(Tổ Quốc) - Những điểm sốt ảo, tăng giá vượt qua ngưỡng giá trị thực sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng đóng băng. Đó là nhận định của một số nhà đầu tư lâu năm, giàu kinh nghiệm trước dự đoán về kịch bản bất động sản hiện tại đang ngày càng cẩn trọng.
Thị trường địa ốc lo ngại trước biến động
Siết tín dụng, siết thuế chuyển nhượng bất động sản, cộng với lo ngại về chu kỳ chững lại của kênh đầu tư có giá trị vốn hoá đã dấy lên lo ngại thực sự trong tâm lý của giới đầu tư. Nhất là khi nhìn lại diễn biến của thị trường trong thời gian qua, quá nhiều sự bất ổn trở thành nhân tố tiềm ẩn rủi ro lớn.
Đó cũng là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu về thị trường địa ốc khi ông cho rằng, thị trường bất động sản dù phát triển nhưng không theo quy củ và lộn xộn. Đánh giá về loạt tác động đang ảnh hưởng tới thị trường địa ốc, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, về ngắn hạn, các chủ thể đều sẽ bị tác động.
Thị trường bất động sản đứng trước lo ngại biến động. (Ảnh: Viết Huy)
Ngay cả kênh đầu tư được mệnh danh là "nơi trữ tiền" an toàn trong khoảng thời gian nền kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh và lạm phát như đất nền cũng đang ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt. Báo cáo mới nhất từ Batdongsan.com.vn cho hay, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất bán trên cả nước đã giảm đến 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Những chuyên gia Batdongsan.com.vn chỉ ra, thị trường đang có nhiều thông tin tiêu cực về vi phạm của một số doanh nghiệp lớn, cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào bất động sản khiến cho người mua và nhà đầu tư bất động sản trở nên thận trọng.
Báo cáo thị trường bất động sản Quý I/2022 của VARS cho biết, tình trạng "sốt đất" cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch về hạ tầng như khu công nghiệp, cầu, đường, sân bay,… Những tín hiệu cho thấy, đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Bởi giá đất nền các khu vực liên tục tăng theo các dự án. Đặc biệt, giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.
Theo anh Viễn, nhà đầu tư có hơn 10 năm kinh nghiệm, dấu hiệu của thị trường bất động sản diễn ra như kịch bản của thời kỳ 2009-2010. Đó là giá tăng rất nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn nhưng dù thanh khoản kém, giá vẫn neo ở mức cao. Tín hiệu này cảnh báo lo ngại lớn trong tâm lý nhà đầu tư về thị trường có thể diễn biến khó khả quan.
Nơi nào sốt ảo sẽ lao dốc
Những nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, trường hợp xấu nhất thị trường bất động sản biến động thì nơi nào sốt ảo sẽ lao dốc trước. Bởi đó là khu vực tăng giá vượt ngưỡng giá trị thực. Tiền và tài sản sẽ bị chôn vốn còn nhà đầu tư phải chấp nhận gồng lãi nếu như sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Cắt lỗ là diễn biến dễ xảy ra.
Ông M., lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội dẫn lại câu nói của Warren Buffett từng ví von rằng, "chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới phát hiện ai đang bơi mà không mặc quần áo". Ông M. phân tích sâu hơn, bất động sản vừa chứng kiến cơn sóng đầu cơ. Người ta sợ bị bỏ lại nên mạnh tay xuống tiền đầu tư. Họ bất chấp giá đang lên, vượt qua giá trị thực. Họ bất chấp nhu cầu cho tiêu dùng cuối cùng là ở thực, và bất chấp cả khi không có nguồn tài chính trong tay. Thế nên, họ mua đất bất chấp và chờ tăng giá. Họ muốn thu lời thật nhiều mà chẳng phải làm gì, chỉ cần ngồi đợi tiền đẻ ra tiền. Khi cơn sóng kết thúc dừng lại thì đúng là mới biết nhà đầu tư nào thực sự có tiềm lực tài chính mạnh.
Ông M nhìn nhận, bất động sản tỉnh có thể là những khu vực sẽ phải đối mặt với tình trạng thị trường chững lại do ghi nhận tình trạng tăng giá ảo trong thời gian vừa qua. Nhu cầu ở thực thấp, dự án hoang hoá mọc lên như nấm, giá tăng vù vù khiến thị trường xuất hiện bong bóng. Ông M. nói thêm, khu vực vùng ven Hà Nội cũng sẽ có thể rơi vào kịch bản tương tự vì thời gian qua, đây là thị trường tạo sóng mạnh. Đặc biệt, điểm như Sóc Sơn nằm ven Vành đai 4, giá bất động sản sẽ buộc phải chững hoặc cắt lỗ sau thời gian tăng quá đà.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cần một khoảng thời gian dài để thị trường phục hồi trở lại và quay lại giai đoạn tăng trưởng ổn định và bền vững.
Hải Nam