong vòng 2 tháng kể từ đỉnh hồi đầu năm 2022
Cũng có diễn biến không mấy tích cực trong thời gian gần đây là cổ phiếu ngành sữa Vinamilk (VNM). Kết thúc phiên giao dịch 29/04, thị giá VNM chỉ còn 74.200 đồng, giảm 10.800 đồng, tương ứng 12,7% so với đầu năm.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2022, anh cả ngành sữa đạt 22,3% mục tiêu tổng doanh thu và 23,3% mục tiêu lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2022 đạt 13.878 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 2.283 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2022 diễn ra mới đây, VNM sẽ triển khai, đẩy mạnh 4 dự án lớn phục vụ cho mục tiêu kép: củng cố vị thế ngành sữa và mở rộng hoạt động kinh doanh. Bao gồm: Dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò, giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư 2.895 tỷ đồng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 có quy mô công suất khoảng 30.000 bò thịt/năm. Theo sau là các dự án: Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu, Tổ hợp nhà máy sữa phía Bắc và Tổ hợp Trang trại bò sữa Lao - Jagro.
Biến động giá VNM từ đầu năm 2022
Tiếp theo, Hoà Phát (HPG) cũng là mã cổ phiếu vốn hóa lớn đi lùi về giá sau 4 tháng. Tính từ mức mở cửa phiên 04/01, cổ phiếu HPG đã giảm 7% xuống còn 43.300 đồng/cp vào phiên cuối tháng 4/2022. Ngoài ra, kể từ đỉnh ngắn hạn lập hồi đầu tháng 3, cổ phiếu này đã lao dốc giảm 20% sau gần 2 tháng. Sau đó, HPG đã tìm lại được sắc xanh trong vòng 4 phiên trở lại đây.
Điểm lại năm 2021, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng LNST, tăng trưởng lần lượt 65% và 55,6% so với cùng kỳ 2020, vượt 26% và 92% kế hoạch kinh doanh.
Theo tài liệu ĐHCĐ 2022, Hòa Phát lên kế hoạch doanh thu dự kiến 160.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong khoảng từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng. Như vậy kế hoạch 2022, doanh thu tăng trưởng 6% trong khi LNST dự kiến giảm từ 28% đến 14%.
Trong một báo cáo gần đây của VCSC, các chuyên gia khẳng định HPG là lựa chọn cổ phiếu hàng đầu để đầu tư vào lĩnh vực xây dựng. VCSC kỳ vọng lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu của Chính phủ. Vị thế dẫn đầu với quy mô và hiệu quả hoạt động cùng với việc mở rộng công suất, đa dạng hóa sản phẩm thông qua xây dựng Khu liên hợp gang thép Dung Quất 1 (DQSC 1) và đầu tư vào DQSC 2 sẽ giúp HPG nắm bắt được tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong tương lai.
HPG giảm giá kể từ đầu năm
Mẫn Nhi