Thị trường đất nền Hà Nội diễn biến ra sao sau khi siết phân lô, tách thửa?

(Tổ Quốc) - Trong quý 1/2022, mức độ quan tâm đến đất nền ở Hà Nội có sự sụt giảm do ảnh hưởng từ thông tin tạm dừng phân lô bán nền. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, sự giảm nhiệt này chỉ trong ngắn hạn, về dài hạn vẫn có tiềm năng tăng trưởng.

Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2022, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Batdongsan.com.vn cho biết, mức độ quan tâm đất nền ở Hà Nội có sự suy giảm ở một số huyện Đông Anh (25%), Gia Lâm (14%) và một số khu vực phía Tây suy giảm nhẹ như Thạch Thất, Quốc Oai,...

“Sự suy giảm này theo tôi đánh giá có sự ảnh hưởng từ yếu tố Hà Nội tạm dừng phân lô bán nền. Tuy nhân, đây là ảnh hưởng mang yếu tố ngắn hạn, giảm nhiệt thị trường của Chính phủ. Còn nhìn vào động lực vì sao thị trường đất thổ cư Hà Nội và các tỉnh quanh miền Bắc có sự phát triển thì chúng tôi nhận thấy: thứ nhất, nhu cầu đầu tư tích trữ tài sản của người miền Bắc lớn; thứ hai, việc phát triển cơ sở hạ tầng thúc đẩy khu vực này phát triển. Do vậy, về ngắn hạn, tác động này sẽ giảm nhiệt thị trường đất nền Hà Nội một chút”, ông Hiếu nhận định.

Đánh giá xu hướng dài hạn, ông Hiếu cho rằng, khu vực này vẫn phát triển tốt trong tương lai khi mà mặt bằng giá các tỉnh miền Bắc tương đối thấp so với các tỉnh miền Nam. Đặc biệt, một số khu vực phía Tây và Đông Hà Nội có nhu cầu ở thực, mặt bằng giá và độ quan tâm vẫn có tăng trưởng ở phân khúc đất nền, đất nền dự án ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Theo báo cáo quý 1 của Batdongsan.com.vn, mặc dù mức độ quan tâm giảm nhưng giá rao bán vẫn tăng tốt cả khu phía Đông và phía Tây Hà Nội. Cụ thể, giá rao bán đất nền tại huyện Đông Anh tăng 20%, Gia Lâm tăng 21%, Thạch Thất tăng 11%, Quốc Oai tăng 26%, Chương Mỹ tăng 74%.

Theo nhận định củachuyên gia Batdongsan.com.vn, đất nền được tìm kiếm nhiều hơn cả thời điểm trước dịch Covid. Đây cũng là loại hình bất động sản "nóng" nhất trong hơn 2 năm dịch bệnh, phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.

Theo đó, lượt tìm kiếm đất nền trong quý 1/2022 vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế những đợt sốt đất cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vào đầu năm 2020 và 2021, rải rác ở các thời điểm khác trong năm.

Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, những địa phương có thay đổi về quy hoạch, hạ tầng đều ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm đất tăng mạnh. Tuy nhiên đất nền một số địa phương miền Bắc, miền Nam có phần giảm nhiệt so với đầu năm 2021.

Trong khi đó, đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14% với những địa bàn "nóng" là Đắk Lăk, Khánh Hòa, Bình Thuận.... Đáng chú ý, dù nhiều địa phương miền Bắc sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá mạnh như Bắc Giang tăng 35%, Hải Phòng tăng 29%, Quảng Ninh tăng 20%, Bắc Ninh tăng 16%.

Hiện, các nhà đầu tư tìm kiếm các thị trường mới nhiều sức hấp dẫn hơn, có xu hướng dịch chuyển khỏi các lõi trung tâm tới các tỉnh ven. Tại miền Bắc, các thị trường mới như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình nhận được nhiều sự quan tâm trong những tháng đầu năm 2022.

Còn tại phía Nam, giai đoạn 2020-2021 mức độ tìm kiếm ở các khu vực xung quanh TP.HCM đều tăng cao. Đến năm 2022, sức nóng của thị trường lan rộng ra 50-60 km. Các tỉnh như Bình Dương, Long An có mức độ tìm kiếm cao hơn. Trong khi đó, mức độ tìm kiếm tại trung tâm TP.HCM giảm 15%, Đồng Nai giảm 13%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 16%. Điều này cho thấy, xu hướng chuyển dịch từ lõi TP.HCM ra khu vực Đông Nam Bộ. Nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mới ở Bình Phước, Long An, khu vùng ven cách 60-120 km so với trung tâm TP.HCM.


Phong Linh

Tin mới