(Tổ Quốc) - Sau kỳ nghỉ hè, giá các mặt hàng liên quan đến những lĩnh vực như xây dựng, sản xuất, chiếu sáng… đều tăng mạnh trở lại.
Các thị trường từ nhôm đến thép đều chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, trong khi giá khí đốt và điện ở Châu Âu lập những kỷ lục cao mới, góp phần khiến chỉ số giá hàng hóa giao ngay trên toàn cầu tháng 7 đạt mức cao kỷ lục lịch sử, và tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo, đe dọa đẩy lạm phát lên cao hơn, làm tăng chi phí tiêu dùng và gây áp lực lên các ngân hàng trung ương, buộc họ phải hạn chế các biện pháp kích thích khổng lồ đã áp dụng trong suốt giai đoạn Covid-19 – nguyên nhân đẩy giá nguyên liệu tăng mạnh.
Nhu cầu bùng nổ trở lại khi các nền kinh tế hồi phục sau giai đoạn đại dịch, kết hợp với những vướng mắc về nguồn cung khiến thị trường bị thắt chặt, nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc kiềm chế sản xuất kim loại để giảm lượng khí thải, thời tiết bất thường và xu hướng tăng cường sử dụng năng lượng sạch khiến lượng khí đốt dự trữ của Châu Âu bị giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa không ngừng tăng cao.
Với tình trạng khan hiếm nguồn cung trên các thị trường hàng thực (physical), Goldman Sachs Group Inc. dự báo cơn sốt giá hàng hóa sẽ còn tiếp diễn trong năm tới.
Các nhà phân tích của Goldman, trong đó có chuyên gia Jeff Currie, trong thông báo phát đi hôm 13/9 cho biết: "Nhu cầu hàng thực đã tăng lên mức rất cao (nhu cầu với hầu hết tất cả các mặt hàng đều tăng vượt mức trước khi xảy ra đại dịch) khiến cán cân cung – cầu ngày càng trở nên mất cân đối theo hướng nguồn cung không thể đáp ứng đủ nhu cầu đối với những hàng hóa đó".
"Thị trường ngày càng trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào bất cứ yếu tố nhu cầu đột ngột tăng nào", Goldman cho biết.
Giá kim loại tăng mạnh
Các biện pháp kích thích kinh tế trên toàn cầu với quy mô lớn đang đẩy nhu cầu kim loại tăng mạnh, khiến giá đồng duy trì ở mức cao kỷ lục lịch sử. Trong khi đó, chính sách hạn chế sản xuất kim loại để giảm ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc và cuộc đảo chính ở Guinea – nhà cung cấp bauxit quan trọng trên thế giới – đã đẩy giá nhôm lên mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng 13 năm, là 3.000 USD/tấn. Mục tiêu giảm khí phát thải của Trung Quốc cũng đẩy giá nickel lên cao nhất kể từ 2014, và đẩy giá thép trong nước tăng mạnh.
"Mặc dù chúng tôi cho rằng giá hiện tại là quá cao, và mặc dù thị trường nhôm đang có dấu hiệu mua vào quá mức nhìn từ góc độ kỹ thuật, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng giá tăng sẽ sớm đảo ngược", Commerzbank AG cho biết.
Giá năng lượng cao
Chỉ còn một tháng nữa là đến mùa lạnh ở Châu Âu, khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên, nhưng dự trữ khí đốt của khu vực này hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ (so với cùng thời điểm này của các năm trước), đẩy chi phí sản xuất điện tăng mạnh. Khu vực này đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung khí đốt để làm đầy các kho dự trữ, khi mà dòng chảy khí từ Na Uy bị hạn chế vì đang mùa bảo dưỡng, trong khi nguồn cung từ Nga vẫn eo hẹp.
Do đó, giá khí gas kỳ hạn tham chiếu ở Châu Âu năm nay đã tăng gấp hơn 3 lần, lên mức cao kỷ lục ở Hà Lan, trong khi giá điện ở Đức cao chưa từng có trong lịch sử nước này. Thị trường carbon tăng cũng khiến cho việc sản xuất điện trở nên đắt đỏ hơn.
Nhiều mặt hàng đang tăng giá rất mạnh
Một số mặt hàng đang giảm nhưng đầu năm đã tăng mạnh
Không phải tất cả các thị trường hàng hóa đều hoạt động tốt như những thị trường kể trên. Giá quặng sắt kỳ hạn tại Singapore đã giảm khoảng 45% so với mức đỉnh cao được thiết lập vào tháng 5/2021 do Trung Quốc hạn chế sản xuất thép làm giảm triển vọng nhu cầu quặng sắt. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá một số sản phẩm cây trồng giảm trong mấy tháng qua do triển vọng thời tiết tốt lên, mặc dù chỉ số giá lương thực thế giới hiện vẫn cao nhất gần một thập kỷ.
Giá dầu cũng tương đối ổn định trong tháng này. Sau khi tăng 10% vào tuần cuối cùng của tháng 8 khi cơn bão Ida tàn phá Vịnh Mexico, giá dầu thô giao dịch trên sàn New York đã duy trì quanh mức gần 70 USD/thùng từ đầu tháng 9 đến nay.
Mặc dù cơn bão gây ra một cú sốc tăng giá dầu bất thường bởi khiến cho phần lớn công suất sản xuất dầu ngoài khơi của Mỹ phải dừng hoạt động trong vòng 2 tuần, nhưng bù lại, thị trường cũng đang lo ngại về những tác động của virus biến thể Delta đối với nhu cầu dầu mỏ, khi mà nhiều nơi, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy giá hàng hóa cao đang tiếp tục ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Dữ liệu tuần trước cho thấy giá thành sản xuất của các nhà máy Trung Quốc đã tăng tốc lên mức cao nhất trong 13 năm, trong khi giá thành sản xuất của các nhà máy Mỹ cũng tăng nhiều hơn mức dự kiến.
Một số chuyên gia cảnh báo làn sóng lạm phát cao có thể còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh gây nên cho thị trường toàn cầu. Có khả năng, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một bước ngoặt quan trọng đã đến, sự tăng giá hàng hóa trên diện rộng không chỉ là một khoảnh khắc nhất thời và có nhiều thứ đang trở nên khó kiểm soát hơn.
Tham khảo: Bloomberg
Vũ Ngọc Diệp