(Tổ Quốc) - Tính chung trong 8 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng tổng cộng 3.811 tỷ đồng, trong đó mua ròng 3.425 tỷ đồng khớp lệnh và mua ròng thêm 386 tỷ đồng thoả thuận.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua gần 3/4 chặng đường của năm 2022 đầy thăng trầm. Riêng trong tháng 8 vừa qua, chỉ số VN-Index ghi nhận nỗ lực tích luỹ trong vùng 1.245 - 1.290 điểm. Số điểm cao nhất đạt được trong phiên 25/8 với việc chỉ số chính của TTCK Việt Nam bứt phá 11,72 điểm để lên mức 1.288,88. Tuy nhiên sau đó áp lực điều chỉnh khiến VN-Index đóng cửa phiên cuối cùng của tháng tại mức 1.280,51 điểm. Như vậy trong tháng 8, VN-Index tăng tổng cộng 49,16 điểm (4%) so với thời điểm cuối tháng 7.
Thêm một thông tin đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường phục hồi tích cực, giao dịch khối ngoại cũng là điểm sáng. Xét về khối lượng, tổng giá trị giao dịch trong tháng 8 đạt 45.460 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 5,3%. Họ mua vào 23.269 tỷ đồng và bán ra 22.290 tỷ đồng, như vậy giá trị mua ròng đạt 980 tỷ đồng trong tháng 8, trong đó mua ròng trên kênh khớp lệnh đạt 1.145 tỷ đồng; ngược lại bán ròng 165 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.
Đây là dấu hiệu tương đối tích cực sau khi tháng 7 trước đó họ vừa bán ròng hơn 400 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị mua ròng thấp nhất tính theo tháng kể từ đầu năm 2022 tới đây.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng tổng cộng 3.811 tỷ đồng, trong đó mua ròng 3.425 tỷ đồng khớp lệnh và mua ròng thêm 386 tỷ đồng thoả thuận.
Xét về diễn biến cụ thể trong tháng 8 vừa qua, tại chiều mua, cổ phiếu ngành SSI bất ngờ thu hút được dòng vốn của khối ngoại với giá trị mua ròng dẫn đầu danh sách là 646 tỷ đồng, toàn bộ đều giao dịch trên kênh khớp lệnh. Nhóm chứng khoán sau thời gian dài trước đó điều chỉnh đã đưa nhiều giá cổ phiếu rơi về vùng thấp nhiều năm, từ đó có khả năng hấp dẫn dòng vốn ngoại khi thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Diễn biến giá dầu leo thang có thể được xem là động lực giúp cổ phiếu ngành dầu khí PVD được khối ngoại mạnh tay rót tiền, giá trị mua ròng trong cả tháng 8 đạt 472 tỷ đồng. Trong đó họ mua vào gần 513 tỷ đồng và chỉ bán ra gần 41 tỷ đồng mã chứng khoán này.
Ông lớn ngành thép HPG cũng nhận được lực mua ròng mạnh trong tháng 8 vừa qua, nhiều phiên giao dịch đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại, giá trị mua ròng trong cả tháng đạt xấp xỉ 359 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với những diễn biến và thông tin tích cực về nới room tín dụng, đã trở nên tương đối hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều cổ phiếu được mua ròng liên tục trong tháng như HDB (454 tỷ đồng), STB (345 tỷ đồng), CTG (328 tỷ đồng), SHB (163 tỷ đồng)...
Một số cổ phiếu khác cũng được khối ngoại mua ròng hàng trăm tỷ trong tháng 8 có thể kể tới như mã VNM của Vinamilk, giá trị mua ròng đạt 280 tỷ đồng, mã bất động sản NLG của Nam Long với giá trị gom ròng đạt 178 tỷ đồng, cổ phiếu chứng khoán khác là FTS cũng được khối ngoại mua ròng 168 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2022 là chứng chỉ quỹ Diamond ETF - FUEVFVND, giá trị ghi nhận xấp xỉ 769 tỷ đồng. Đây tiếp tục là động thái bán ròng của khối ngoại sau thời gian liên tục gom ròng trước đó. Giá trị rút ròng tại chứng chỉ quỹ Diamond ETF tháng 8 cũng là mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Mã cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại tháng 8 với giá trị xấp xỉ ngưỡng 500 tỷ đồng. Thị giá KBC cũng trong xu hướng giảm từ đầu tháng tới nay, kết phiên 31/8 đạt 34.700 đồng/cổ phiếu
Danh sách bán ròng còn có sự xuất hiện của 2 đại diện là DGC và TLG, giá trị bán ròng lần lượt là 373 tỷ đồng và 350 tỷ đồng. Trong khi đó, dù ở nhóm dầu khí song cổ phiếu BSR lại ngược chiều xu hướng với PVD khi bị khối ngoại bán ròng 277 tỷ đồng trong tháng qua
Đồng thời, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất trong tháng 8 với cổ phiếu AGG (-210 tỷ đồng), VJC (-202 tỷ đồng), HCM (-178 tỷ đồng), PHR (-145 tỷ đồng).
Mặt khác, xét tại diễn biến các ETF ngoại, điểm đáng chú ý là việc FTSE Vietnam bất ngờ hút vốn mạnh trong tháng 8, giá trị hút ròng đạt 640 tỷ đồng, nâng giá trị hút ròng tổng cộng trong 8 tháng đầu năm lên mức 249 tỷ đồng. Tiếp theo sau là Fubon ETF với giá trị hút ròng tháng 8 đạt 271 tỷ đồng, giá trị hút ròng từ đầu năm đến nay vượt ngưỡng 6.100 tỷ đồng.
Trong báo cáo trước đây, SSI Research đã cho rằng dòng vốn ETF ngoại có thể sẽ mua ròng nhẹ sau những điều chỉnh linh hoạt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô và dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu trong thời gian qua đã phần nào phản ánh những rủi ro trước mắt. Trên hết, SSI đánh giá triển vọng dài hạn đối với TTCK Việt Nam duy trì tích cực có thể sẽ kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.
Phương Linh